Cựu CEO Trung Nguyên so sánh VinFast với thương hiệu xe Hàn Quốc, chỉ ra điểm đơn độc của hãng xe Việt
Mới đây hãng xe Việt – VinFast ra mắt bộ đôi xe điện VF e35 và VF e36 tại Mỹ, ông Đỗ Hòa, cựu CEO Trung Nguyên đã có những chia sẻ về sự kiện này. Ông Hòa cho rằng case gần nhất mà VinFast có thể tham khảo là KIA hoặc Hyundai (hai hãng xe của Hàn Quốc).
Vị cựu CEO cho rằng cũng đã phải bỏ rất nhiều công sức, trí tuệ, tiền bạc và thời gian để có của thể thuyết phục khách hàng thế giới rằng Hàn Quốc cũng có thể làm ra được những chiếc xe sang trọng chứ không phải là một nhà gia công.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, KIA được hỗ trợ của những mảng công nghiệp mạnh khác của Hàn Quốc như công nghiệp nặng (cơ khí chế tạo, đóng tàu,… ), công nghiệp điện tử và công nghiệp hàng tiêu dùng.
Trong khi đó, "VinFast thì đơn độc. Vingroup phải tự đứng trên đôi chân của mình nên sẽ vất vả hơn, khó khăn hơn và mất nhiều công sức thời gian hơn", ông Hòa viết. "Sứ mệnh này quả là thách thức lớn đối với Vingroup."
Bức tranh công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam
Theo số liệu của Bộ Công Thương, với dòng xe cá nhân, Việt Nam hiện có 9 nhà sản xuất gốc (OEM) tham gia thị trường gồm: Toyota, Honda, Suzuki, Mitsubishi, Ford, Mecerdes Benz, Thaco (Trường Hải), TC Motor và VinFast.
Các nhà sản xuất OEM thực hiện lắp ráp dạng CKD, trên dây chuyền sản xuất gồm 4 công đoạn chính là: hàn, sơn, lắp ráp và kiểm định. Một số hãng có thêm công đoạn dập thân vỏ xe như Toyota, VinFast, Thaco...
Tuy nhiên, trong chuỗi cung ứng, chỉ có 18 nhà cung cấp phụ tùng ô tô cấp 1 và 58 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Một số nhà cung cấp sản xuất cả phụ tùng xe máy lẫn ô tô. So với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít.
Do đó, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi tại Việt Nam còn thấp. Theo Bộ Công Thương, mục tiêu đề ra vào năm 2020, tỷ lệ này là 30 – 40% và 50 – 55% vào năm 2030. Tuy nhiên đến nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ đạt tỷ lệ nội địa hóa trung bình 7 – 10%.
Trong đó, Thaco đạt 15 -18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova (theo thông tin từ phía doanh nghiệp), thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra cũng như thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Mặt khác, phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe…
Việt Nam phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận, linh kiện quan trọng, thuộc hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái, yêu cầu công nghệ chế tạo ở mức cao.
Để phục vụ lắp ráp ô tô trong nước, trong giai đoạn 2010 – 2016, Việt Nam đã nhập khẩu các loại phụ tùng, linh kiện khác nhau, với tổng giá trị nhâp khẩu bình quân mỗi năm khoảng 2 tỷ USD, chủ yếu từ Nhật Bản (23%), Trung Quốc (23%), Hàn Quốc (16%) và Thái Lan (16%).
Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp.
Với những con số trên có thể thấy thế khó của VinFast là phải đang sản xuất ô tô tại một trong những thị trường có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển thấp. Do đó, ít được hỗ trợ như những hãng xe khác và để sản xuất được ô tô trong bối cảnh đó, hãng xe Việt không còn cách nào khác là phải "tự đứng trên đôi chân của mình" như những gì vị cựu CEO Trung Nguyên ví von.
Tự đứng trên đôi chân
Vào thời điểm mới thành lập hồi cuối 2017 đầu năm 2018, một bài đăng trên cổng thông tin Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cho hay, chiến lược của VinFast là hợp tác với BMW, Bosch, Siemens, Magna Steyr, AVL… để làm ô tô.
Hãng sẽ dùng cách đặt hàng tất cả các chi tiết từ những nhà sản xuất khác nhau trên thế giới, sau đó tổng hợp lại thành xe hoàn chỉnh. Cách làm này tiết kiệm thời gian, chi phí nghiên cứu và đặc biệt phù hợp với các công ty không có nền tảng công nghệ ô tô, cơ khí.
Về thiết kế, công ty Việt Nam cũng bắt tay với Pininfarina (Italia) để cho ra những mẫu xe hợp thị hiếu thị trường. Việc mua lại bản quyền một số chi tiết để phát triển xe mới là điều không hiếm gặp trong ngành ô tô.
Đơn cử như các công nghệ dây đai ba điểm, ABS,… trước đây cũng từng được phát triển riêng lẻ sau đó các hãng sử dụng lại hoặc nghiên cứu mở rộng. Điều này càng đúng với VinFast, sản xuất xe trong bối cảnh nền công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn thiếu và yếu.
Riêng đối với mảng xe điện, ngay từ đầu năm nay, công ty đã liên tục đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị phát triển pin điện như Gotion High-Tech (Trung Quốc), PLG (Đài Loan), StoreDot (Israel),… tất cả đều vì mục đích làm chủ công nghệ để phát triển.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup cho hay điều VinFast mong mỏi là sử dụng công nghệ của thế giới, kết hợp với chất xám của người Việt để làm ra những công nghệ tốt hơn, có giá thành rẻ hơn từ đó tháo bỏ được những rào cản.
Ngoài ra, để đủ sức phục vụ các thị trường mới, VinFast cũng đang tính toán mở nhà máy sản xuất ô tô tại châu Âu và châu Mỹ - những nơi ghi nhận ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, đã đạt tới đỉnh cao trong nhiều thập niên.