|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đồng thuận dự báo hai quĩ ETF thêm vào cổ phiếu VJC, nhiều mã có thể bị 'xả' hàng triệu đơn vị

17:00 | 26/08/2019
Chia sẻ
Hầu hết công ty chứng khoán dự báo hai quỹ FTSE Vietnam ETF và VNM ETF thêm vào cổ phiếu VJC của Vietjet trong đợt cơ cấu danh mục quý III này. Theo đó, ước tính cổ phiếu VJC được mua vào hơn 7,1 triệu đơn vị với giá trị 955 tỉ đồng.

Dự báo kết quả cơ cấu danh mục của các quĩ ETF

Đến hẹn lại lên, cuối tháng 8 này, các quĩ ETF sẽ chốt dữ liệu để tái cơ cấu danh mục đầu tư quí III năm nay. Kết quả sẽ được công bố đầu tháng 9 (6/9 và 14/9). Hoạt động giao dịch cơ cấu danh mục đầu tư diễn ra từ ngày 16 - 20/9.

Trước khi các quĩ này công bố, các công ty chứng khoán thường dự báo kết quả cơ cấu danh mục đầu tư của các quĩ.

kịch bản

Dự báo kết quả cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ ETFs được các CTCK đưa ra. Nguồn: Phan Quân tổng hợp.

Hầu hết dự báo của các công ty chứng khoán cho thấy DB x-trackers FTSE Vietnam UCITS ETF (FTSE Vietnam ETF) và Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) thêm mới cổ phiếu VJC của Vietjet trong đợt này. Trong khi đó, các CTCK dự báo FTSE Vietnam ETF loại ra mã CII.

Theo phân tích của Chứng khoán VNDirect, việc loại bỏ cổ phiếu CII do không đáp ứng được yêu cầu về thanh khoản. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân phiên của cổ phiếu CII trong ba tháng gần nhất chỉ đạt 0,4 triệu USD/phiên, thấp hơn yêu cầu tối thiểu để được ở lại danh mục FTSE Vietnam Index là khoảng 0,5 triệu USD/phiên.

Bên cạnh đó, theo nhận định được Chứng khoán Yuanta và BSC đưa ra, FTSE Vietnam ETF còn thêm vào cổ phiếu PHR của Cao su Phước Hòa. 

Tuy nhiên, theo Chứng khoán BSC, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đạt đủ các tiêu chí vào danh mục. Tuy nhiên đang có nguồn dữ liệu không thống nhất về tỉ lệ cổ phiếu trôi nổi (freefloat) của cổ phiếu này. 

Cụ thể, theo Bloomberg, tỉ lệ trôi nổi là 2,75%, trong khi đó tỉ lệ này theo theo FiinPro là 20%. Theo Chứng khoán BSC, tỉ lệ trôi nổi của Vietnam Airlines là 14% sau khi trừ sở hữu nhà nước 86,2%, ANA holding sở hữu 8,7% (dưới 10%) không ảnh hưởng tỉ lệ trôi nổi.

Với phân tích về tỉ lệ trôi nổi như vậy, công ty chứng khoán này đưa ra một kịch bản là cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines được hai quĩ ETF thêm vào trong đợt cơ cấu này, cùng với cổ phiếu hàng không khác là VJC của Vietjet.

Đối với VNM ETF, Chứng khoán VNDirect nhận định quĩ này sẽ loại ra cổ phiếu NT2 do nằm ngoài top 98% vốn hóa của rổ cổ phiếu đạt yêu cầu của MVIS Vietnam Index.

Như vậy, nhận định chung của các công ty chứng khoán đưa ra là FTSE Vietnam ETF thêm mới cổ phiếu VJC, PHR và loại ra mã CII; trong khi đó VNM ETF không loại ra cổ phiếu nào và thêm mới VJC.

Hai quĩ ETF sẽ mua bán như thế nào?

Được biết, hai quĩ ETF sẽ chốt dữ liệu thực hiện cơ cấu danh mục quí III vào ngày 30/8. Tuy nhiên, mô phỏng dựa trên số liệu trước đó, các công ty chứng khoán đưa ra kịch bản mua bán của các quĩ ETF với nhận định được công bố.

EtF2

Dự báo giao dịch của hai quỹ ETF trong đợt cơ cấu danh mục quý III/2019. P.Q.

Với dự báo được hai quĩ ETF thêm mới, dự kiến cổ phiếu VJC của Vietjet được mua vào với khối lượng 7,13 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 955 tỉ đồng. Cụ thể, FTSE Vietnam ETF mua vào gần 4 triệu cổ phiếu với giá trị 533,6 tỉ đồng. VNM ETF mua vào 3,15 triệu cp với giá trị 421,5 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, nếu được FTSE Vietnam ETF thêm mới, dự kiến cổ phiếu PHR mua vào 970.511 đơn vị với giá trị 68,71 tỉ đồng.

Ngoài hai cổ phiếu dự kiến được thêm mới là VJC và PHR, cổ phiếu duy nhất được dự báo mua vào trong đợt này là VNM của Vinamilk với tổng khối lượng là 60.006 đơn vị, tương ứng 7,38 tỉ đồng.

Ở chiều ngược lại, những cổ phiếu bị hai quĩ ETF 'xả' hàng triệu đơn vị trong đợt cơ cấu danh mục quí III có VHM, HPG, VCB, NVL, SSI, POW, STB, SBT, TCH và CII. Đáng chú ý, tâm điểm bán ròng cổ phiếu VCB của Vietcombank với khối lượng bán ra ước tính đạt hơn 2,2 triệu đơn vị với giá trị 175,7 tỉ đồng. 

Theo sau đó, dự tính hai quĩ ETF bán ròng gần 1,5 triệu cổ phiếu VHM của Vinhomes, tương đương 128,9 tỉ đồng. Hai cổ phiếu khác thuộc 'họ Vingroup' là VIC và VRE cũng bị bán ra lần lượt 115,8 tỉ đồng và 94,8 tỉ đồng.

Dẫn đầu về khối lượng bán ròng đợt này là cổ phiếu HPG của Hòa Phát, dự kiến đạt hơn 3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 71,6 tỉ đồng.

Những cổ phiếu khác bị bán ra với giá trị dưới 10 tỉ đồng là PVD, KBC, NT2 và BVH.

Tổng kết giao dịch trong đợt cơ cấu quí III này, hai quĩ ETF dự kiến bán ra 18,76 triệu đơn vị, nhưng mua ròng 17,21 tỉ đồng nhờ 'gom' mạnh cổ phiếu VJC của Vietjet.

Phan Quân

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.