|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đã đến thời điểm chín muồi để doanh nghiệp bán lẻ chuyển đổi số

14:09 | 20/12/2019
Chia sẻ
Tuy nhiên, chuyển đổi số trong ngành bán lẻ tồn tại nhiều thách thức như phải liên tục điều chỉnh chiến lược thích hợp trong tình hình mới, đảm bảo việc phát triển và vận hành hệ thống phù hợp với qui mô, nhân sự của doanh nghiệp.

Tại Hội thảo Dữ liệu và công nghệ trong Tương lai của bán lẻ ngày 19/12 tại TP HCM, ông Lê Việt Thắng, Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty 1Office (nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp), nhận định đây là thời điểm chín muồi cho doanh nghiệp chuyển đổi số.

"Nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp cũng chính là một cơ hội để các startup trong và ngoài nước phát triển các nền tảng số giúp tối ưu quá trình vận hành", ông Thắng nói.

Nhiều công cụ để giải quyết vấn đề quản lí doanh nghiệp đã xuất hiện trên thị trường, song việc giải quyết đơn lẻ từng bài toán với nhiều công cụ khác nhau sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người quản lí. 

Doanh nghiệp dùng quá nhiều phần mềm, khiến dữ liệu không được đồng bộ, chi phí tăng cao và khi mỗi phòng ban dùng một phần mềm khiến truyền thông nội bộ cũng trở nên hạn chế. Do đó, chuyển đổi số là giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề.

"Khi phát triển hệ thống quản lí cho các công ty, các công ty gặp vấn đề liên quan đến nhân sự, kinh doanh, tài chính, văn hóa, các nền tảng của 1Office sẽ giải quyết 70-80% vấn đề của doanh nghiệp thông qua việc cung cấp bộ công cụ đơn giản nhất cho nhân viên làm việc, bộ công cụ cho công tác marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng hay bộ công cụ quản lí nhân sự... ", ông Thắng chia sẻ.

D60

Toàn cảnh Hội thảo Dữ liệu và công nghệ trong Tương lai của bán lẻ diễn ra ngày 19/12 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Đồng quan điểm, ông Bùi Hải Hà, Phó Giám đốc Hệ thống Thông tin tại FPT Retail, cho rằng từ năm 2019, mục tiêu chuyển đổi số đã là chiến lược chung của FPT Retail. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số đa phần gặp thất bại do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo ông Hà, với một doanh nghiệp bán lẻ vận hành một lúc nhiều chuỗi, với các mặt hàng đa dạng, dẫn đến khách hàng đa dạng, thách thức của FPT Retail trong chuyển đổi số là phải liên tục điều chỉnh chiến lược thích hợp trong tình hình mới.

Phần phức tạp nhất là đảm bảo việc phát triển và vận hành hệ thống. Thách thức đến từ nhân sự bên trong công ty, khi chuyển đổi số diễn ra nhanh với qui mô lớn, FPT Retail không thể lập tức thay đổi theo số lượng nhân sự bộ phận IT.

"Bên cạnh đó, các khách hàng khác nhau có trải nghiệm khác nhau. Nhân viên, quản lí của doanh nghiệp cũng có những trải nghiệm đa dạng với sự đa dạng của sản phẩm kinh doanh. Tuy nhiên, FPT Retail muốn ưu tiên cho trải nghiệm khách hàng", ông nói.

Do đó, tại FPT Retail, tất cả các nhân viên đều sử dụng một ứng dụng chung. Trong đó, nhân viên marketing có thể kiểm tra những chương trình khuyến mãi của công ty hay nhân viên kinh doanh có thể kiểm tra doanh số trong ngày ở bất cứ thời điểm nào.

Cũng theo ông Hà, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng bán lẻ đứng đầu. FPT Retail là một trong những nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam và định vị việc đa dạng hóa chuỗi. Vấn đề làm sao để vượt qua khỏi ranh giới.

"FPT Retail đang có hệ thống chuỗi bán lẻ điện thoại, chuỗi dược phẩm và gần đây nhất là việc thử nghiệm mở cửa hàng mỹ phẩm", Phó Giám đốc Hệ thống Thông tin tại FPT Retail chia sẻ.

Cùng chung mối quan tâm về câu chuyển bán lẻ, ông Thông Đỗ, nhà sáng lập, Chủ tịch của Palexy, nhận định rằng bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử đang cạnh tranh nhau bằng sự thấu hiểu khách hàng, việc mà từ trước đến nay, do cấu trúc, doanh nghiệp thương mại điện tử đang làm tốt hơn.

"Amazon và Walmart hay thương mại truyền thống và thương mại điện tử không phải là những từ khóa đối lập nhau. Bản chất của vấn đề là thương mại online đang hiểu khách hàng tốt hơn", ông Thông Đỗ mở đầu câu chuyện.

Cụ thể, với mô hình truyền thống, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm và gửi tới đại lí với hi vọng khách hàng sẽ lựa chọn sản phẩm của họ. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử ngày nay có khả năng ghi nhớ hành trình mua hàng của khách, sự quan tâm, thời gian khách xem sản phẩm. Doanh nghiệp online có thể biết được thị hiếu khách hàng trước khi sản xuất.

"35% tổng doanh thu Amazon đến từ việc bán sản phẩm cho khách hàng trước khi họ biết họ muốn gì từ việc gợi ý sản phẩm cho khách hàng", chủ tịch Palexy cho hay. 

6b2df4db9e3967673e28

Với mô hình truyền thống, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm và gửi tới đại lí với hi vọng khách hàng sẽ lựa chọn sản phẩm của mình. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Thông Đỗ cho rằng tận dụng dữ liệu người dùng như thế nào là vấn đề của doanh nghiệp. Đồng thời giải quyết điểm yếu của các chuỗi bán lẻ truyền thống khi chỉ có thể tiếp cận thông tin khách hàng ở chặng cuối là đã mua hàng và thiếu cấu trúc.

Với Palexy, đơn vị sẽ cung cấp những giải pháp đo lường, phân tích dữ liệu khách hàng để đi sâu vào hành trình mua hàng của khách.

Những thông tin về độ tuổi, giới tính, thời gian dừng chân tại mỗi kệ sản phẩm, mức độ tương tác của khách hàng và nhân viên bán hàngPalexy ghi nhận qua phân tích hình ảnh. Thông tin được xử lí để đưa ra tỉ lệ chuyển đổi, tức là số lượng người mua hàng trên tổng số lượng khách vào cửa hàng…

Từ những thông tin này, Palexy sẽ đưa ra những khuyến nghị về cách sắp đặt sản phẩm trong cửa hàng, nhận ra mặt hàng nào đang hút khách, đồng thời đo lường hiệu quả của các chiến dịch marketing, thể hiện ở việc thu hút thêm khách hàng đến với cửa hàng. 

"Học cách của thế giới online các cửa hàng truyền thống có thể thu thập dữ liệu có tính cấu trúc hơn. Phải đo đếm, thông tin mới có thể tối ưu hóa, hữu ích cho các quyết định kinh doanh...", ông Thông Đỗ nhấn mạnh.




Như Huỳnh