|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đầu tư ngoại đạo vào chứng khoán (Kì 1): Xây dựng Hòa Bình sa lầy tại Chứng khoán Sen Vàng

16:42 | 11/11/2019
Chia sẻ
Xây dựng Hòa Bình không mấy thành công khi đầu tư vào mảng chứng khoán. Trong bối cảnh Chứng khoán Sen Vàng tiếp tục kinh doanh bết bát, công ty đã liên tục mua lại vốn góp từ các cổ đông sáng lập.

Những ngày đầu tháng 11, thị trường chứng khoán đón nhận thông tin chính thức xóa sổ hai công ty chứng khoán là Chứng khoán Delta và Chứng khoán Hà Nội. Được biết, Chứng khoán Delta là trước đó là Chứng khoán Cao Su, thành lập ngày 29/12/2006 với vốn điều lệ 40 tỉ đồng.

Cổ đông sáng lập của Chứng khoán Delta là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam. Tại ngày 1/1/2012, hai cổ đông này sở hữu lần lượt 40% và 11%. Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2012, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp sang Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam.

Như vậy, câu chuyện xóa sổ Chứng khoán Delta là một kết cục buồn của Tập đoàn Cao su Việt Nam khi đầu tư ngoài ngành - mở công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, Tập đoàn Cao su không phải là câu chuyện ngoại lệ. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ, hàng chục công ty chứng khoán được mở ra giai đoạn 2006 - 2007.  Trong số đó có nhiều công ty chứng khoán được lập lên bởi các đại gia "ngoại đạo" như PVN, Tập đoàn Cao su.

Trải qua thăng trầm của thị trường, nếu như nhiều công ty chứng khoán tư nhân nổi lên thành các "ông lớn" chiếm phần lớn thị phần như SSI, HSC, VND, thì nhiều các công ty của các đại gia "ngoại đạo" lại đang trong tình trạng hấp hối và liên tục báo lỗ.

Trong kì đầu tiên này, người viết đề cập đến trường hợp mắc kẹt của đại gia ngành xây dựng - Xây dựng Hòa Bình tại Chứng khoán Sen Vàng.

Tỉ lệ sở hữu, Xây dựng Hòa Bình sa lầy thêm tại Chứng khoán Sen Vàng?

Chứng khoán Sen Vàng được thành lập tháng 12/2007 với vốn điều lệ 135 tỉ đồng với cổ đông sáng lập là những công ty trong mảng xây dựng, bất động sản như Xây dựng Hòa Bình, Nhà Thủ Đức, Vạn Phát Hưng, Đồng Tâm Miền Trung, CTCP Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP HCM, Phú Mỹ Thuận, Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long, TCT Vật liệu xây dựng số 1. 

Tuy nhiên, sau đó, Hòa Bình liên tục mua lại phần vốn góp khi các cổ đông thoái vốn.

Cụ thể, tỉ lệ sở hữu của Xây dựng Hòa Bình tại Chứng khoán Sen Vàng liên tục thay đổi kể từ năm 2014. Ghi nhận tại ngày 1/1/2014, Xây dựng Hòa Bình nắm giữ 21,95% vốn điều lệ tại công ty chứng khoán này. Nhưng, với việc nhận chuyển nhượng 9,9% vốn từ Vạn Phát Hưng (Mã: VPH), tỉ lệ sở hữu của Xây dựng Hòa Bình tăng lên 31,85% tại thời điểm cuối năm 2014.

Trong năm 2015, Xây dựng Hòa Bình tiếp tục nâng sở hữu lên 37,3% vốn điều lệ Chứng khoán Sen Vàng. Cùng năm đó, CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP HCM thoái 10% tại công ty chứng khoán này.

Tháng 7 năm 2016, Xây dựng Hòa Bình tiếp tục nhận chuyển nhượng 5% vốn tại Chứng khoán Sen Vàng từ Ngân hàng BIDV (Mã: BID) nâng tỉ lệ sở hữu tại Chứng khoán Sen Vàng lên 42,3%.

Trong năm 2017, cơ cấu cổ đông của Chứng khoán Sen Vàng tiếp tục có sự thay đổi. Tại ngày 31/12/2017, Xây dựng Hòa Bình sở hữu 42,53% vốn điều lệ của công ty. Cùng với đó là việc xuất hiện cổ đông lớn là ông Lê Viết Hiếu, trùng tên với tên con trai của ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình.

Tháng 6/2017, ông Lê Viết Hải và ông Lê Viết Hiếu cùng được bầu vào HĐQT, theo đó, ông Lê Viết Hải giữ chức Chủ tịch HĐQT.

HBC

Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Giai đoạn từ năm 2017 đến 30/9/2019, tỉ lệ sở hữu của Xây dựng Hòa Bình và ông Lê Viết Hiếu tại Chứng khoán Sen Vàng không có sự thay đổi. Ngoài hai cổ đông lớn này, Nhà Thủ Đức (Mã: TDH), KCN Long an và TCT Vật liệu Xây dựng sô 1 (Mã: FIC) đang sở hữu lần lượt 22,49%, 9,9% và 5% vốn điệu lệ của Chứng khoán Sen Vàng.

Chứng khoán Sen Vàng liên tục thua lỗ ngay từ khi thành lập

Ngay từ năm đầu thành lập, Chứng khoán Sen Vàng lỗ gần 35 tỉ đồng. Từ năm 2010 đến năm 2014, công ty liên tục báo lỗ 4 năm liên tiếp.

Giai đoạn 2014 - 2018, trong khi Xây dựng Hòa Bình liên tục gia tăng tỉ lệ sở hữu, Chứng khoán Sen Vàng tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh kém khởi sắc. Đơn cử, Chứng khoán Sen Vàng báo lỗ 3/5 năm. 9 tháng đầu năm 2019, công ty báo lỗ 2,3 tỉ đồng.

HBC2

Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Ghi nhận trên báo cáo tài chính của công ty chứng khoán này, khoản lỗ lũy kế tính đến 30/9 năm nay, lỗ lũy kế của công ty lên đến 88,6 tỉ đồng, tương đương gần 66% vốn điều lệ của công ty. Tổng tài sản đạt 58,5 tỉ đồng, giảm so với mức 68,6 tỉ đồng đầu năm.

Nguyên nhân chủ yếu của các khoản lỗ của Chứng khoán Sen Vàng chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư chứng khoán. Đơn cử, năm 2018, lỗ bán chứng khoán của công ty là 26,6 tỉ đồng.

Liên quan đến hoạt động đầu tư của Chứng khoán Sen Vàng, tháng 6/2019, UBCK xử phạt 125 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán. Tháng 8/2019, công ty chứng khoán này tiếp tục bị xử phạt do số lượng nhân viên có chứng chỉ hành nghề của Chứng khoán Sen Vàng chưa đáp ứng điều kiện về nhân viên có chứng chỉ hành nghề cho mỗi nghiệp vụ được cấp phép.

Cùng với đó, tính đến ngày 9/7, Chứng khoán Sen Vàng không thiết lập bộ phận kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo quy định pháp luật.

Cổ đông Chứng khoán Sen Vàng có tiếc khi bỏ quyết định giải thể?

Với kết quả kinh doanh bết bát, cổ đông của Chứng khoán Sen Vàng liệu có tiếc nuối khi thay đổi quyết định giải thể tại Nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 26/12/2013. Tại thời điểm đó, công ty đang lỗ lũy kế gần 70 tỉ đồng, thấp hơn mức lỗ lũy kế hiện tại.

Thay vào đó là kế hoạch M&A với Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APEC, mã: APS) công bố . Theo đó, tỷ lệ chuyển đổi khi sáp nhập là 1:1. APEC sẽ phát hành 13,5 triệu cổ phiếu mới để chuyển đổi cho 13,5 triệu cổ phiếu của GLS.

Tại thời điểm sáp nhập, APEC đã kỳ vọng, với vị thế của các cổ đông Sen Vàng như Gạch Đồng Tâm, Nhà Thủ Đức, các đối tác này sẽ hỗ trợ cho công ty mới hậu sáp nhập.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm công bố đối tác, thực hiện các kế hoạch phát hành, hoán đổi cổ phiếu, kế hoạch M&A giữa Chứng khoán Sen Vàng và Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương đổ vỡ do sự phản đối của cổ đông APEC, bởi sau khi sáp nhập, tên APEC không còn trên thị trường, trong khi đây là công ty niêm yết với hàng trăm cổ đông khiến việc xử lý rất khó khăn.

Với những gì mà Chứng khoán Sen Vàng cho thấy trên báo cáo tài chính, cổ đông lớn của công ty liệu có tiếc nuối khi hủy kế hoạch giải thể, trong khi M&A lại không thành?

Phan Quân