|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cần một 'thỏa thuận ngừng bắn'

06:43 | 05/12/2019
Chia sẻ
Kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu vào hai năm trước, nền kinh tế của quốc gia lớn nhất châu Á đã bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ và toàn cầu cũng không tránh khỏi những hệ lụy.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cần một 'thỏa thuận ngừng bắn' - Ảnh 1.

Xếp dỡ hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài viết đăng trên trang Sydney Morning Herald của Australia, nhà báo kinh tế Stephen Bartholomeusz nhận định mặc dù Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần hơn đến một "thỏa thuận ngừng bắn" trong cuộc chiến thương mại giữa hai bên, nhưng hoạt động sản xuất của Trung Quốc dường như đã chạm đáy sau hơn sáu tháng bị thu hẹp.

Kinh tế Trung Quốc đình trệ

Các số liệu thống kê của Trung Quốc thường được xử lý một cách cẩn trọng. Cuối tuần trước, chỉ số quản lý mua hàng sản xuất chính thức đã được công bố, cho thấy một kết quả không mấy khả quan.

Để đối phó với tình trạng kinh tế đình trệ, Bắc Kinh đã hạ lãi suất cơ bản và bơm hàng tỷ đô la vào hệ thống ngân hàng, cũng như tài trợ cho các cơ sở hạ tầng với mục đích cố gắng kích hoạt nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc giảm 5% giá trị của đồng Nhân dân tệ (NDT) kể từ tháng 4/2019 cũng được coi là biện pháp mà Bắc Kinh cố gắng vực lại hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, bất kể mức độ hoạt động sản xuất của Trung Quốc có tiếp tục duy trì và liệu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có giảm xuống dưới mức hiện tại khoảng 6% - mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ - hay không, thì tăng trưởng kinh tế nước này cũng sẽ phụ thuộc vào tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ.

Một ngày quan trọng đang dần xuất hiện. Một khoản thuế quan khác, trị giá 160 tỷ USD đánh vào hàng tiêu dùng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ dự kiến sẽ được áp dụng trong vòng chưa đầy hai tuần tới. Với mức thuế quan hiện tại 360 tỷ USD, nếu kế hoạch đánh thuế ngày 15/12 trở thành hiện thực, tất cả hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đều sẽ bị áp vào các nghĩa vụ "trừng phạt".

Việc từ bỏ hay trì hoãn đợt áp thuế cuối cùng của Mỹ cung cấp một dấu hiệu chắc chắn về việc các cuộc đàm phán thương mại đang tiến triển như thế nào. Thông tin truyền thông từ cả hai phía, Mỹ và Trung Quốc, đều cho thấy thỏa thuận "Giai đoạn một" rất có khả năng sẽ được chấp thuận, mặc dù có thể phải chờ tới đầu năm 2020 để được phê chuẩn.

Thiệt hại cho cả hai bên

Ngành nông nghiệp Mỹ và một phần trong lĩnh vực sản xuất đã bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, trong khi mảng đầu tư kinh doanh bị cạn kiệt, do thuế quan, các biện pháp trả đũa của Trung Quốc và sự không chắc chắn mà cuộc chiến thương mại đã tạo ra.

Cùng với việc Tổng thống Donald Trump bị phân tâm bởi quá trình luận tội tại Quốc hội và Chính quyền Mỹ nóng lòng loại bỏ cuộc chiến thương mại ra khỏi các vấn đề rào cản đối với cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới, cả Mỹ và Trung Quốc đều có lý do mạnh mẽ để tìm kiếm các giải pháp chấm dứt chiến sự.

Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng nước này không hài lòng với lời hứa của Mỹ, rằng sẽ không tiếp tục duy trì vòng thuế quan cuối cùng vào ngày 15/12 tới. Trung Quốc muốn Mỹ rút lại toàn bộ các biện pháp thuế quan hiện có, trong khi Mỹ lại muốn duy trì chúng như một cơ chế thực thi để đảm bảo Trung Quốc thực hiện đúng lời hứa của mình.

Các cuộc đàm phán đã tập trung vào việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc cần mua nhiều sản phẩm nông nghiệp của Mỹ hơn nữa, tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường tài chính cho các công ty và nhà đầu tư của Mỹ, cũng như cung cấp một sự đảm bảo chính thức rằng Trung Quốc không thao túng tiền tệ để giúp xuất khẩu có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc phải mua các sản phẩm nông nghiệp, như đậu nành và gia cầm từ một quốc gia nào đó. Nước này cũng phải dần mở cửa thị trường cho người nước ngoài và chỉ can thiệp thị trường để hỗ trợ đồng NDT.

Tuy nhiên, đó không phải là những nhượng bộ lớn đối với Trung Quốc. Những vấn đề khó khăn hơn đối với nước này, mà Mỹ đã theo đuổi vào giai đoạn ban đầu, như việc Trung Quốc trợ giá và định hướng trung tâm của các doanh nghiệp nhà nước, dường như đã bị đặt sang một bên và không chắc là sẽ được đề cập trở lại.

Mỹ đã đánh giá sai khả năng của Trung Quốc trong việc hấp thụ tác động của thuế quan. Ông Trump cho rằng dễ dàng để chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại, không có rủi ro nào đối với Mỹ và nước này sẽ thu được một khoản lợi nhuận lớn từ thuế quan.

Tuy nhiên, thay vào đó, thuế quan gây tổn hại cho Trung Quốc, song đồng thời cũng tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Các chuỗi cung ứng bị phá vỡ, chi phí đầu vào cao hơn, tỷ suất lợi nhuận biên nhỏ và giá hàng hóa cuối cùng dành cho người tiêu dùng ở mức cao.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (một trong 12 ngân hàng khu vực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) đã xuất bản một trang "blog" kinh tế có tên gọi là "Kinh tế Đường phố Tự do", với nội dung đề cập tới câu hỏi "Ai là người trả thuế cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc?". 

Blog này phân tích giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (không bao gồm chi phí thuế quan) chỉ giảm 2% từ tháng 6/2018, ngay trước khi đợt thuế quan ban đầu được áp dụng vào tháng Chín năm nay.

Với bối cảnh thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc đã tăng phi mã, chỉ có một số rất ít doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận để bù đắp cho phần thuế tăng thêm, trong khi hầu hết các nhà xuất khẩu Trung Quốc chấp nhận giảm khả năng cạnh tranh để đẩy giá hàng hóa đánh vào người tiêu dùng. Một số nhà kinh doanh Trung Quốc thậm chí ngừng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và một số khác duy trì giá để cố gắng duy trì thị phần bán hàng của mình.

Chỉ có một vài mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã được thay thế bởi hàng hóa của một số nền kinh tế khác không phải là chủ thể chịu áp thuế, như Mexico, Malaysia, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và châu Âu. Trong khi đó, phần lớn duy trì giá cao hoặc rút lui khỏi thị trường.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm giải thích lý do vì sao với tỷ lệ doanh thu hàng năm mà trang blog tính được là khoảng 40 tỷ USD, việc tăng thuế quan lại mang về chỉ 1/3 số lợi nhuận mà Mỹ đáng lẽ đã có thể đạt được nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì sản lượng xuất khẩu như trước kia.

Và do đó, blog này kết luận các công ty và người tiêu dùng Mỹ đang phải chịu khoản thuế 40 tỷ USD, chứ không phải là Trung Quốc, như ông Trump thường tuyên bố.

Diệu Linh