|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh (23/8): Tiền lớn không nhập cuộc, động lực nào vượt 'siêu' kháng cự 1.000 điểm?

08:13 | 23/08/2019
Chia sẻ
Chuyển động dòng tiền thông minh ngày 23/8, thanh khoản của thị trường và diễn biến giao dịch của khối ngoại và bộ phận tự doanh không mấy tích cực. Nhà đầu tư lo ngại trước mốc kháng cự mạnh 1.000 điểm

Nhà đầu tư vẫn lo ngại kháng cự mạnh 1.000 điểm

Thị trường nối dài đà tăng lên phiên thứ 3 liên tiếp nhưng cũng đối diện với áp lực chốt lời mạnh khi VN-Index tiệm cận ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. VN-Index đóng cửa tăng 0,29% lên 997,26 điểm. 

Hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" khi đà tăng được đóng góp bởi các trụ lớn. Cụ thể, cổ phiếu VIC ghi nhận mức giá cao lịch sử mới khi tăng thêm 3% đóng cửa tại 126,500 đồng/cp. MSN, ROS, BVH cũng có mức tăng khá trên 1%.

Mặc dù vẫn giữ được sắc xanh nhưng thanh khoản giảm nhẹ cũng cho thấy tâm lý cẩn trọng của nhà đầu tư trước ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm.

Áp lực chốt lời ở được đẩy mạnh ở nhiều cổ phiếu 'nổi sóng' vừa qua như MWG, PNJ, GMD, REE, VCS...khi các mã này đều giảm khá mạnh. 

Tự doanh CTCK tiếp tục mua ròng nhẹ 33 tỉ đồng

Thống kê giao dịch phiên hôm qua, khối tự doanh CTCK mua ròng 33,2 tỉ đồng trên toàn thị trường với khối lượng gần 1,3 triệu đơn vị. Hoạt động mua ròng tập trung vào chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30.

TD

Thống kê giao dịch của khối tự doanh CTCK phiên 22/8. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Cụ thể, ở chiều mua vào, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 đứng đầu với giá trị 24,6 tỉ đồng, theo sau là MWG với giá trị 11,04 tỉ đồng. Các mã còn lại được khối tự doanh mua vào dưới 5 tỉ đồng gồm có FPT, VPB, VIC, TCB, VHM, VNM và HDG.

Ở chiều bán ra, cổ phiếu SHP của Thủy điện Miền Nam dẫn đầu với giá trị 9,61 tỉ đồng. Phiên hôm qua, thị trường xuất giao dịch khớp lệnh đột biến với khối lượng 429.010 đơn vị, tương ứng giá trị 9,61 tỉ đồng. Ngang bằng giá trị khối tự doanh bán ra.

Một số cổ phiếu khác bị bán ra với giá trị dưới 5 tỉ đồng như GMD, MWG, HCM, CTG, PVT, PVD...

Khối ngoại chưa chấm dứt chuỗi phiên 'xả hàng'

Phiên hôm qua, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên HOSE và HNX, trong khi mua ròng nhẹ trên thị trường UPCoM. Giá trị bán ròng toàn thị trường đạt 82,5 tỉ đồng.

Trên HOSE, khối ngoại bán ròng 87,5 tỉ đồng với khối lượng 4,04 triệu đơn vị. Hai mã VJC và OPC dẫn đầu danh sách bán ròng lần lượt 59 tỉ đồng và 36 tỉ đồng. Chứng chỉ quỹ E1VFVN30 cũng bị bán ròng nhưng chỉ với hơn 19 tỉ đồng. Ở chiều mua ròng, VIC được mua ròng tích cực nhất với 33 tỉ đồng.

Cùng chiều sàn HOSE, khối ngoại bán ròng hơn 9 tỉ đồng trên sàn HNX với khối lượng 724.881 đơn vị. Hai cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là PVS và SHS với giá trị 5,4 tỉ đồng và 2,9 tỉ đồng.

Diễn biến trái chiều, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 14 tỉ đồng trên UPCoM với khối lượng 350.416 đơn vị. Hoạt động mua ròng tập trung vào cổ phiếu VEA với giá trị 13,7 tỉ đồng, theo sau là QNS (4 tỉ đồng), ACV (1 tỉ đồng).

Mua vào cổ phiếu đúng đỉnh, công ty liên quan ông Kiều Hữu Dũng muốn 'cắt lỗ' toàn bộ 31 triệu cổ phiếu FIT

Thống kê giao dịch của cổ đông nội bộ và người có liên quan, giao dịch nổi bật là CTCP Phát triển Bất động sản DPV vừa đăng kí bán toàn bộ gần 31 triệu cổ phiếu FIT, tương đương 12,16% vốn cổ phần của CTCP Tập đoàn F.I.T. Thời gian dự kiến giao dịch từ 26/8 đến 21/9 theo phương thức thỏa thuận.

Phát triển Bất động sản DPV bắt đầu rót vốn vào Tập đoàn F.I.T từ tháng 8/2017 với việc mua vào 15 triệu cổ phiếu FIT, tại vùng đỉnh 12.000 đồng/cp.

Đến tháng 3/2018, Phát triển Bất động sản DPV tiếp tục mua vào gần 16 triệu cổ phiếu FIT khi giá ở mức quanh 7.000 đồng/cp. Ước tính, tổng số tiền DPV đầu tư vào FIT ở mức khoảng 292 tỉ đồng.

Giá trị khoản đầu tư của Phát triển Bất động sản DPV hiện chỉ còn hơn 102 tỉ đồng, như vậy công ty ghi nhận mức lỗ hơn 65% sau hai năm đầu tư cổ phiếu FIT.