Đại diện VCCI: 'Chưa bao giờ phải tiếp nhận nhiều phản ánh từ doanh nghiệp như bây giờ, có những tình huống chưa từng có tiền lệ'
Tại buổi tòa đàm, nhìn nhận về bức tranh của doanh nghiệp Việt Nam những tháng đầu năm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước. Ông Tuấn cho rằng doanh nghiệp cũng kiệt sức để đối phó với dịch.
Chuyên gia nhận định 7 tháng đầu năm nay khác với năm 2020. Cụ thể, năm ngoái tác động của dịch đến các doanh nghiệp cũng rất lớn nhưng chủ yếu là doanh nghiệp du lịch, hàng không, dịch vụ, ăn uống…
Theo khảo sát của VCCI, 87% doanh nghiệp cho rằng dịch đã tác động tiêu cực, hoặc rất tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, tình trạng sa thải người lao động cũng khá phổ biến.
Đến năm 2021, dịch COVID-19 tác động càng nghiêm trọng hơn, lan rộng sang nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP HCM, Long An… Tình trạng và mức độ lan rộng của dịch bệnh tại các khu công nghiệp hiện rất lớn.
Ông Tuấn cho biết con số thống kê thường trễ hơn so với thực tế nhưng chắc chắn ảnh hưởng đến doanh nghiệp, xuất khẩu, sản xuất, lao động sẽ tăng cao hơn trong những tháng còn lại.
Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp phản ánh với VCCI đang gặp khó khăn, bất lực. Đơn cử gần đây các doanh nghiệp kêu khó trong khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Bởi việc tắc nghẽn lưu thông giống như tắc mạch máu trong cơ thể, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu,...
Mới đây Thủ tướng đã ký văn bản tháo gỡ vận chuyển hàng hoá, thời gian tới kỳ vọng lưu thông, vận chuyển thông suốt thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất cũng đang lúng túng trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Không những thế, cái quan trọng nhất là công ty phải duy trì khách hàng.
Đại diện VCCI nói, một doanh nghiệp ở Bình Dương có nhiều khách hàng nước ngoài chia sẻ nếu xuất khẩu tắc nghẽn thì sẽ dẫn đến mất bạn hàng, khách hàng có thể tìm nơi cung cấp ở các quốc gia khác như Trung Quốc chứ không chờ đợi doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Chuyên gia nhận định, việc duy trì sản xuất kinh doanh gặp nhiều thách thức lớn. Một số công ty cố gắng duy trì hoạt động nhưng vẫn gặp nhiều rủi ro. Có doanh nghiệp gỗ có hàng trăm ca F0 hay mới đây Vissan - đơn vị cung cấp thịt heo đã phải xin tạm dừng hoạt động trong 3 - 4 tuần để dập dịch.
“Chưa bao giờ chúng tôi phải tiếp nhận nhiều phản ánh từ doanh nghiệp như bây giờ, có những tình huống chưa từng có trong tiền lệ", đại diện VCCI bày tỏ.
Bổ sung thêm quan điểm, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định, dù năm ngoái có khoảng 85 - 87% doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của đại dịch và năm nay chắc cũng tương đương nhưng sức chịu đựng của doanh nghiệp năm nay đã cao hơn.
Nhìn chung, các tháng vừa qua rất khó khăn với doanh nghiệp, song các chuyên gia kỳ vọng thời gian tới công tác chống dịch sẽ có cách làm mới và doanh nghiệp Việt Nam sẽ ứng biến được và vượt qua được đại dịch.
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và việc thực hiện giãn cách xã hội ở 20 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng gần 29%; 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 27%. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.