|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại 'xả' hơn 2.500 tỉ đồng trên sàn HOSE, 'cá mập' nào đang góp tay?

17:27 | 23/08/2019
Chia sẻ
Thống kê cho thấy các quỹ ETF lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều bị rút ròng trong một tháng gần đây. Đây là đối tượng gia tăng áp lực bán ròng lên thị trường.

Các quĩ ETF rút ròng - Lời giải vì sao khối ngoại bán liên tục 'xả hàng'?

Sau tháng 7 mua ròng tích cực với hàng chục phiên liên tiếp, hoạt động bán ròng trong nhiều phiên liên tục của khối ngoại trở thành tâm điểm của thị trường.

Theo thống kê từ ngày 26/7 đến ngày 22/8, khối ngoại bán ròng 1.372 tỉ đồng trên sàn HOSE với khối lượng gần 86,2 triệu đơn vị. Nếu chỉ tính riêng giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 1.014 tỉ đồng với khối lượng 58,9 triệu đơn vị.

Nếu loại trừ việc mua thỏa thuận 936 tỉ đồng cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup phiên 19/8 và 200 tỉ đồng cổ phiếu CMG của Tập đoàn Công nghệ CMC trong phiên 21/8, khối ngoại 'xả' hơn 2.500 tỉ đồng với giao dịch khớp lệnh. 

Liệu việc bán ròng của khối ngoại có liên quan đến nhóm nhà đầu tư nào trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

Được biết, động thái bán ròng của khối ngoại tại thời điểm này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu có biến động mạnh sau khi Trung Quốc thực hiện phá giá đồng nhân dân tệ vào đầu tháng 8.

Theo nhận định của giới chuyên môn, nhóm quĩ ETF và tracking index (mô phỏng chỉ số) thường nhạy với tình hình vĩ mô, với trạng thái toàn cầu. Do đó, khi có biến động về vĩ mô, động thái rút ròng của các quĩ ETF này quĩ đổi sang USD có thể nguyên nhân tác động đến dòng tiền tại các thị trường.

F1

Thống kê chứng chỉ quỹ của các quỹ ETF. Nguồn: Phan Quân

Thống kê trong khoảng thời gian từ ngày 26/7 đến ngày 22/8, các quĩ ETF lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều trong trạng thái rút ròng.

Ghi nhận của người viết tại ngày 26/7, qui mô của của FTSE Vietnam ETF là 9,69 triệu chứng chỉ quĩ (ccq), tăng 1,1 triệu ccq so với thời điểm 31/12/2018. Cập nhật tại ngày 21/8, số chứng chỉ quĩ của FTSE Vietnam ETF là 8,97 triệu ccq. Như vậy, FTSE Vietnam ETF bị rút ròng 715.229 ccq.

Đi cùng hoạt động rút ròng, giá trị tài sản ròng của FTSE Vietnam ETF cũng giảm từ 307,3 triệu USD ngày 25/7 xuống còn 287,4 tỉ đồng ngày 21/8. Theo đó, giá trị bán ròng đạt khoảng 430 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, VanEck Vectors Vietnam ETF (VMM ETF) cũng giảm qui mô từ 29,05 triệu ccq tại ngày 26/7 xuống còn 28,75 triệu ccq ngày 22/8. Theo đó, giá trị tài sản ròng của quĩ này giảm xuống còn 461,6 triệu USD, nhưng vẫn bỏ xa quĩ đứng đứng hai là FTSE Vietnam ETF.

Trong cùng thời gian này, KINDEX Vietnam VN30 ETF Synth (KIM ETF) cũng giảm qui mô 500.000 ccq xuống còn 16 triệu ccq. 

Đối với chứng chỉ quỹ ETF nội, quy mô của E1VFVN30 giảm 25,8 triệu chứng chỉ quỹ xuống còn 440,7 triệu ccq. 

Trường hợp khác là Premia MSCI Vietnam ETF tăng qui mô từ 2,06 triệu ccq lên 2,14 triệu ccq. Tuy nhiên, quy mô hoạt động của quĩ ETF này vẫn còn khá nhỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản ròng ước tính đạt khoảng 21,9 triệu USD.

Như vậy, với động thái rút ròng như trên, các quỹ ETF là một trong những đối tượng gia tăng áp lực bán ròng lên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Câu chuyện FTSE Vietnam ETF rút ròng liên quan như thế nào đến cuộc cải tổ của Deutsche Bank?

Trở lại mô hình hoạt động, phương thức đầu tư của FTSE Vietnam ETF là mô phỏng gián tiếp (indirect repication). Theo đó, FTSE Vietnam ETF mô phỏng chỉ số FTSE Vietnam Index bằng cách ký hợp đồng hoán đổi (swap) với đối tác phái sinh (swap counterparty) gồm Deutsche Bank AG chi nhánh London và HSBC.

Do đó, khi FTSE Vietnam ETF bị rút ròng, hai đối tác phái sinh là Deutsche Bank AG chi nhánh London và HSBC đã bán ròng cổ phiếu để cân đối trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, giá trị tài sản đầu tư (Notional Value - Invested asset) liên quan đến hợp đồng hoán đổi với FTSE Vietnam ETF của hai đối tác phái sinh có sự thay đổi. Cụ thể, tỉ trọng của Deutsche Bank AG chi nhánh London giảm từ 42,97% tại ngày 9/7 xuống còn 38,63% tại ngày 21/8. Trong khi đó, tỉ trọng của HSBC cũng tăng từ 57,05% lên 61,42%.

Thông tin mới nhất liên quan đến công cuộc "đại cải tổ" của Deutsche Bank, nhà băng này đang chuẩn bị chuyển 800 nhân viên đến BNP Paribas theo như định hướng rút lui khỏi hoạt động ngân hàng đầu tư. Theo đó, ngân hàng từ Pháp sẽ nắm quyền kiểm soát các đơn vị môi giới của Deutsche Bank đối với các quĩ phòng hộ.

Được biết, Deutsche Bank có mối quan hệ với quĩ ETF lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam là Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (FTSE Vietnam ETF) thông qua công ty quản lý quĩ DWS Investment S.A có trụ sở tại Luxemburg.

Liệu rằng việc chuyển giao này có mối liên hệ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi FTSE Vietnam ETF đang trong trạng thái rút ròng mạnh?

Phan Quân