Đất sân bay Phan Thiết: Cò đất ôm tiền tỉ, người dân ngậm ngùi
Xã Thiện Nghiệp trải qua cơn sốt đất ăn theo dự án sân bay Phan Thiết
Xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) là địa phương được quy hoạch một phần để xây dựng dự án sân bay Phan Thiết. Tuy nhiên, hỏi vị trí sân bay nằm ở đâu thì phần lớn những người dân mà chúng tôi tiếp xúc đều lắc đầu không biết. Một số người khá hơn thì cũng chỉ nói “nó nằm đâu đó cách đây khoảng 2 – 3 cây số”.
Quả thật, phải mất gần một buổi sáng, thăm hỏi rất nhiều người dân, dò bản đồ, không ít lần lạc đường, chúng tôi mới xác định được khu vực sẽ hình thành sân bay Phan Thiết.
Dù dự án sân bay này đã được khởi động cách đây 5 năm nhưng hiện không có nhiều thông tin để nhận biết vị trí chính xác của dự án. Lối vào sân bay là những con đường đất nhỏ hẹp, sồi sụp cát sỏi. Khu vực vùng lõi dự án hiện chỉ để cây cối mọc um tùm. Một dãy nhà điều hành đã được xây dựng, nhưng cũng chỉ để trống, không có người túc trực.
Trò chuyện với nhiều người dân ở xã Thiện Nghiệp, đa số họ đều mù mờ về dự án sân bay Phan Thiết, những thông tin mà họ có được cũng chỉ là “nghe nói”. Tuy nhiên, họ lại rất sôi nổi khi nói về những cơn sốt đất bất thường mà dự án sân bay này đã mang đến.
Cò đất ôm tiền tỉ
Ở xã Thiện Nghiệp, dọc theo các tuyến đường 715, Trần Bình Trọng, Hồ Quang Cảnh dễ dàng bắt gặp nhiều điểm môi giới, chào bán bất động sản. Có văn phòng môi giới được thành lập khá hoành tráng, có nhân viên túc trực nhưng cũng có không ít “văn phòng” trụ sở là quán café với đội ngũ cò đất nhộp nhịp.
Hai bên những tuyến đường này trên cột điện, cây xanh cũng treo nhiều mẫu tin rao bán, giới thiệu nhà đất với thông điệp chính “bán đất sân bay Phan Thiết”. Một số khu đất tại đây cũng được đổ đường nhựa, phân lô để bán.
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyên, nhân viên tại văn phòng môi giới bất động sản trên đường Trần Bình Trọng, cho biết thời điểm này cơn sốt đã qua đi, giao dịch không còn rầm rộ như thời điểm những tháng đầu năm 2019. Lý do là hiện đang có đoàn thanh tra tỉnh về siết chặt việc phân lô tách thửa. Tuy nhiên, mức giá bán vẫn không giảm so với thời điểm sốt đất.
Theo đó, giá đất thổ cư mặt tiền đường 715 hiện được giao dịch từ 4 – 5 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm cũng có giá từ 3 – 4 triệu đồng/m2. Đối với các vị trí cách mặt tiền đường từ 500m – 1km thì giá sẽ mềm hơn, khoảng 2 – 3 triệu đồng/m2.
“Mức giá này là một trời một vực nếu so với cách đây vài năm đất đai ở đây chỉ có giá vài trăm nghìn một mét vuông”, anh Nguyên nói.
Rao bán nhà đất nhộp nhịp quanh khu vực sân bay Phan Thiết
Môi giới này cho biết, khu vực này quanh năm nắng gió, đất đai cằn cỗi, thiếu nước nên cơn sốt đất chủ yếu được tạo ra nhờ ảnh hưởng bởi dự án sân bay Phan Thiết. Thời điểm đầu năm 2019, dòng người đầu tư ồ ạt đổ về đây mua đất đã tạo nên cơn sốt đỉnh điểm. Người mua chủ yếu đến từ nhiều tỉnh thành như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu nhưng mạnh mẽ và quyết liệt hơn cả là các nhà đầu tư từ Hà Nội và một số tỉnh phía bắc.
“Nhờ sốt đất nên nhiều người dân cũng hưởng lợi nhờ việc làm cò đất, rồi mua đi bán lại. Có người kiếm được cả chục tỉ qua cơn sốt đất vừa rồi”, môi giới này nói.
Anh Nguyên cho biết, việc siết chặt phân lô tách thửa chỉ tạm thời làm cho cơn sốt chững lại. Giá đất sẽ lại leo thang một khi dự án sân bay chính thức có hoạt động thi công. Thời điểm nhộn nhịp nhất là khoảng thời gian sau Tết Nguyên Đán.
“Tuy nhiên, đầu tư đất ở đây là phải lâu dài, tiền thật chứ nếu lướt sóng bằng tiền vay ngân hàng, muốn thu lời ngay không phải là chuyện dễ”, anh Nguyên nhận định.
Người dân mắc kẹt
Khời động đã 5 năm nhưng dự án sân bay vẫn đang là bãi đất trống
Trong một ngày ở xã Thiện Nghiệp, chúng tôi gặp gỡ nhiều người dân địa phương bày tỏ ý định mua đất nhưng họ cho biết, đất đai ở khu vực này giờ chủ yếu là của người dân nơi khác hoặc đang nằm trong tay của một số ít cò đất địa phương chứ người dân không còn đất để bán.
Ông Nguyễn Văn Vương, một người dân ở xã Thiện Nghiệp chỉ tay về những lô đất được quây rào bằng dây kẽm gai, cho biết đất ở đây là cát sỏi canh tác khó khăn, cây trồng chủ yếu là cây điều, cây keo cho thu nhập bấp bênh. Phần lớn người dân có đời sống khó khăn.
Dự án sân bay Phan Thiết được kỳ vọng sẽ giúp đời sống người dân khá hơn. Nhưng đã hơn năm năm kể từ ngày nghe thông tin dự án động thổ, người dân cũng chỉ nhìn thấy bãi đất cỏ mọc hoang dại.
Đầu năm 2019, người ta bảo dự án sân bay sắp xây dựng, rồi cơn sốt đất ào tới. Mỗi ngày vùng quê vốn bình yên đón hàng chục lượt ô tô của người ở đâu về mua đất. Những miếng đất vốn rẻ như cho thì này được họ ra giá hàng trăm triệu, thậm chí vài tỉ đồng. Con số mà cả đời người dân cũng không bao giờ nghĩ tới.
Cả đời khó khăn, con cái thiếu thốn, căn nhà nhỏ xiêu vẹo, nay đất được giá, nhiều người dân đã cắt bán để trang trải cuộc sống, xây lại ngôi nhà, cho con cái vốn làm ăn. Cứ như vậy, chẳng mấy chốc mà phần lớn đất đai về tay người khác. Nhiều người dân còn tiếc nuối vì vừa bán thì giá đất lại tăng, nhưng nhiều người cũng ngậm ngùi khi giờ có tiền cũng chẳng thể mua lại miếng đất ngày xưa của mình.
Nhà điều hành dự án sân bay Phan Thiết hoang vắng
Cơn sốt đất thoáng qua nhưng hệ lụy nó để lại thì không ai khác chính những người dân địa phương phải lãnh chịu. Tình trạng sốt đất, phân lô bán nền tràn lan của các nhóm đầu cơ, cò đất đã buộc chính quyền, thanh tra vào cuộc siết chặt. Điều này vô tình đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.
Ông Phương, một người dân chia sẻ, gia đình có miếng đất nên muốn tách thửa để sang nhượng lại cho các con làm nhà ở, hoặc bán để lấy vốn làm ăn. Lúc trước việc này rất dễ dàng, nhưng bây giờ cha con ông phải lên xuống ủy ban mấy lần rồi mà vẫn chưa được.
“Mặc dù họ nói người dân địa phương tách thửa cho con cái trong gia đình thì được nhưng khi làm thì không dễ. Những người ở đâu đâu về đây rồi mua đất, buôn bán sai luật để rồi bây giờ người dân địa phương phải chịu hậu quả”, ông Phương bức xúc.
Việc phân lô, tách thửa tràn lan theo cơn sốt đất để lại nhiều hệ lụy
Đề cập về hiện tượng sốt đất tại xã Thiện Nghiệp, lãnh đạo thành phố Phan Thiết đã nhiều lần khuyến cáo về tình trạng sốt đất ảo do những nhóm cò đất, đầu cơ thổi giá ăn theo dự án sân bay Phan Thiết.
Ông Trần Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Phan Thiết, từng cho biết gần đây xuất hiện nhiều đối tượng từ các tỉnh phía bắc, TP HCM và Vũng Tàu đến tập trung tại địa bàn Thiện Nghiệp, mua bán giao dịch đất đai gây nên tình trạng sốt đất. Giá đất tăng đột biến ở khu vực này làm mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn xã cũng như khu vực du lịch ven biển. Thành phố sẽ kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng sốt đất ảo tại địa phương này.