|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đặng Lê Nguyên Vũ: Một cuộc chiến khác, âm thầm chưa hồi kết

06:56 | 04/04/2018
Chia sẻ
Sở hữu thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam nhưng ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang rơi vào một cuộc chiến chưa từng có, áp lực tứ bề, từ trong ra ngoài. Nhiều người lo ngại về số phận 1 thương hiệu Việt.

Sóng gió không ngừng

Câu chuyện về cuộc ly hôn ngàn tỷ của vợ chồng “vua cafe Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo rùm beng trong thời gian gần đây là chướng ngại tiếp theo mà Tập đoàn Trung Nguyên - một doanh nghiệp cà phê nội của Việt Nam - phải vượt qua.

Cuối năm 2012 đầu năm 2013, thị trường cà phê Việt xôn xao với thông tin ông lớn Starbucks vào Việt Nam với tuyên bố Việt Nam là một thị trường năng động, phát triển nhất thế giới và sẽ trở thành thị trường thứ 12 của tập đoàn này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Giới đầu tư nghi ngại ông Đặng Lê nguyên Vũ, CEO Cà phê Trung Nguyên “nổ” khi tuyên bố Starbucks đang là “người khổng lồ đánh mất bản sắc” và tự tin “quân ta” sẽ chiến thắng ông lớn ngoại trong bối cảnh lịch sử trước đó chưa có tiền lệ.

Ở vào thời điểm những năm 2012-2013, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất và bị khối ngoại tấn công. Hàng loạt doanh nghiệp cà phê nội thua lỗ, phá sản, trong khi đó các doanh nghiệp cà phê có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Nestlé,... lại ngày càng lớn mạnh, thu mua và xuất khẩu khoảng 50% sản lượng cà phê Việt và tiếp tục đẩy mạnh rót vốn xây dựng nhà máy chế biến, đầu tư vùng nguyên liệu.

dang le nguyen vu mot cuoc chien khac am tham chua hoi ket

Chỉ khoảng hơn chục doanh nghiệp FDI chế biến và xuất khẩu cà phê nhưng áp đảo hàng trăm doanh nghiệp cà phê nội do tiềm lực mạnh hơn, chi phí tài chính thấp và còn được ưu tiên từ chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài.

Trung Nguyên là một trong số ít các DN nội còn đứng vững ở thị trường trong nước và tiếp tục phát triển, vượt lên trên cơn bão đóng cửa phá sản vì lãi suất cao giai đoạn 2011-2012 (20-25%/năm) và giá cà phê tụt giảm, duy trì được vị thế hàng đầu tại thị trường cà phê Việt Nam.

Sự lớn mạnh của Vinacafé Biên Hòa với sự xuất hiện của Tập đoàn Masan cũng khiến cuộc chiến tại thị trường cà phê hòa tan trở nên khốc liệt. Thương hiệu G7 của Trung Nguyên phải cạnh tranh với 2 ông lớn là Nestle và VinaCafé.

Từ 2015, G7 còn trở thành chiến trường của Trung Nguyên ở cả bên trong công ty sau khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo , vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ nộp đơn kiện chồng ra Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

Theo đơn kiện, bà Thảo không đồng ý với các quyết định miễn nhiệm bà khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP Hòa tan Trung Nguyên bởi cuộc họp công bố Nghị quyết miễn nhiệm chỉ được ông Vũ tổ chức cùng với mẹ của ông mà không có mặt bà Thảo.

Từ người phụ nữ chỉ đứng đằng sau chồng, bà Thảo xuất hiện liên tục trên truyền thông và cho ra mắt hãng cà phê mới mang tên King Coffee của công ty riêng TNI Corporation, lập tức có chỗ đứng trên thị trường với doanh thu lên tới hàng chục triệu USD ngay trong năm đầu ra mắt.

Rang xay và hệ thống quán cà phê: Trung Nguyên vẫn số 1

Trong các cuộc chiến trước đó với DN ngoại, ông Vũ thường có những phát biểu rất ồn ào. Tuy nhiên, trong cuộc chiến với người nhà lần này, ông trùm cà phê Việt chỉ im lặng, bất chấp những cáo buộc về sức khỏe và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đi xuống.

Có lịch sử 22 năm hoạt động, Tập đoàn Trung Nguyên đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình hoạt động với không ít sóng gió.

Áp lực tứ phía dồn nén lên ông trùm cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Các thế lực mạnh khiến giới đầu tư không ngừng đặt câu hỏi về tình trạng sức khỏe của đại gia và doanh nghiệp này thực sự như thế nào.

dang le nguyen vu mot cuoc chien khac am tham chua hoi ket

Trên thực tế, sau cơn bão khủng hoảng 2012-2014, có 2 doanh nghiệp nội đã trụ vững và phát triển mạnh là Vinacafé Biên Hòa (VCF) và Trung Nguyên.

VCF là doanh nghiệp làm ăn tốt thuộc hàng đầu trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhất là với mảng cà phê hòa tan với thương hiệu VinaCafé từng một thời tranh chấp với Tổng Công ty cà phê Việt Nam. Đây là cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn và chia cổ tức cao kỷ lục, vượt qua cả Sabeco và Vinamilk. Vài năm gần đây, VCF có doanh thu và lợi nhuận ở mức rất cao.

Tuy nhiên, Trung Nguyên vẫn được cho là có doanh thu và lợi nhuận vượt trội bất chấp chuyện lục đục trong nội bộ gia đình này.

Năm 2012, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết doanh thu của tập đoàn đạt 200 triệu USD và đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2016. Các số liệu sau đó không được công bố. Tuy nhiên, với sự sôi động ở mảng rang xay và hệ thống quán cà phê tại Việt Nam, thì tăng trưởng của Trung Nguyên có thể đạt mức 20-30%/năm như trong năm 2012.

Thông tin từ bà Thảo cũng cho thấy, doanh thu của Trung Nguyên năm 2016 là 260 triệu USD, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 3.100-3.400 tỷ đồng của Vinacafé Biên Hòa trong vài năm gần đây.

Lợi nhuận của Trung Nguyên vẫn quanh mức trên dưới ngàn tỷ/năm nhưng vượt xa con số 300 và 380 tỷ đồng của VCF. Trong năm 2018, VCF đặt mục tiêu lãi ròng 400-500 tỷ đồng và doanh thu vẫn quanh mức 3.100 đến 3.300 tỷ đồng với sản phẩm chủ lực là cà phê hòa tan.

Các báo cáo của Trung Nguyên không được công bố chi tiết. Do vậy, ít người biết cụ thể về tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của DN này. Song, theo một số tổ chức nghiên cứu thị trường, sản lượng cà phê hòa tan của Vinacafe luôn vượt trội so với Trung Nguyên. Điều đó có nghĩa, nguồn thu của Trung Nguyên không phải chủ yếu từ cafe hòa tan.

Hiện Trung Nguyên Group sở hữu Trung Nguyên Coffee, Trung Nguyên hòa tan và Trung Nguyên franchise. Như vậy, nhiều khả năng mảng cà phê rang xay, hệ thống quán cà phê và mảng nhượng quyền đóng góp khá nhiều vào kết quả kinh doanh của tập đoàn này. Một số nguồn tin cho rằng, Trung Nguyên tiếp tục đứng đầu trong mảng cà phê rang xay với thị phần khoảng 60%, áp đảo cả ông lớn trong và ngoài nước.

Trong cuộc chiến mới nhất, cuộc ly hôn không êm thấm của Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của thương hiệu cà phê Việt. Tuy nhiên, không ít người vẫn tin tưởng vào các DN nội bởi sự am hiểu của những người trong cuộc.

H.Tú