Đà Nẵng đề xuất lại bảng giá đất, cao nhất 98,8 triệu đồng/m2 đất ở
Theo đó, dự thảo lần này về bảng giá các loại đất trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2024 được xây dựng căn cứ theo Khung giá đất quy định tại Nghị định 96/2019/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành ngày 19/12/2019.
Giá đất trong bảng giá đất đối với đất sử dụng có thời hạn được tính tương ứng với thời hạn sử dụng đất là 70 (bảy mươi) năm. Dự thảo mới cho thấy, đề xuất giá đất ở cao nhất tại Đà Nẵng trong 5 năm tới vẫn là mức 98,8 triệu đồng như hiện nay.
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, tại kỳ họp thứ 12 cuối năm 2019, HĐND TP Đà Nẵng chưa đồng ý thông qua Tờ trình 8046/TTr-UBND của UBND TP đề nghị xem xét ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn TP giai đoạn 2020 – 2024 mà theo đó có tỉ lệ tăng bình quân so với bảng giá đất hiện hành từ 15 – 20% (tùy theo quận và vị trí lô đất), và mức giá đất ở cao nhất được đề xuất lên đến 304.260.000 đồng/m2 (đường Bạch Đằng, đoạn từ Đống Đa đến Nguyễn Du).
Nguyên do là chưa đủ cơ sở pháp lý, do tại thời điểm diễn ra kỳ họp cuối năm 2019 của HĐND TP Đà Nẵng thì Chính phủ chưa ban hành Khung giá đất áp dụng cho giai đoạn 2020 – 2024 để thay thế Nghị định 104/2014/NĐ-CP.
Đồng thời HĐND TP Đà Nẵng cũng lo ngại mức giá đất quá cao sẽ tác động tiêu cực đến vấn đề thu hút đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh cũng như ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận đất đai của người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 96/2019/NĐ-CP (ngày 19/12/2019) quy định về khung giá áp dụng cho giai đoạn 2020 – 2024 đối với từng loại đất, theo từng vùng, HĐND TP Đà Nẵng đã dự kiến tiến hành kỳ họp thứ 13 (bất thường) vào ngày 9/1 để xem xét, ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn giai đoạn 2020 – 2024; tuy nhiên đến phút chót thì kỳ họp bị hoãn do công tác chuẩn bị của các cơ quan tham mưu chưa đầy đủ.
Nay với dự thảo mới nhất vừa được Sở TN&MT Đà Nẵng công bố sáng 6/2 để lấy ý kiến đóng góp, mức giá đất ở cao nhất trên địa bàn được đề xuất là 98.800.000 đồng/m2, bằng với mức giá hiện hành đang áp dụng theo Quyết định 06/2019/QĐ-UBND ngày 03/01/2019 của UBND TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên như Infonet đã đưa tin, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển KT – XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 28/12/2019, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Như Hoa đã phân tích, mức giá đất ở cao nhất 98,8 triệu đồng/m2 mà Đà Nẵng đang áp dụng là chưa phù hợp với mức cao nhất theo quy định mới của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Nghị định 96/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/12/2019 (thay thế Nghị định 104/2014/NĐ-CP ngày 14/11/2014 của Chính phủ quy định về khung giá đất) quy định giá đất ở của Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2024 tối đa 76 triệu đồng/m2 là giống khung giá đất cũ, tuy nhiên mức điều chỉnh tăng thì bị giảm xuống.
“Trước đây Nghị định 104/CP cho phép các địa phương tùy tình hình cụ thể có thể tăng 30% so với khung trần do Chính phủ quy định; nhưng bây giờ Nghị định 96/CP chỉ cho phép tăng 20% thôi.
Do vậy giá đất ở tối đa tại Đà Nẵng chỉ có thể lên tới 91,2 triệu đồng/m2; trong khi theo Quyết định 06/2019/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng thì mức giá đất ở tối đa lại đang là 98,8 triệu đồng/m2!” – Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa phân tích.
Các đoạn, tuyến đường đề xuất mức giá đất ở cao nhất 98,8 triệu đồng/m2
Dự thảo mới cho thấy, đề xuất giá đất ở cao nhất tại Đà Nẵng trong 5 năm tới vẫn là mức 98,8 triệu đồng như hiện nay.
Bao gồm vị trí 1 của các tuyến đường sau: Đường 2/9 (đoạn từ Bảo tàng Chàm đến cầu Nguyễn Văn Trỗi và đoạn từ Nguyễn Văn Trỗi đến Xô Viết Nghệ Tĩnh); đường Bạch Đằng (đoạn từ Đống Đa đến Nguyễn Du, từ Nguyễn Du đến Lê Duẩn, từ Lê Duẩn đến Nguyễn Văn Linh là từ đường 2/9 đến cầu Trần Thị Lý).
Đường Bình Minh 4, Bình Minh 5, Bình Minh 6 (đoạn từ đường 2/9 đến đường Bạch Đằng), Bình Minh 7, Bình Minh 8, Bình Minh 9, Bình Minh 10; đường Chi Lăng; đường Dương Đình Nghệ (đoạn từ đường 45m (đường dây điện 110kV) đến đường Võ Nguyên Giáp); đường Đỗ Bá (đoạn từ Võ Nguyên Giáp đến Lê Quang Đạo); các đường Hà Bổng; Hà Chương; Hàm Nghi;
Đường Hoàng Diệu (đoạn từ ngã năm Phan Châu Trinh, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng đến Nguyễn Văn Linh); đường Hoàng Hoa Thám; đường Hoàng Kế Viêm (đoạn từ Võ Nguyên Giáp đến Lê Quang Đạo); đường Hoàng Sa (đoạn từ Nguyễn Huy Chương đến Nguyễn Phan Vinh); đường Hoàng Văn Thụ;
Đường Hồ Nghinh (đoạn từ Võ Văn Kiệt đến Morroson và đoạn từ Morrison đến Đông Kinh Nghĩa Thục); đường Hùng Vương; đường Lê Duẩn (đoạn từ Trần Phú đến Hoàng Hoa Thám, từ Hoàng Hoa Thám đến ngã ba Cai Lang, đoạn 2 bên cầu Sông Hàn đến đường Yên Bái); đường Lê Đình Dương; đường Lê Đình Lý (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến Đỗ Quang); đường Lê Hồng Phong;
Đường Lý Thái Tổ; đường Nguyễn Thái Học; đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ Bạch Đằng đến Phan Thanh và từ Phan Thanh đến Nguyễn Tri Phương); đường Nguyễn Văn Thoại (đoạn từ Lê Quang Đạo đến Võ Nguyên Giáp); đường Ông Ích Khiêm (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến Lê Đình Dương và từ Lê Đình Dương đến Quang Trung); đường Pasteur; đường Phạm Phú Thứ;
Đường Phạm Văn Đồng; đường Phan Châu Trinh (đoạn từ Pasteur đến Trần Quốc Toản); đường Phan Đình Phùng; đường Trần Phú (đoạn từ Đống Đa đến Lê Duẩn, từ Lê Duẩn đến Trần Quốc Toản, từ Trần Quốc Toản đến Nguyễn Văn Linh và đoạn hai bên hầm chui); đường Trần Quốc Toản; đường Trần Văn Trứ;
Đường Võ Nguyên Giáp (đoạn từ Nguyễn Huy Chương đến Phạm Văn Đồng, từ Phạm Văn Đồng tới Võ Văn Kiệt, từ Võ Văn Kiệt đến Phan Tứ, từ Phan Tứ đến Hồ Xuân Hương); đường Võ Văn Kiệt; đường Yên Bái (đoạn từ Lê Duẩn đến Nguyễn Thái Học và từ Nguyễn Thái Học đến Lê Hồng Phong).