|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đáng lẽ năm 2022 là thời khắc toả sáng của vàng, nhưng tại sao thực tế lại trái ngược?

16:04 | 20/09/2022
Chia sẻ
Trong năm nay, các nhà đầu tư từng kỳ vọng rằng lạm phát sẽ giúp nâng đỡ giá vàng. Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra.

Vàng tại một cơ sở chế biến ở Thuỵ Sĩ. (Ảnh: Reuters).

Vàng không "toả sáng"

Theo ghi nhận của Wall Street Journal, hợp đồng vàng được giao dịch nhiều nhất trên thị trường đang sắp sửa có tháng giảm thứ 6 liên tiếp. Trong giai đoạn 6 tháng này, giá đã tụt khoảng 14%.

Đây là mức giảm mạnh đối với một tài sản được cho là nơi trú ẩn an toàn, đồng thời còn xác lập chuỗi giảm điểm dài nhất kể từ tháng 9/2018 - khi đó giá vàng đã bốc hơi 9,9% chỉ trong 6 tháng.

Vàng được các nhà đầu tư đánh giá cao vì tính ổn định thường thấy của nó trong giai đoạn kinh tế bất ổn hoặc lạm phát leo thang.

Giá của kim loại quý này đã vọt lên gần mức cao nhất mọi thời đại vào đầu năm nay, ngay sau khi Nga tấn công Ukraine và làm gián đoạn các thị trường cổ phiếu cũng như hàng hoá khác.

Vào đầu tháng 3, giá vàng ổn định ở mức cao nhất năm 2022 là khoảng 2.069,4 USD/ounce. Bây giờ, giá đã thấp hơn đầu năm khoảng 8,2% - trên đà ghi nhận năm giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2015.

Giá cổ phiếu hiện đã giảm đáng kể so với hồi đầu tháng 3. Chiến sự tại châu Âu vẫn tiếp tục và lo ngại về lạm phát ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, vàng vẫn bị mắc kẹt trong phạm vi giao dịch từ 1.650 USD đến 1.800 USD/ounce kể từ tháng 6. Trong phiên 19/9, giá vàng giảm 0,3% xuống còn 1.678,2 USD/ounce.

 

Sự biến động trên thị trường vàng là một ví dụ khác cho thấy chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang làm rung chuyển mọi ngóc ngách của thị trường tài chính, Wall Street Journal nhận định.

Tại Fed mà ra?

Báo cáo tháng 8 cho thấy, lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao -qua đó củng cố kỳ vọng của nhà đầu tư rằng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất. Họ dự đoán các nhà hoạch định chính sách sẽ tăng 75 điểm cơ bản, hoặc thậm chí là 100 điểm tại cuộc họp ngày 21/9.

Tại sao vấn đề chính sách tiền tệ của Fed lại đóng vai trò quan trọng đối với vàng? Khi thị trường chứng khoán lao dốc, các nhà đầu tư bất an và muốn tìm một tài sản an toàn để trú thân. Họ không chỉ thích vàng mà còn gom thêm trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Ông Tai Wong - một nhà giao dịch cấp cao tại công ty cung ứng kim loại quý Heraeus Precious Metals, cho hay: “Triển vọng của vàng sẽ còn tiếp tục u ám nếu Fed chưa ngừng tăng lãi suất”.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc có xu hướng biến động cùng chiều với kỳ vọng của nhà đầu tư về lãi suất chuẩn của Fed. Do đó, các nhà đầu tư hiện nay có thể được hưởng lợi nhuận tương đối cao từ trái phiếu Kho bạc.

Đầu tuần này, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2007. Điều này - kết hợp với thực tế là trái phiếu Kho bạc tạo ra lợi nhuận thường xuyên (không giống như vàng), đã thúc đẩy nhà đầu tư bỏ vàng tìm tới trái phiếu.

 

Các nhà phân tích tại JPMorgan Chase dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giảm, đạt trung bình khoảng 1.650 USD/ounce trong quý IV năm nay. Điều đó phản ánh niềm tin ngày càng lớn rằng Fed chưa thể từ bỏ kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chia sẻ tại một sự kiện do CME Group tổ chức mới đây, ông Richard Fisher - cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, cho biết: “Tăng lãi suất không phải chuyện đơn giản mà có thể ngừng bất cứ lúc nào…”

Đồng USD - một thiên đường trú ẩn khác, đang làm phức tạp thêm vấn đề của vàng. Các nhà đầu tư đang tìm kiếm một khoản đặt cược an toàn và USD là một trong các lựa chọn hấp dẫn.

Hiện, đồng bạc xanh đã lên gần mức cao nhất trong 20 năm. Điều này khiến vàng càng trở nên đắt đỏ hơn đối với các khách hàng quốc tế, từ đó làm giảm nhu cầu đối với kim loại quý này.

Nỗi đau đang hiển hiện trên khắp các thị trường vàng. SPDR Gold Shares - quỹ ETF vàng lớn nhất lớn nhất thế giới, đã mất hơn 2% từ đầu tháng 9 đến nay.

Nhà đầu tư đã rút tiền ra khỏi các quỹ tương hỗ và ETF tập trung vào vàng trong 12 tuần liên tiếp, theo dữ liệu của Refinitiv Lipper. Đó là chuỗi rút vốn dài nhất kể từ khi dòng tiền tháo chạy kéo dài 13 tuần kết thúc vào tháng 5 năm ngoái.

 

Giá vàng đã giảm gần 20% so với mức đỉnh lịch sử xác lập hồi tháng 8/2020 - khi đại dịch COVID-19 gieo rắc bất ổn cho triển vọng kinh tế toàn cầu.

Ông Ruth Crowell - Giám đốc điều hành tại Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London (LBMA), nhận xét: “Vàng không còn hấp dẫn như vào năm 2020”. Dù vậy, ông cho rằng vàng vẫn là lựa chọn tốt hơn cổ phiếu. Chỉ số S&P 500 đã giảm 18% trong năm nay.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ hạ tốc độ tăng lãi suất trong năm 2023, điều này có thể đẩy lợi suất trái phiếu và đồng USD đi xuống - qua đó kéo giá vàng đi lên. JPMorgan dự báo vàng sẽ tăng lên khoảng 1.820 USD/ounce vào cuối năm sau. 

Yên Khê