|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dầu Mỹ tràn ngập châu Âu, dầu Nga và OPEC ‘ra rìa’

15:24 | 24/04/2018
Chia sẻ
Khi nỗ lực tái cân bằng thị trường của OPEC bắt đầu phát huy hiệu quả, các nhà sản xuất dầu Mỹ tận dụng cơ hội và làm ngập châu Âu với lượng dầu kỷ lục.
dau my tran ngap chau au dau nga va opec ra ria IEA: OPEC đã ‘hoàn thành sứ mệnh’ giảm kho dầu toàn cầu
dau my tran ngap chau au dau nga va opec ra ria Saudi Arabia: Các quốc gia sản xuất dầu mỏ sẽ tiếp tục hợp tác sau năm 2018

Nga bắt đầu hợp tác với Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) từ năm ngoái để cắt giảm tổng sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày. Các bên cho biết thỏa thuận này đã giúp tái cân bằng thị trường dầu mỏ và nâng giá dầu Brent lên gần đỉnh 4 năm.

dau my tran ngap chau au dau nga va opec ra ria
Ảnh minh họa. Nguồn: Nick Oxford/Reuters.

Dầu Mỹ 'tấn công' châu Âu

Hiện tại, theo các nhà giao dịch, tình trạng giá dầu cao do thỏa thuận cắt giảm sản lượng trên, cùng với sản lượng tăng vọt của Mỹ đang khiến việc bán dầu Nga, Nigeria và các loại dầu khác tại châu Âu trở nên khó khăn hơn.

“Dầu Mỹ đang được chào bán khắp nơi. Việc này khiến các loại dầu địa phương gặp khó khăn”, một nhà giao dịch thường mua dầu Nga và dầu Biển Caspi nhưng gần đây đã chuyển sang mua dầu Mỹ, cho biết.

Sản lượng dầu Mỹ dự kiến sẽ chạm 10,7 triệu thùng/ngày trong năm nay, cạnh tranh trực tiếp với các nước sản xuất hàng đầu thế giới như Nga và Saudi Arabia.

Trong tháng 4, nguồn cung dầu từ Mỹ sang châu Âu dự kiến lên cao nhất trong lịch sử ở khoảng 550 nghìn thùng/ngày, tương đương 2,2 triệu tấn, theo Thomson Reuters Eikon.

Trong 4 tháng đầu năm nay, nguồn cung dầu Mỹ tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 6,8 triệu tấn, tương đương 68 tàu chở dầu Aframax cỡ lớn.

Reuters dẫn các nguồn tin cho biết dòng dầu từ Mỹ chảy sang châu Âu sẽ tiếp tục tăng và gây thiệt hại cho Nga và OPEC.

Năm 2017, châu Âu tiếp nhận gần 7% tổng lượng dầu xuất khẩu của Mỹ nhưng tỷ lệ này đã tăng lên khoảng 12% trong năm nay, theo số liệu của Reuters.

Các bến đỗ chính của dầu Mỹ tại châu Âu là Anh, Ý và Hà Lan với khối lượng nhập khẩu rất lớn của BP, Exxon Mobil và Valero.

Lợi nhuận của các công ty dầu Mỹ sẽ là chiến thắng quan trọng của Tổng thống Donald Trump, người đã lên tiếng cáo buộc OPEC cố ý nâng giá dầu.

“Có vẻ lại là OPEC. Với lượng dầu kỷ lục ở khắp nơi, cả những con tàu chở đầy dầu trên biển. Giá dầu đang cao một cách giả tạo. Rất cao! Không tốt và sẽ không được chấp nhận”, ông Trump viết trên Twitter ngày 20/4.

‘Nguồn cung chủ lực’

Dù Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ vào cuối năm 2015, động thái này vẫn cần thêm thời gian để thu hút các nhà máy lọc dầu châu Âu vốn đã “quen” với nguồn dầu từ Biển Bắc, Tây Phi và Biển Caspi.

“Các nhà máy lọc dầu châu Âu đã bắt đầu thử nghiệm dầu thô Mỹ trong năm ngoái. Giờ họ đã biết cách xử lý loại dầu này”, ông Ehsan Ul-Haq – giám đốc hãng tư vấn Resource Economics (Anh), cho biết.

Dầu Mỹ bắt đầu phổ biến hơn, một phần do khoảng cách lớn giữa dầu WTI của Mỹ và dầu Brent vốn đắt hơn và là tiêu chuẩn định giá cho hầu hết các loại dầu trên thế giới.

Khoảng cách này, được tính bằng chênh lệch giá dầu Brent và WTI, đạt trung bình 4,46 USD/thùng trong năm nay, gần gấp đôi con số hồi đầu năm.

Chuyên gia David Wech của hãng tư vấn JBC Energy cho rằng chênh lệch này sẽ duy trì trong ngắn hạn.

Các loại dầu Mỹ phổ biến nhất tại châu Âu là WTI, Light Louisiana Sweet, Eagle Ford, Bakken và Mars.

Giá dầu CPC Blend gần đây đã chạm đáy 6 năm so với giá dầu Brent. Dầu Urals của Nga cũng chịu nhiều áp lực dù giai đoạn bảo dưỡng các nhà máy lọc dầu đã kết thúc.

Phí bảo hiểm đối với dầu WTI giao tới thị trấn Augusta (Ý) dao động trong khoảng 80 – 90 cent/thùng, thấp hơn nhiều so với mức phí 1,6 USD/thùng của dầu Azeri BTC.

Dầu thô Mỹ cũng lấn át dầu North Sea Forties ngay trên sân nhà của loại dầu này.

Các lô dầu WTI tại Rotterdam có phí bảo hiểm cao hơn dầu Brent khoảng 50 – 60 cent/thùng, nhưng vẫn thấp hơn 75 cent/thùng so với mức phí của dầu Forties.

Trường Giang