|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đắk Lắk trước nguy cơ bị dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm

23:25 | 21/05/2019
Chia sẻ
Đến thời điểm nay, dịch tả heo châu Phi đã lan ra 34 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy gần 1,5 triệu con. Đáng lo ngại là dịch đang áp sát tỉnh Đắk Lắk, nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh đang ở mức báo động.

Đến thời điểm nay, dịch tả heo châu Phi đã lan ra 34 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy gần 1,5 triệu con. Đáng lo ngại là dịch đang áp sát tỉnh Đắk Lắk, nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh đang ở mức báo động.

Dịch bệnh đang áp sát

Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 18-5, tổng số heo bệnh và tiêu hủy gần 1,5 triệu con. Mặc dù thời gian qua đã có 28 xã thuộc 11 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, nhưng sau đó lại phát sinh heo bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.

Đắk Lắk trước nguy cơ  bị dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm - Ảnh 1.

Lực lượng thú y thực hiện phòng chống dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh trên tuyến đường tỉnh lộ 1.



Ngay sau khi phát hiện những ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, đưa ra một số giải pháp phòng, chống; đốc thúc các địa phương tăng cường nâng cao nguồn lực chống dịch. Theo đó, các địa phương, doanh nghiệp đã và đang triển khai quyết liệt những biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, do bệnh dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây chết gần như 100% khi heo bị mắc bệnh; dịch bệnh lại lây lan nhanh, ở phạm vi rộng do đường lây truyền của virút dịch tả heo châu Phi rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt… Chính vì vậy, từ tỉnh đầu tiên là Hưng Yên phát hiện dịch tả heo châu Phi vào ngày 1-2-2019, sau đó dịch này đã lây lan nhanh chóng sang các tỉnh thành khác ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Tính đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 2.605 xã, 232 huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố. Đáng ngại là các tỉnh giáp ranh với Đắk Lắk là Khánh Hòa, Đắk Nông và một số tỉnh lân cận với Đắk Lắk khác như Bình Phước, Đồng Nai cũng đã xuất hiện các ổ dịch tả heo châu Phi. Đặc biệt ở Campuchia cũng đã xuất hiện nhiều ổ dịch tả heo châu Phi, trong đó có tỉnh Ratanakiri (giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai). 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nguy cơ dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn Đắk Lắk đang ở tình trạng báo động vì đàn heo của tỉnh đang phải chống chọi với dịch lở mồm long móng. Trong khi đó, công tác chống dịch ở các tỉnh đang có nhiều bất cập như công tác chủ động, giám sát, phát hiện, công bố dịch chưa kịp thời. Bên cạnh đó, công tác tiêu hủy heo bệnh ở nhiều nơi chưa đúng quy trình kỹ thuật do Bộ NN-PTNT hướng dẫn; người tiêu huỷ dịch không được trang bị trang phục, phương tiện vận chuyển, dụng cụ phun thuốc tiêu độc khử trùng chuyên dụng, dẫn đến để lây lan mầm bệnh… khiến cho việc khống chế dịch bệnh, hạn chế lây lan gặp rất nhiều khó khăn.

Khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng chống

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi (ngày 13-5), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, cho đến nay, lịch sử ngành chăn nuôi thế giới và Việt Nam chưa từng đối phó dịch bệnh nào nguy hiểm, phức tạp, khó đối phó, tốn kém trong phòng chống đến như vậy. Trong thời gian tới nếu không làm tốt, bệnh sẽ tiếp tục lây lan, phát triển rất nhanh theo 3 hướng: trước hết là tái xuất ổ dịch mới tại nơi đã khống chế được; thứ hai lan rộng sang những vùng chưa bị dịch và thứ ba phát sinh dịch tại những đàn heo lớn mà chúng ta đang cố gắng cầm cự. Khi đó, thiệt hại không chỉ về kinh tế mà nhiều mặt, đe doạ cả một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan đến chỉ số CPI của cả nước. Chính vì thế cần sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

Đắk Lắk trước nguy cơ  bị dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm - Ảnh 2.

Trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin).

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, mặc dù Đắk Lắk hiện chưa phát hiện ca bệnh dịch tả heo châu Phi nào trên đàn heo, nhưng ngành chăn nuôi của tỉnh đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ban, ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng bộ những giải pháp phòng bệnh; Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng V thành lập đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bệnh dịch tả châu Phi tại cửa khẩu biên giới Đắk Ruê (đóng chân trên địa bàn xã Ea Bung, huyện Ea Súp). Đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn vi rút dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam.

Ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục phụ trách chung Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trên cơ sở những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đơn vị đã thực hiện triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả heo châu Phi vào địa bàn Đắk Lắk. Trong đó, tập trung vào giải pháp chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh, nhất là tăng cường công tác kiểm dịch; tập trung đối với đàn heo tại các địa phương giáp biên giới, địa phương có nhiều khách du lịch và có nhiều phương tiện vận chuyển đến từ những nơi đang có dịch tả heo châu Phi. Ngoài ra, Sở NN-PTNT cũng đã triển khai các chính sách hỗ trợ chăn nuôi, quản lý chăn nuôi và an toàn sinh học đến người dân. Qua đó vận động, hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi theo hướng sinh học, an toàn dịch bệnh và xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn kinh phí và lực lượng cán bộ thú y phục vụ cho công tác phòng chống dịch rất hạn hẹp nên việc thực hiện các giải pháp phòng chống khó đạt hiệu quả tốt nhất.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, hiện nay bệnh dịch tả heo châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh, vì vậy các cơ sở, trang trại, nông hộ nuôi heo cần thực hiện nghiêm túc việc thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chăn nuôi và vùng lân cận theo hướng dẫn của cán bộ thú y cơ sở; không sử dụng thức ăn thừa làm thức ăn cho heo; không cho người lạ, thương lái hoặc xe cộ bên ngoài lại gần khu vực chăn nuôi…

Minh Thuận