|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đàm phán tiếp tục, Tổng thống Biden và lãnh đạo Đảng Cộng hoà cùng trấn an: 'Mỹ sẽ không vỡ nợ'

07:47 | 18/05/2023
Chia sẻ
Lời trấn an từ Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đang giúp công chúng yên tâm hơn rằng Mỹ sẽ không vỡ nợ.

Hôm 17/5, các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai bên đã trấn an người dân Mỹ rằng chính phủ sẽ không vỡ nợ, bởi các cuộc đàm phán về trần nợ vẫn đang tiếp tục.

Chia sẻ với CNBC, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho hay: “Tôi nghĩ là đến cuối cùng, chúng ta sẽ không vỡ nợ”.

Sau đó, Tổng thống Joe Biden đã lặp lại nhận định trên trong bài phát biểu từ Nhà Trắng. Ông bày tỏ: “Chúng ta sẽ sát cánh bên nhau vì không có lựa chọn nào khác. Mọi nhà lãnh đạo trong phòng họp đều hiểu hậu quả nếu chúng ta thất bại”.

Ông Biden thực hiện bài phát biểu chỉ vài phút trước khi rời thủ đô Washington để thực hiện chuyến công du ngắn tới châu Á, mà tại đó ông dự định sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7.

Vị tổng thống cho biết ông sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 21/5, tức là sau khi trở về từ châu Á, để cập nhật thông tin mới nhất về các cuộc đàm phán.

Tổng thống Biden tham gia đàm phán trần nợ cùng Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Đảng Cộng hoà, ngoài cùng bên trái) và Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer (Đảng Dân chủ, ngoài cùng bên phải). (Ảnh: AP).

Phát biểu của hai ông McCarthy và Biden là dấu hiệu mới nhất cho thấy các cuộc đàm phán, vốn đã bị đình trệ trong nhiều tháng qua, đang chuyển sang giai đoạn nghiêm túc, đồng thời có khả năng tiến gần hơn đến một thoả thuận.

Các nhà lãnh đạo đang cạn dần thời gian để nâng trần nợ công trước thời hạn 1/6, thời điểm mà chính phủ được cảnh báo là sẽ hết sạch tiền mặt.

Theo CNBC, hôm 16/5, ông McCarthy đã gặp ông Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của Quốc hội tại Nhà Trắng để cố gắng đạt được một thoả thuận trước khi ông Biden lên đường đến Nhật Bản.

Sang ngày 17/5, Chủ tịch Hạ viện không bày tỏ thái độ lạc quan về diễn biến của các cuộc đàm phán, nhưng ông có động lực hơn bởi thiện chí đàm phán của Tổng thống Biden.

Nhà lập pháp cho hay: “Điều duy nhất tôi tự tin là bây giờ, chúng tôi đã có một quy trình để tìm ra giải pháp. Hạn chót đang rất sát, nhưng chúng tôi đảm bảo sẽ tiếp tục họp và đạt được một kết quả nhất định”.

Trước khi bước vào đàm phán, các hạ nghị sĩ Đảng Cộng hoà tuyên bố họ sẽ không nâng trần nợ nếu ông Biden và các nhà lập pháp khác không đồng ý cắt giảm chi tiêu trong tương lai.

Trong các cuộc phỏng viến riêng trên CNBC, ông McCarthy và Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jefferies nhất trí rằng các cuộc đàm phán đang tiến triển nhưng cả hai vẫn giữ nguyên quan điểm của mình.

Ông Jefferies gọi yêu cầu kép của Đảng Cộng hoà là “không phù hợp”, nhưng vẫn lạc quan về các cuộc đàm phán.

“Hôm qua, cuộc họp diễn ra rất tích cực. Mọi người bình tĩnh. Chúng tôi thảo luận thẳng thắn và tôi lạc quan rằng chúng tôi sẽ tìm thấy điểm chung trong một hoặc hai tuần tới”, ông Jefferies nói với CNBC.

 

Nếu chính phủ Mỹ mất khả năng thanh toán, nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu sẽ chao đảo. Việc vỡ nợ trái phiếu Kho bạc có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào tình cảnh khó khăn.

Lần gần nhất các đảng viên Cộng hoà trong Quốc hội đe doạ để xảy ra tình trạng vỡ nợ là vào năm 2011. Khi đó, S&P đã hạ xết hạng tín nhiệm của Mỹ lần đầu tiên, từ mức cao nhất là AAA xuống còn AA+.

Từ đầu năm nay, Bộ Tài chính đã sử dụng các thủ thuật kế toán đặc biệt để tiếp tục thanh toán các hoá đơn của chính phủ và dự kiến có thể tránh được nguy cơ vỡ nợ cho đến khoảng đầu tháng 6.

Tuần trước, Bộ trưởng Janet Yellen đã cảnh báo rằng nếu Quốc hội không nâng trần nợ công, “một thảm hoạ kinh tế” sẽ xảy ra.

Nếu Mỹ vỡ nợ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm 4% và hơn 7 triệu người lao động sẽ mất việc, Moody’s Analytics ước tính. Ngay cả một vụ vỡ nợ ngắn cũng có thể xoá sổ 2 triệu việc làm trong nền kinh tế.

Khả Nhân