|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dân Trung Quốc vay tiền chơi chứng khoán, nợ gia đình lên cao kỉ lục

10:45 | 14/08/2020
Chia sẻ
Nhà đầu tư Trung Quốc tận dụng lỗ hổng trong việc quản lí các khoản vay tiêu dùng để lấy tiền rót vào cổ phiếu. Bắc Kinh cố gắng để làm nguội cơn sốt chứng khoán nhưng không thể làm nhụt chí các đầu tư nhỏ lẻ.
Vay tiền chơi chứng khoán đẩy nợ hộ gia đình Trung Quốc lên cao kỉ lục, gần bằng 60% GDP - Ảnh 1.

1 cây cầu dành cho người đi bộ gắn màn hình theo dõi giá chứng khoán ở Thượng Hải. Ảnh: EPA

Sau khi nhận được hàng chục cuộc gọi và tin nhắn từ ngân hàng mời chào các khoản vay tiêu dùng rẻ không cần đảm bảo, anh Eric Zhang - nhân viên tại một hãng đầu tư tư nhân ở Thượng Hải - quyết định vay 400.000 nhân dân tệ (57.600 USD) với lãi suất 4% từ một ngân hàng lớn của Trung Quốc hồi tháng 6.

Tuy nhiên, khoản vay có đi kèm điều kiện: anh phải kí đơn cam kết không dùng số tiền trên để đầu tư vào cổ phiếu hoặc bất động sản. Yêu cầu của ngân hàng chẳng có nghĩa lí gì với anh Zhang. Vài ngày sau, anh đã tìm được một người giúp anh giả vờ mua hàng nhưng thực chất là chuyển tiền vào tài khoản chứng khoán.

Sau khi giá trị khoản đầu tư mới tăng 6% trong một tháng, anh Zhang nói với Bloomberg: "Tôi không nghĩ ngân hàng có thể theo dõi số tiền họ cho vay và xác định mục đích sử dụng thực sự của nó. Đây là một giao dịch tuyệt vời".

Những câu chuyện tương tự diễn ra trên khắp Trung Quốc trong bối cảnh nhà đầu tư nhỏ lẻ phấn khích trước đợt tăng giá lớn nhất của thị trường chứng khoán kể từ năm 2015. Ngân hàng và các nền tảng tín dụng bị cuốn theo cơn sốt khi các "con bạc" tìm cách mượn tiền nhanh chóng để đánh cược vào thị trường biến động nhất trên thế giới.

Việc mượn tiền để chơi chứng khoán là một chiến lược nguy hiểm đối với các gia đình đã đi vay quá mức và cả các tổ chức tín dụng. Hiện tượng trên đang ngày càng bị các nhà quản lí theo dõi chặt chẽ hơn.

Một phần lỗi thuộc về các nhà chức trách. Trước tình cảnh kinh tế vẫn quay cuồng vì đại dịch, các nhà hoạch định chính sách đã bơm thanh khoản và nới lỏng hạn chế cho các ngân hàng ngầm (shadow banking) để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và gia đình gặp khó khăn.

Việc dễ dàng vay tiền đã thúc đẩy nhà đầu tư nhỏ lẻ lao vào thị trường chứng khoán và doanh nghiệp tận dụng lãi suất thấp để đầu tư vào mọi thứ, từ cổ phiếu cho đến các sản phẩm quản lí tài sản.

Đòn bẩy ngày càng tăng cao dù hàng triệu người Trung Quốc đã mất việc trong đại dịch. Nợ hộ gia đình tăng vọt lên mức cao kỉ lục 59,7% GDP trong quí II. Tỉ lệ nợ hộ gia đình/GDP Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với năm 2012 do sự bùng nổ của thị trường nhà đất và các nền tảng cho vay trực tuyến như Ant Group.

Vay tiền chơi chứng khoán đẩy nợ hộ gia đình Trung Quốc lên cao kỉ lục, gần bằng 60% GDP - Ảnh 2.

Rủi ro leo thang càng khiến nhà quản lí lo lắng. Tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) yêu cầu các ngân hàng báo cáo dữ liệu về tín dụng tiêu dùng cấp cùng với nền tảng cho vay trực tuyến để làm rõ về khối nợ tiêu dùng 6.600 tỉ nhân dân tệ.

Tuy nhiên, tín dụng được cấp bởi các startup fintech, nền tảng cho vay ngang hàng và nhiều kênh khác vẫn không bị kiểm soát.

Ông Chen Hao, nhà phân tích tại CIB Research nói: "Khác với nợ thẻ tín dụng, ngân hàng và cơ quan quản lí khó theo dõi xem các khoản vay tín dụng được dùng vào việc gì. Nếu tiền được đổ vào thị trường chứng khoán, ngân hàng sẽ gặp rủi ro đáng kể khi xét tới tình hình biến động hiện nay".

Vay tiền chơi chứng khoán đẩy nợ hộ gia đình Trung Quốc lên cao kỉ lục, gần bằng 60% GDP - Ảnh 3.

CSI 300 và Hang Seng lần lượt là các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đại lục và Hong Kong; Dow Jones và S&P 500 của Mỹ và Euro Stoxx của châu Âu.

Trong thời gian qua, khối lượng giao dịch đã tăng mạnh, vượt quá 1.000 tỉ nhân dân tệ/ngày trong 17 ngày liên tiếp. Dư nợ kí quĩ trên các sàn giao dịch đi lên với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2015, đạt hơn 1.400 tỉ nhân dân tệ.

Khác với hầu hết các thị trường lớn, nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc chiếm tỉ trọng cao trong giao dịch cổ phiếu nội địa, tâm lí của họ có thể nhanh chóng thay đổi hoặc đảo ngược hoàn toàn.

Truyền thông nhà nước đã châm ngòi cho sự bùng nổ của thị trường để chứng tỏ với thế giới rằng Trung Quốc đang trỗi dậy từ đại dịch COVID-10.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã cố gắng hạ nhiệt thị trường bằng cách kiểm soát chặt các nền tảng cho vay kí quĩ bất hợp pháp, nhưng nhà đầu tư vẫn đổ xô vào thị trường do sợ bỏ lỡ mất đợt tăng giá lịch sử.

Anh Josh Xu, một nhân viên môi giới bất động sản ở Thượng Hải dùng tiền trong thẻ tín dụng và các công ty cho vay trực tuyến để mua cổ phiếu.

Theo Bloomberg, tháng trước, Ủy ban Quản lí Ngân hàng Trung Quốc nhắc nhở người dân phải thận trọng khi sử dụng thẻ tín dụng và không được vay ngắn hạn cho mục đích dài hạn. Tuần này, Chủ tịch Ủy ban cảnh báo việc tiếp cận nguồn vốn dễ dàng có thể châm ngòi cho cuộc bùng phát các hoạt động tài chính sai qui tắc.

Tuy nhiên, những cảnh báo như vậy không đủ để khiến những người như anh Xu hay Zhang nản chí.

Giang