Doanh nghiệp kêu trời vì tiền thuê đất tăng vọt từ 7 tỷ lên 27 tỷ/năm, Đà Nẵng xem xét điều chỉnh bảng giá đất
Sáng ngày 11/10, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng và lãnh đạo các sở ngành đã đi kiểm tra thực tế một số dự án nghỉ dưỡng ven biển về tình trạng tiền thuê đất tăng cao.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng đã đồng loạt có phản ánh vì tiền thuê đất tăng mạnh khiến họ lâm vào cảnh đã khó càng thêm khó.
Đơn cử, tại dự án Ariyana Đà Nẵng của CTCP Khách sạn và Du lịch Thiên Thai tọa lạc tại đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn, chủ đầu tư cho hay, diện tích của dự án phải trả tiền thuê đất hằng năm là khoảng 22 ha. Đơn giá thuê đất tính theo hệ số mặt đường Võ Nguyên Giáp, hiện tại dự án phải nộp là hơn 120 tỷ đồng/năm, tăng hơn 30 tỷ so với năm 2018 và 2019.
Còn theo chủ đầu tư Khu du lịch Melia Đà Nẵng, tiền thuê đất của dự án tăng từ 7 tỷ đồng/năm lên đến 27 tỷ đồng/năm trong chu kỳ mới khiến các doanh nghiệp ven biển gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp doanh thu không đủ để trả tiền thuê đất.
“Nếu thành phố không sửa giá đất cho thuê, sẽ có nhiều doanh nghiệp đóng cửa, phá sản và hệ lụy xã hội là rất lớn”, ông Nguyễn Mạnh Trung, đại diện chủ đầu tư dự án chia sẻ.
Liên quan đến kiến nghị của các doanh nghiệp, chiều 11/10, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Quốc Hùng đã giải đáp và cho biết, hiện nay, Đà Nẵng đã rất nỗ lực, cố gắng để xử lý về giá đất. Cụ thể như tỷ lệ tiền thuê đất trong khung 1 - 3% thì chính quyền thành phố đã báo cáo HĐND giảm từ 3% xuống 1%.
“Tỷ lệ giữa đất thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh so với đất ở theo khung tối đa 90%, Đà Nẵng đã đưa xuống 50 - 70%”, ông Hùng thông tin.
Theo ông Hùng, Đà Nẵng đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhưng Bộ cho rằng, giá thuê đất phải tính theo mục đích sử dụng đất hợp pháp của các doanh nghiệp ven biển.
Còn theo lý giải của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, bảng giá đất được HĐND thành phố thông qua cho giai đoạn 2020 - 2024 là xây dựng năm 2019. Khi đó, Đà Nẵng đang đà phát triển mạnh trước khi xuất hiện dịch COVID-19. Hiện thành phố đã giao các sở ngành thuê tư vấn rà soát bảng giá đất để điều chỉnh cho phù hợp.
“Với các dự án ven biển có mật độ sử dụng, mật độ xây dựng thấp dưới 20% nhưng đất cây xanh, giao thông vẫn tính là đất thương mại dịch vụ, UBND thành phố đã kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố báo cáo để Quốc hội xem xét trong quá trình sửa đổi Luật đất đai”, vị này thông tin.
Trước đó, năm 2020, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng đã kiến nghị thành phố xem xét lại Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Đà Nẵng áp dụng trong 5 năm (2020 - 2024) được ban hành theo Quyết định 09/2020/QĐ-UBND, sau đó được sửa đổi tại Quyết định 07/2021/QĐ-UBND và Quyết định 12/2022/QĐ-UBND.
Theo đó, giá đất ở cao nhất tại Đà Nẵng là 98,8 triệu đồng/m2; giá đất thương mại, dịch vụ cao nhất là hơn 79 triệu đồng/m2; giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp cao nhất là hơn 59,2 triệu đồng/m2. Các tuyến đường có giá đất cao nhất có thể kể đến như: 2 Tháng 9, Bạch Đằng, Bình Minh 6, Bình Minh 5, Bình Minh 4, Bình Minh 5, Đỗ Bá, Hoàng Diệu, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Kế Viêm, Hoàng Văn Thụ, Hồ Nghinh, Hàm Nghi, Hùng Vương, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt,…