|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Đủ mối lo cho người Việt

06:57 | 10/07/2018
Chia sẻ
Hàng hóa Trung Quốc giá rẻ được dự báo sẽ tràn sang Việt Nam. Nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng bị vạ lây.
cuoc chien thuong mai my trung du moi lo cho nguoi viet Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Hàng hóa của Trung Quốc có thể tràn về Việt Nam
cuoc chien thuong mai my trung du moi lo cho nguoi viet Căng thẳng thương mại: Cẩn trọng hàng Trung Quốc 'đội lốt' Việt Nam xuất qua Mỹ
cuoc chien thuong mai my trung du moi lo cho nguoi viet

“Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam (VN). Khi bị Mỹ áp thuế cao, hàng hóa Trung Quốc (TQ) giá rẻ sẽ tràn sang các nước đang phát triển, trong đó có VN. Nhiều ngành hàng xuất khẩu của VN cũng bị vạ lây”. Đó là lo ngại của nhiều doanh nhân, chuyên gia kinh tế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 9-7.

Lo đối phó hàng ngoại giá rẻ

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, dự báo khi thị trường Mỹ gặp khó khăn, TQ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang VN với số lượng lớn. Đáng lo là các sản phẩm thép TQ giá rẻ hơn thép VN sẽ tràn ngập thị trường do họ có nguồn nguyên liệu, trong khi ngành thép Việt còn phải nhập nguyên liệu thép của nước này.

“Thép TQ sẽ lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất của VN để tràn vào. Trong trường hợp không xuất khẩu được, lượng thép này sẽ được đưa ra tiêu thụ tại VN, ảnh hưởng rất lớn đến ngành thép trong nước” - ông Thái lo lắng.

Tương tự, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn VN, cho rằng khi xuất khẩu sang Mỹ gặp khó, rau quả TQ sẽ tìm cách xuất khẩu sang các nước láng giềng và chủ yếu là VN. Với nguồn cung lớn, giá rẻ, mẫu mã bắt mắt, rau quả TQ sẽ tiếp tục gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với nông sản VN. Thậm chí trái cây từ Mỹ cũng sẽ tràn vào VN nhiều hơn sau khi bị thị trường TQ đánh thuế cao.

“Khi nguồn cung rau củ quả dư thừa, TQ có thể giảm nhập khẩu mặt hàng này từ VN. Vì thế, nếu không nắm bắt thông tin thị trường, sản xuất không có chuỗi liên kết tiêu thụ thì nguy cơ nhiều loại rau quả VN gặp khó đầu ra là rất lớn” - TS Mai lo lắng.

Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày và đồ gỗ trong nước cũng đang “lo sốt vó” nếu hàng TQ tràn vào do thị trường chính là Mỹ đánh thuế quá cao. Các mặt hàng của TQ có ưu thế giá rẻ, đa dạng mặt hàng nên các sản phẩm quần áo, giày dép hay đồ gỗ nội thất VN khó cạnh tranh lại.

Mặt hàng ngoại nhập “nhanh chân” tràn vào VN do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là thịt. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho biết thịt Mỹ nhập khẩu vào VN tăng gần 50% trong nửa đầu năm 2018. Một trong những nguyên nhân là TQ ra quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với mặt hàng thịt heo nhập từ Mỹ khiến thịt heo Mỹ “chảy” sang nhiều nước khác, trong đó VN là điểm đến lý tưởng.

“Không chỉ thịt heo, nhiều sản phẩm ngành chăn nuôi như thịt gà, trứng… trong nước cũng sẽ bị chèn ép rất lớn trên sân nhà trước sản phẩm ngoại nhập giá rẻ” - ông Ngọc nói.

cuoc chien thuong mai my trung du moi lo cho nguoi viet
Lo ngại hàng rau quả giá rẻ, chất lượng kém của TQ sẽ tràn vào VN ngày càng nhiều. Ảnh: Q.HUY

“Chết oan” vì hàng TQ mượn xuất xứ

Một nguy cơ rất đáng lo nữa là VN có thể trở thành bãi đáp, nơi trung chuyển của hàng TQ mượn xuất xứ để xuất sang Mỹ nhằm né mức thuế cao.

Đại diện Hiệp hội Thép VN cho biết không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước nhờ giá rẻ (như phân tích ở trên), thép TQ còn có thể khiến ngành thép VN vạ lây. Bởi sau khi tạm nhập vào VN, thép TQ sẽ tìm cách lấy xuất xứ “made in VN” để xuất khẩu sang Mỹ nhằm né mức thuế cao.

“Nếu phía Mỹ điều tra, phát hiện có tình trạng thép TQ tạm nhập sang VN rồi đội lốt xuất xứ thì ngành thép VN sẽ bị mang tiếng gian lận thương mại. Khi đó không chỉ bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá mà nguy cơ sản phẩm thép VN bị tạm ngưng xuất khẩu sang thị trường này rất cao” - đại diện Hiệp hội Thép VN lo ngại.

Theo chuyên gia tài chính kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, khi bị thị trường tiêu thụ lớn nhất đánh thuế cao, quần áo, giày dép TQ sẽ tìm cách đối phó bằng cách tạm nhập sang một nước khác rồi xuất sang Mỹ. Và VN là lựa chọn hàng đầu cho phương án này bởi là láng giềng, có thể nhập lậu hàng hóa dễ dàng, chi phí vận chuyển thấp…

“Nếu các doanh nghiệp trong nước tiếp tay cho hàng dệt may TQ nhập vào rồi gắn nhãn mác VN để xuất sang Mỹ thì nguy cơ càng rất lớn. Khi đó Mỹ hoàn toàn có thể ra lệnh trừng phạt đối với ngành dệt may của VN” - ông Hiếu chia sẻ.

Cần “hàng rào” đủ mạnh

Trước những nguy cơ nêu trên, TS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight, cho rằng VN cần có ngay biện pháp ứng phó với chính sách tạm nhập tái xuất, tạo cơ hội cho hàng TQ núp bóng hàng Việt xuất sang Mỹ. Cụ thể, VN cần có chính sách riêng cho từng mặt hàng, lĩnh vực có nguy cơ cao bị đội lốt xuất xứ để kịp thời quản lý, kiểm tra, ngăn chặn.

“Đáng lo nhất là hàng chất lượng thấp của TQ sẽ được dịp quảng cáo, mạo danh hàng xuất khẩu đi Mỹ để tràn vào thị trường VN. TQ hiện đã có hàng rào kỹ thuật, đặt ra nhiều tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng hóa nhập từ VN. Vì vậy, VN cũng cần có hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chất lượng hàng TQ dạng tồn kho, kém chất lượng được đẩy sang VN tiêu thụ” - TS Tín chia sẻ.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho hay khi đồng nhân dân tệ giảm giá với tiền đồng VN (VND), hàng TQ nhập vào VN giá sẽ càng rẻ hơn. Chiều ngược lại, hàng VN bán sang TQ đắt đỏ hơn, khi đó hàng Việt giảm sức cạnh tranh với chính hàng nội địa TQ.

“Cần tăng cường hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chất lượng hàng TQ dạng tồn kho, kém chất lượng nhập vào VN. Tăng chất lượng hàng Việt để tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu và tại sân nhà. Có ngay giải pháp đối phó với vấn nạn hàng TQ đội lốt xuất xứ để thâm nhập thị trường Mỹ nhằm né thuế. Đó là ba vấn đề chúng ta cần làm ngay” - ông Hiếu kiến nghị.

Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình sáu tháng đầu năm của Bộ Công Thương ngày 9-7, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đã báo cáo Thủ tướng về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và yêu cầu các đơn vị của Bộ khẩn trương đề xuất giải pháp ứng phó. Theo Bộ trưởng, hoàn toàn có nguy cơ hàng TQ tràn vào nước ta. VN đã có chính sách tự vệ với thép, tuy nhiên còn rất nhiều mặt hàng có nguy cơ bị hàng TQ đe dọa như dệt may, da giày, đồ gỗ… Do đó, cần đặt ra vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này, cần xem lại các quy định pháp luật, quản lý ngoại thương, cam kết thương mại để có biện pháp tự vệ trước hàng TQ.

Xem thêm

Quang Huy