Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu gạo sang các thị trường tiềm năng
Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gạo, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường. Liên quan đến vấn đề này phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Đóng bao sản phẩm gạo xuất khẩu tại công ty Lương thực Sông Hậu (Sông Hậu Food), thành phố Cần Thơ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Thời gian qua công tác xúc tiến thương mại gạo đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, nghiên cứu với mục tiêu phát triển thị trường xuất khẩu gạo nhằm duy trì, củng cố thị trường trọng điểm, truyền thống và tìm kiếm, mở rộng thị trường mới và tiềm năng.
Để tổ chức triển khai, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo tổ chức thực hiện các giải pháp, cụ thể như: rà soát nhu cầu tiêu dùng và cơ chế, chính sách nhập khẩu của các thị trường, trên cơ sở đó, đề xuất đàm phán và ký kết các thỏa thuận về tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tích cực đàm phán mở rộng thị trường cho xuất khẩu, cụ thể là đưa các nội dung về giảm thuế, mở cửa thị trường, dỡ bỏ các rào cản về thương mại, kỹ thuật không phù hợp đối với mặt hàng gạo của Việt Nam trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương cũng như các hiệp định khác mà Việt Nam tham gia ký kết.
Đồng thời, tăng cường theo dõi, nắm bắt, cập nhật các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý xuất nhập khẩu hoặc những thông tin bất lợi đối với mặt hàng gao xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường, bao gồm cả các thị trường đối thủ xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam để kịp thời thông báo cho các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan chức năng liên quan chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh và đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gạo tại các thị trường.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp, hiệp hội quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hàng rào kỹ thuật và thương mại của nước nhập khẩu đối với mặt hàng gạo để ứng phó kịp thời. Hướng dẫn cách tiếp cận với các thị trường mới đồng thời tận dụng triệt để ưu đãi thông qua các Hiệp định thương mại tự do, tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do.
Qua đó, tăng cường giới thiệu, quảng bá thông tin về các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gạo có thương hiệu của Việt Nam với các đối tác nước ngoài để thúc đẩy cơ hội giao thương xuất khẩu, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm, truyền thống. Tương tự, tăng cường tìm kiếm và giới thiệu các đối tác nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng gạo cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu. Cụ thể, tổ chức các đoàn công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm gạo, kết nối giao thương, tham gia hội chợ tại các thị trường trọng điểm, truyền thống như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hong Kong; tại các thị trường mới, tiềm năng: Pháp, Hà Lan, Ghana, Bờ Biển Ngà, Mỹ…
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng, tập quán thị trường, kết nối giao thương, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã phối hợp với một số địa phương có sản lượng lúa gạo hàng hóa lớn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Long An, Kiên Giang, Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh) mời các đoàn doanh nghiệp nhập khẩu lương thực tại các tỉnh lớn của Trung Quốc (An Huy, Quảng Đông, Vân Nam, Phúc Kiến, Chiết Giang, thành phố Trùng Khánh)… sang thăm thực địa kho và cơ sở xay xay xát, chế biến của doanh nghiệp Việt Nam đồng thời giao dịch, kết nối mua hàng.
Bộ cũng tập trung nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, rào cản kỹ thuật và thương mại, các vụ kiện của các nước nhập khẩu đối với mặt hàng gạo của Việt Nam để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp.
Vậy, mặt hàng lúa gạo của Việt Nam đã có mặt và tập trung nhất ở những thị trường nào, thưa ông?
Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số thị trường nhập khẩu lớn nhập khẩu gạo của Việt Nam như: Philippines, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Cuba, Hong Kong, Singapore, Iraq, một số nước châu Phi (Bờ Biển Ngà, Ghana, Mozambique). Bên cạnh đó, gạo Việt Nam đang hướng tới các thị trường tiềm năng ở châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương (Australia, Papua New Guinea).
Để giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho gạo Việt, Cục Xuất nhập khẩu đã có những giải pháp hỗ trợ như thế nào và doanh nghiệp cần phải lưu ý gì?
Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan định kỳ tổ chức Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam 2 năm/lần để quảng bá, truyền thông giới thiệu hình ảnh sản phẩm gạo có thương hiệu, chất lượng của Việt Nam trên thị trường thương mại gạo.
Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang hướng dẫn để các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký việc sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam song song với thương hiệu gạo của doanh nghiệp. Đồng thời, để phát triển nhãn hiệu Gạo Việt Nam tại thị trường thương mại gạo thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thủ tục để đăng ký Nhãn hiệu Gạo Việt Nam tại một số thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, khu vực Châu Âu.
Đối với các doanh nghiệp, các Bộ, ngành sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo trong nước và trên thị trường quốc tế.
Việc ưu tiên khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo xây dựng, phát triển thương hiệu gạo Việt Nam không chỉ được quy định tại Quyết định số 706/QĐ-TTg nêu trên mà còn được quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Đây là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu gạo của doanh nghiệp nói riêng và của Việt Nam nói chung ở trong nước và trên thị trường quốc tế.
Cùng với những thị trường truyền thống, thị trường sẵn có thì trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu có giải pháp gì để tiếp tục tìm kiếm thêm thị trường cho mặt hàng này?
Chính phủ, Bộ Công Thương từ lâu luôn có chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh phụ thuộc vào 1 thị trường nhất định; trong đó, bao gồm cả thị trường hàng nông sản.
Đối với việc tìm đầu ra cho hàng nông sản xuất khẩu nói chung, Bộ Công Thương từ nhiều năm nay đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng hàng hóa, xúc tiến thương mại, xây dựng hành lang pháp lý cho hàng xuất khẩu thông qua đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương…
Đối với mặt hàng gạo, trong thời gian tới, Việt Nam ngoài việc tiếp tục duy trì quan hệ đối với các thị trường lớn, thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hong Kong, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore… đồng thời tiếp tục tăng cường khai thác các thị trường tiềm năng như thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hoặc tìm kiếm các thị trường mới như Palau, thị trường khu vực Trung Đông, châu Phi…
Xin trân trọng cảm ơn ông!