|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Doanh nghiệp Trung Quốc vội vã lên sàn chứng khoán Mỹ để tránh các hạn chế mới

17:02 | 11/08/2020
Chia sẻ
Doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy nhanh các kế hoạch để thu về hơn 5 tỉ USD trong các đượt IPO tại New York trước khi cánh cửa huy động vốn này bị các qui định mới của Mỹ khép lại.
Doanh nghiệp Trung Quốc vội vã lên sàn tại Mỹ để tránh các hạn chế mới - Ảnh 1.

Showroom của Xpeng Motors tại Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Cả công ty bất động sản khổng lồ KE Holdings và hãng sản xuất xe điện Xpeng của Trung Quốc đều công bố bản cáo bạch niêm yết mới vào hôm 7/8, một ngày sau khi tổ công tác Nhà Trắng đề nghị mọi ứng viên IPO của Trung Quốc bắt buộc phải cho phép các nhà quản lí Mỹ xem xét báo cáo kiểm toán.

KE Holdings, công ty được góp vốn bởi Tencent và SoftBank có thể huy động tới 2,01 tỉ USD nếu bán được cổ phiếu theo mức giá cao nhất nêu trong bản cáo bạch. Trong kịch bản tốt nhất, thương vụ này có thể trở thành cuộc IPO lớn nhất của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ trong vòng hai năm trở lại, theo dữ liệu từ Dealogic.

Ngân hàng đầu tư Renaissance Capital cho biết Xpeng hi vọng sẽ thu được khoảng 500 triệu USD từ cuộc IPO.

Các doanh nghiệp Trung Quốc khác đang chuẩn bị cho các đợt IPO tại Mỹ bao gồm nền tảng quản lí tài sản trực tuyến Lufax và nhà vận hành trung tâm dữ liệu ChinData. Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, Lufax có thể huy động được ít nhất 2 tỉ USD còn ChinData thì nhắm đến con số 500 triệu USD.

Li Auto, đối thủ của Xpeng huy động được 1,1 tỉ USD vào ngày 30/7 - cuộc IPO lớn nhất từ đầu năm 2020 đến nay của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ. Li Auto định giá cổ phiếu ở mức 11,5 USD/cp, cao hơn nhiều mức giá dự kiến ban đầu 8-10 USD/cp do nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư.

Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) được cho là sẽ sớm công bố các qui định mới nhằm thắt chặt yêu cầu đối với các cuộc IPO mới của doanh nghiệp Trung Quốc.

Doanh nghiệp Trung Quốc đã lên sàn tại Mỹ có hạn chót đến ngày 1/1/2022 để tiết lộ đầy đủ thông tin tài chính hoặc bị hủy niêm yết. Yêu cầu của Mỹ mâu thuẫn với luật bí mật của Trung Quốc. Bắc Kinh không cho phép cơ quan quản lí nước ngoài, bao gồm cả Mỹ, trực tiếp điều tra và thu thập bằng chứng về doanh nghiệp Trung Quốc trên lãnh thổ nước này. 

Trong bản cáo bạch, Xpeng cho biết nỗ lực thắt chặt yêu cầu niêm yết của Mỹ có thể "tác động xấu" tới giá hoặc khiến cổ phiếu công ty bị cấm giao dịch trên sàn chứng khoán New York (NYSE).

Tương tự, KE Holdings cũng cảnh báo rằng "chúng tôi có thể bị hủy niêm yết khỏi NYSE hoặc bị SEC hủy đăng kí".

Doanh nghiệp Trung Quốc vội vã lên sàn tại Mỹ để tránh các hạn chế mới - Ảnh 2.

Lưu ý: Số liệu 2020 là tính từ đầu năm tới nay

Nhà phân tích Shujin Chen tại công ty chứng khoán Jefferies cho biết: "Những doanh nghiệp trên hẳn đã đánh giá rủi ro từ các hành động của Mỹ khi lên kế hoạch niêm yết và quyết định rằng thị trường Mỹ là lựa chọn tốt nhất".

Hôm 4/6, Tổng thống Trump chỉ đạo tổ công tác Nhà Trắng đánh giá rủi ro từ doanh nghiệp Trung Quốc đối với nhà đầu tư Mỹ.

Lệnh của ông Trump được đưa ra sau khi hàng loạt bê bối của doanh nghiệp Trung Quốc bị đưa ra ánh sáng, nổi bật nhất là vụ khai khống 300 triệu USD doanh thu của Luckin Coffee.

Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8, doanh nghiệp Trung Quốc đã huy động được khoảng 2 tỉ USD từ các cuộc IPO tại Mỹ, bằng với số tiền họ thu về được trong 5,5 tháng đầu năm. Để so sánh, trong cả năm 2019, doanh nghiệp Trung Quốc còn không huy động được 4 tỉ USD từ các đợt IPO tại Mỹ.

Giám đốc cấp cao tại một ngân hàng Mỹ cho biết: "Doanh nghiệp Trung Quốc đang vội vã IPO vì họ hi vọng chính quyền Mỹ và Trung Quốc sẽ chịu thỏa hiệp với nhau".

Nhà phân tích Chen của Jefferies cho biết: "Đối với những công ty mới chỉ bắt đầu tiến tới việc IPO tại nước ngoài, động thái mới nhất của Mỹ là trở ngại lớn, buộc họ phải ngừng lại và cân nhắc các lựa chọn khác".

Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã lựa chọn niêm yết tại Hong Kong, bao gồm những tên tuổi lớn như Alibaba, JD.com và công ty game NetEase. Một số công ty khác thì nhận được lời đề nghị chuyển đổi từ công ty đại chúng thành công ty tư nhân, bao gồm  trang web phân loại trực tuyến 58.com và công cụ tìm kiếm Sogou.

Theo Citigroup, khoảng 354 doanh nghiệp Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ kể từ năm 1993, huy động được tổng cộng 88,5 tỉ USD. Trong số đó, 107 doanh nghiệp đã bị hủy niêm yết, số còn lại có vốn hóa đạt 1.500 tỉ USD.

Tuần trước, các nhà phân tích tại hãng tư vấn Eurasia Group viết trong lưu ý gửi tới khách hàng rằng theo một số góc độ, khuyến nghị của nhóm công tác Nhà Trắng là bước đi nghiêm trọng nhất từ trước tới nay nhằm chia tách ngành tài chính của Mỹ và Trung Quốc.

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.