|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao Mỹ hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc là hành động vô nghĩa?

13:17 | 04/07/2020
Chia sẻ
Theo báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), hủy niêm yết thông thể ngăn chặn doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn Mỹ và càng không gây tổn hại đến sự tăng trưởng của Trung Quốc.
Hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc là hành động 'vô nghĩa' - Ảnh 1.

Quốc kì Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng xấu đi và thị trường chứng khoán dường như đã trở thành mặt trận mới nhất cho căng thẳng mới nhất giữa hai cường quốc.

Theo CNBC, hồi tháng 5, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật có thể cấm rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Tháng trước, Tổng thống Donald Trump cũng kêu gọi các nhà quản lí tìm cách thắt chặt giám sát đối với những doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, kể cả bị hủy niêm yết, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có thể huy động được vốn từ nhà đầu tư Mỹ bằng cách thông qua thị trường chứng khoán Hong Kong hoặc các quĩ đầu tư tư nhân. Do vậy, các tác giả báo cáo của PIIE khẳng định hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ là "một xu thế vô nghĩa".

"Điểm mấu chốt là thị trường vốn có tính toàn cầu. Cấm doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ không thể ngăn chặn họ tiếp cận vốn Mỹ", báo cáo viết.

Hiện có khoảng 230 doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York và Nasdaq, với tổng vốn hóa là 1.800 tỉ USD, báo cáo cho biết.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng các quĩ đầu tư tư nhân Mỹ đang mua lại doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại nước này. Ví dụ là gần đây hai công ty Warburg Pincus và General Atlantic đã dẫn đầu thương vụ mua lại công ty công nghệ 58.com và hủy niêm yết cổ phiếu này.

Ngoài ra, ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đang tìm cách niêm yết thêm ở Hong Kong. Danh sách doanh nghiệp Trung Quốc đã chào bán thêm cổ phiếu ở Hong Kong bao gồm những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba, JD.com và NetEase.

"Nhà đầu tư tổ chức và công dân Mỹ muốn sở hữu cổ phiếu Trung Quốc có thể mua chúng một cách đơn giản tại Hong Kong. Tương tự, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào doanh nghiệp Trung Quốc thông qua thị trường chứng khoán Mỹ cũng sẽ mua cổ phiếu tại Hong Kong", báo cáo viết.  

Mỹ-Trung khó tách rời

Khó khăn trong việc chia rẽ hoàn toàn doanh nghiệp Trung Quốc với nhà đầu tư Mỹ nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sự hòa quyện giữa kinh tế Mỹ-Trung nhiều khả năng sẽ càng tăng thêm, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, bất chấp tháng trước ông Trump cảnh báo lựa chọn "cắt đứt hoàn toàn với Trung Quốc" vẫn nằm trong số các chính sách được xem xét.

Các tổ chức tài chính Mỹ đang ngày càng tăng cường sự hiện diện tại Trung Quốc. Về phía mình, Bắc Kinh cũng dần nới lỏng các qui tắc về quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Dưới đây là những ví dụ về các doanh nghiệp Mỹ tận dụng chính sách mở cửa thị trường tài chính của Trung Quốc:

- Tháng 3/2020, Goldman Sachs được phép tăng sở hữu tại công ty chứng khoán liên doanh Goldman Sachs Gao Hua Securities từ 33% lên 51%.

- Tương tự, cũng trong tháng 3, Bắc Kinh cho phép Morgan Stanley tăng tỉ lệ sở hữu tại công ty chứng khoán liên doanh Morgan Stanley Huaxin Securities từ 49% lên 51%.

- Tháng trước, American Express trở thành công ty thẻ tín dụng nước ngoài đầu tiên được triển khai hoạt động tại Trung Quốc nội địa thông qua một liên doanh.

Những tiến triển này sẽ khiến cho công cuộc tách rời hoàn toàn giữa ngành tài chính Mỹ và Trung Quốc "ngày càng khó có khả năng xảy ra", báo cáo của PIIE viết.

"Bất chấp các tranh cãi nảy lửa về thuế quan và hạn chế đầu tư, Trung Quốc ngày càng hội nhập vào thị trường tài chính toàn cầu một cách nhanh chóng. Trên thực tế, xét theo hầu hết mọi tiêu chí, sự hội nhập này có vẻ đã tăng tốc trong năm qua".

"Các tổ chức tài chính có trụ sở tại Mỹ đang tích cực tham gia vào quá trình hợp tác này, khiến cho việc chia tách hoàn toàn hệ thống tài chính Mỹ và Trung Quốc ngày càng khó có khả năng xảy ra", báo cáo kết luận.

Giang