Động lực nào giúp VinFast về đích với 200.000 xe trong năm nay, khi doanh số bán cho Xanh SM đã giảm còn hơn 30%?
Xanh SM từng là khách hàng lớn của VinFast. Tuy nhiên, gần đây, vai trò của hãng taxi điện này đối với VinFast đã thay đổi. Tỷ trọng doanh số của VinFast đến từ Xanh SM đang giảm dần. Nhờ mở rộng tệp khách hàng, lượng xe giao cho các bên liên quan (chủ yếu là Xanh SM), đã giảm từ 72% năm 2023 xuống còn 38% trong 9 tháng đầu năm 2024, theo báo cáo tài chính của VinFast.
Vì vậy, Xanh SM “khó có thể tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của VinFast”, theo bà Phan Thanh Huyền, chuyên gia phân tích tại công ty Chứng khoán VNDirect, chia sẻ với The Business Times.
Xe ô tô điện VinFast trưng bày tại nhà máy VinFast ở Hải Phòng. (Ảnh: Đức Huy).
Xanh SM thuộc GSM do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập vào tháng 3/2023. Hai năm qua, Xanh SM đã mở rộng quy mô nhanh chóng, hiện dẫn đầu thị phần gọi xe tại Việt Nam và đang mở rộng sang các nước Đông Nam Á.
Xanh SM hiện có gần 100.000 phương tiện, đội xe bao gồm: ô tô điện, xe máy điện và các phương tiện khác do đối tác vận hành. Công ty cũng là nhà phân phối lớn của VinFast cho các hãng taxi trong nước, hợp tác với hơn 73 doanh nghiệp vận tải và taxi truyền thống.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của GSM trong ngành xe điện Việt Nam có thể giảm dần. Theo ông Koketso Tsoai, chuyên gia phân tích ô tô tại BMI, các hãng taxi trong nước sẽ hoàn tất quá trình chuyển đổi sang xe điện trong thời gian tới. Nếu GSM không mở rộng đội xe hoặc tìm kiếm hướng đi mới, vai trò của công ty trong doanh số của VinFast có thể bị thu hẹp.
GSM dường như đã có kế hoạch cho điều này.
Chỉ sau chưa đầy hai năm, công ty đã mở rộng sang hai thị trường mới. GSM vào Lào vào tháng 11/2023 và Indonesia vào tháng 12/2024. Trong năm nay, công ty dự định đưa thêm ít nhất 10.000 taxi Xanh SM vào Indonesia và tiếp tục mở rộng sang Philippines cũng như các khu vực khác ở châu Á.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng đây không phải giải pháp duy nhất. “Không đơn giản chỉ là tăng số lượng phương tiện. Điều đó có thể làm được nhưng khó mang lại hiệu quả lâu dài”, ông Tsoai nhận định.
Theo ông, thành công của GSM trên thị trường quốc tế phụ thuộc vào khả năng thích nghi với môi trường mới. Công ty cần tạo được vị thế vững chắc tại các quốc gia mở rộng. “Nếu GSM chọn cách giảm giá và đưa nhiều xe vào hệ thống gọi xe, doanh số có thể tăng nhưng lợi nhuận sẽ giảm”.
Trong phản hồi gửi The Business Times, CEO GSM, ông Nguyễn Văn Thanh, thừa nhận những thách thức khi mở rộng. Tại Lào, hạ tầng giao thông còn hạn chế và nhận thức về xe điện chưa cao. Ở Indonesia, công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh từ các nền tảng trong nước.
“Mỗi thị trường có đặc điểm riêng. Thành công của Xanh SM sẽ phụ thuộc vào khả năng thích nghi với điều kiện địa phương”, ông nói.
VinFast đặt mục tiêu đầy tham vọng trong năm nay: tăng gấp đôi số lượng xe giao so với năm 2024. Năm ngoái, VinFast đã bán hơn 97.000 xe điện, tăng 192% so với năm 2023.
Theo bà Huyền tại VNDirect, doanh số bán lẻ của các mẫu xe VinFast tại Việt Nam là yếu tố quan trọng giúp công ty tăng trưởng. Riêng tháng 1 năm nay, VinFast đã giao hơn 10.000 xe điện trong nước. Trong đó, hai mẫu xe giá rẻ VF 3 và VF 5 chiếm hơn 7.300 xe.

GSM cũng góp phần thúc đẩy doanh số trong những năm qua. CEO Nguyễn Văn Thanh cho biết công ty đã hỗ trợ hơn 10.000 tài xế cá nhân sở hữu xe điện VinFast. Ngoài hai mẫu xe phổ biến trong đội taxi Xanh SM là VFe34 và VF 5 Plus, VinFast và Xanh SM còn hợp tác phát triển các mẫu xe điện phù hợp hơn cho dịch vụ vận tải hành khách.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với VinFast để nâng cao hiệu suất và đáp ứng nhu cầu vận hành của ngành taxi điện”, ông Thanh nói.
Các chuyên gia cho rằng dù GSM giúp VinFast tăng doanh thu và nâng cao nhận diện thương hiệu, tốc độ mở rộng nhanh cũng khiến công ty tiêu tốn nhiều tiền.
Chỉ trong chưa đầy hai năm, GSM đã tăng vốn điều lệ gấp 6 lần. Đợt tăng vốn gần nhất vào tháng 12/2024 lên tới 5.300 tỷ đồng. GSM, do ông Phạm Nhật Vượng sở hữu 95%, đã nâng vốn từ 118 triệu USD ban đầu lên khoảng 706 triệu USD vào năm 2024.
Điều này cho thấy mô hình hoạt động của GSM cần đầu tư nhiều. Công ty phải đầu tư nhiều vào xe và tài xế để mở rộng mạng lưới. Đồng thời, GSM cũng cần đưa ra các chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng và chiếm thị phần.
Theo ông Koketso Tsoai từ BMI, hoạt động của GSM phụ thuộc lớn vào sự hỗ trợ từ cổ đông và các quyết định chiến lược. Ông cho rằng nếu GSM xây dựng được vị thế vững chắc và lòng trung thành thương hiệu, những lợi ích mang lại cho VinFast có thể đáng giá so với áp lực tài chính hiện tại.
Tuy nhiên, theo bà Huyền từ VNDirect, tình hình tài chính của GSM không ảnh hưởng nhiều đến VinFast. Hãng xe này đã mở rộng tệp khách hàng, và hoạt động của GSM cũng không tác động trực tiếp đến lợi nhuận của Vingroup vì đây là công ty do ông Vượng sở hữu riêng.
Năm 2023, GSM đã chi 839 triệu USD để mua xe điện và xe máy điện. Công ty cũng ký hợp đồng trị giá 419 triệu USD để mua thêm xe từ VinFast, theo báo cáo tài chính của hãng xe này.