|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đầu tư giá trị tại Việt Nam khó nhằn, Vietnam Holding 'sốt sắng' đảo danh mục

16:37 | 30/08/2019
Chia sẻ
Vietnam Holding vừa phải đưa trạng thái tiền mặt lên mức cao kỉ lục kể từ đầu năm 2017 để đảo danh mục. Theo đó, tỉ trọng nhóm ngân hàng và dịch vụ tài chính giảm mạnh trong danh mục đầu tư của quĩ ngoại này.

Đầu tư thua gửi tiết kiệm, Vietnam Holding đang bị rút ròng

Vietnam Holding được biết đến là quĩ đóng theo trường phái đầu tư giá trị và dài hạn tại Việt Nam. Với diễn biến phân hóa mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay, hiệu suất đầu tư đạt được của quĩ này không mấy khả quan.

Tính đến ngày 29/8, giá trị tài sản ròng (NAV) của Vietnam Holding đạt 147,1 triệu USD; NAV trên chứng chỉ quĩ đạt 2,789 USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng NAV trên chứng chỉ quĩ đạt 5,88%. Con số này thấp hơn đáng kể so với hiệu suất của VN-Index (9,74%). Thậm chí, mức hiệu suất này đang thấp hơn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm (8%) hay kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (11 - 14%).

Cùng với diễn biến biến không mấy tích cực về hiệu suất đầu tư, quĩ đầu tư giá trị Vietnam Holding đang bị rút ròng. Đây là xu hướng chung của nhiều quĩ bao gồm cả hình thức đầu tư trực tiếp và thụ động trên TTCK Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay.

Được biết, tại thời điểm 31/12/2018, số lượng chứng chỉ quĩ phát hành của Vietnam Holding là 53,62 triệu đơn vị. Đến 29/8, số lượng chứng chỉ quĩ giảm xuống còn 51,09 triệu đơn vị. Như vậy, qui mô của Vietnam Holding giảm 2,53 triệu ccq trong 8 tháng đầu năm nay.

Bán cổ phiếu VPB, Vietnam Holding có tiền mặt cao kỉ lục

Số liệu thống kê về trạng thái tiền mặt của Vietnam Holding cho thấy quĩ này vừa trải qua hoạt động tái cơ cấu.

VNH

Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Thời điểm cuối tháng 5 năm nay, Vietnam Holding nắm giữ tiền mặt cao kỉ lục kể từ đầu năm 2017. Theo đó, tỉ trọng tiền mặt trong danh mục của Vietnam Holding là 8,4%, tương đương giá trị 11,63 triệu USD (gần 270 tỉ đồng). 

Động thái gia tăng nắm giữ tiền mặt của quĩ diễn ra liên tục kể từ đầu tháng 2. Ghi nhận tại thời điểm cuối tháng 2, tỉ trọng tiền mặt của Vietnam Holding là 1,6%, tương đương giá trị 2,37 triệu USD. Trong tháng 3 và tháng 4, tỉ trọng tiền mặt lần lượt tăng lên 4,4% và 7,0%.

Kể từ tháng 1/2017, tỉ trọng tiền mặt trong danh mục của Vietnam Holding lên mức cao nhất là 6,1%.

Theo thông tin từ Vietnam Holding, tỉ trọng tiền mặt tăng đột biến do quĩ này thoái vốn hoàn toàn tại VPBank và tập trung vào cổ phiếu ngân hàng khác là MBB. Ngoài ra, quĩ này cũng đang có ý định thoái vốn một trong số 22 cổ phiếu khác trong danh mục để tìm hiếm cơ hội đầu tư trong ngành vận tải.

Vietnam Holding trở lại giải ngân những cổ phiếu và ngành nào? 

Sau khi duy trình tỉ trọng tiền mặt cao kỉ lục trong tháng 5, Vietnam Holding đã giải ngân trở lại, đưa tỉ lệ này giảm xuống còn 2,2% vào cuối tháng 7. Hoạt động tái cơ cấu của quĩ dẫn đến sự thay đổi lớn về tỉ trọng ngành và cổ phiếu trong danh mục đầu tư. 

Theo đó, về tỉ trọng theo ngành, bán lẻ, nhóm dịch vụ và hàng hóa công nghiệp, bất động sản tiếp tục dẫn đầu. Theo đó, nhóm bán lẻ chiếm đến 22,3% danh mục đầu tư của Vietnam Holding với các cổ phiếu như PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (tỉ trọng 9,8%), MWG của Thế giới Di động (7,5%) và TLG của Tập đoàn Thiên Long (5,0%). Đây cũng là ba cổ phiếu quen thuộc được Vietnam Holding nắm giữ trong nhiều năm nay.

Trong quí II năm nay, hai cổ phiếu bán lẻ là MWG và PNJ giao dịch tích cực, trở thành động lực tăng trưởng trong hiệu suất đầu tư của Vietnam Holding.

VNH3

Tỉ trọng ngành và cổ phiếu của Vietnam Holding tính đến cuối tháng 7. Nguồn: VNH

Đối với nhóm bất động sản, số liệu đến cuối tháng 7 cho thấy ba mã trong Top10 là KDH, VPI và VRE được phân bổ tỉ trọng đương đối đồng đều từ 5,2 - 5,4%. So với thời điểm 31/12/2019, cổ phiếu VRE là mã mới lọt Top10. Cùng với đó, cổ phiếu KDH của Khang Điền bị hạ tỉ trọng từ 8% xuống còn 5,2%.

Ở chiều ngược lại, với việc thoái vốn tại VPBank, tỉ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục của Vietnam Holding giảm xuống còn 7,4%, trong khi tỉ lệ này đầu năm nay là 9,2%. Tính đến hết tháng 7, MBB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất nằm trong Top10 mã chiếm tỉ trọng lớn nhất.

Cùng với việc hạ tỉ trọng cổ phiếu ngành ngân hàng, nhóm dịch vụ tài chính cũng không còn là khẩu vị ưa thích của quĩ này. Minh chứng cụ thể bằng việc cổ phiếu VCI của Chứng khoán Bản Việt không còn nằm trong Top10 mã có tỉ trọng lớn nhất danh mục. Ghi nhận tại thời điểm đầu năm nay, tỉ trọng cổ phiếu VCI là 7,1%.

Theo đó, nhóm ngân hàng và dịch vụ tài chính giảm từ vị trí thứ tư và thứ bảy tại thời điểm đầu năm xuống vị trí thứ sáu và thứ chín trong danh mục đầu tư của quĩ đầu tư giá trị này. 

Như đã nêu, minh chứng của việc tìm kiếm cơ hội đầu tư cổ phiếu vận tải, cổ phiếu PVT của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PV Trans) nằm trong Top10 mã chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục của Vietnam Holdings tính đến cuối tháng 7 với tỉ lệ 4,2%.

Những phân tích trên cho thấy động thái thay đổi khẩu vị đầu tư của Vietnam Holding. Người viết sẽ tiếp tục cập nhật về danh mục đầu tư của quĩ này sau tháng 8. 

Phan Quân