|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trump đổ dầu vào lửa thương chiến

21:41 | 04/12/2019
Chia sẻ
Hai tháng trước, Trump ám chỉ Mỹ - Trung sắp đạt thỏa thuận, nhưng tuần này, ông nói rằng động thái có thể bị trì hoãn đến cuối năm sau.

"Tôi thích ý tưởng chờ đợi cho đến sau cuộc bầu cử rồi mới đạt thỏa thuận với Trung Quốc", Trump nói với các phóng viên tại London khi xuất hiện cùng với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. 

"Nhưng họ muốn đạt thỏa thuận ngay bây giờ và chúng tôi sẽ xem liệu thỏa thuận có ổn hay không".

Trump đổ dầu vào lửa thương chiến - Ảnh 1.

Tổng thống Trump tại Maryland hồi tháng một. Ảnh: AFP.

Đây là một sự thay đổi giọng điệu của Trump, người trước đó đã nói bóng gió rằng chiến tranh thương mại có thể sắp kết thúc. 

Trump còn tuyên bố có thể áp thuế nhập khẩu mới đối với hàng hóa từ Đức và bất kỳ đồng minh NATO nào không trả đủ tiền cho tổ chức, nhưng đó là mô tả không chính xác về cách liên minh quân sự được duy trì. 

Các quốc gia thành viên được yêu cầu duy trì chi tiêu quân sự mạnh mẽ chứ không phải trả phí cho tổ chức.

Chính quyền Trump đang xem xét mức thuế cao tới 100% đối với các mặt hàng Pháp bao gồm rượu vang, pho mát và túi xách, để đáp trả việc Paris áp thuế với với các hoạt động kinh tế trực tuyến, ảnh hưởng đến các công ty Mỹ lớn như Amazon và Facebook. Washington cũng đe dọa có hành động tương tự với Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Áo.

Những lời đe dọa làm dấy lên đồn đoán chính quyền Trump có thể từ bỏ các cuộc đàm phán về thuế diễn ra thông qua Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ, bên dẫn đầu các cuộc đàm phán này, nhiều khả năng vẫn duy trì nỗ lực.

Việc Trump thích sử dụng tính khó đoán như một chiến thuật đàm phán đã khiến các đối tác thương mại bực bội và làm thị trường tài chính chao đảo. Ngày 3/12, chứng khoán giảm ở châu Âu và Mỹ, chỉ số S&P 500 giảm khoảng 0,7% vào ngày 3/12.

Trong khi một số nhà phân tích lập luận rằng những lời dọa dẫm của Trump là chiến thuật đàm phán mà thị trường nên phớt lờ, những người khác thì nói rằng các nhà đầu tư trước đó đã quá lạc quan về triển vọng giải quyết chiến tranh thương mại. 

Các lãnh đạo châu Âu cảnh báo họ sẽ trả đũa nếu Trump đánh thuế đối với hàng hóa Pháp, đổ lỗi cho ông là đã làm leo thang cuộc chiến đa quốc gia về việc đánh thuế các công ty công nghệ.

Một số nhà dự báo kinh tế cảnh báo Trump đang làm lung lay "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu bằng những phát ngôn của mình. 

Bernard Baumohl, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Economic Outlook Group, viết trong một nghiên cứu rằng Trump "dường như không quan tâm đến tình thế mong manh của nền kinh tế". Ông nhận xét những bình luận của Trump về thương mại "khiến mọi người nản lòng".

Các nhóm kinh doanh bày tỏ lo lắng trước bình luận của Trump về Trung Quốc. "Chúng tôi muốn và cần thấy một thỏa thuận càng sớm càng tốt", David French, phó chủ tịch về quan hệ chính phủ cho Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, nói. 

"Thuế tiếp tục làm tổn thương các doanh nghiệp, công nhân, người tiêu dùng Mỹ và là lực cản đáng kể đối với nền kinh tế Mỹ.

Nhưng một số nhà phân tích đánh giá việc trì hoãn đạt thỏa thuận với Trung Quốc có thể mang lại lợi ích chính trị cho Trump. 

"Bất kỳ thỏa thuận nào đạt được bây giờ cũng sẽ bị soi mói trong 12 tháng tới, đặc biệt là vào mùa bầu cử", Henetta Treyz, giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại công ty tư vấn đầu tư Veda Partners, nói. 

"Chiến tranh thương mại giờ mang tính chính trị và Tổng thống Trump đang hưởng lợi từ việc cử tri lưỡng đảng đều có ác cảm với Trung Quốc".

Những quan điểm không nhất quán của Trump được thể hiện rõ ràng vào ngày 3/12. Có khi ông ám chỉ căng thẳng với các đối tác thương mại như Pháp và Trung Quốc có thể dễ dàng giải quyết. 

Nhưng ở những phát biểu khác, ông lại nói rằng ông sẽ ra quyết định cuối cùng chỉ khi nào ông thích và Mỹ có thể tung ra thêm đòn thuế. Trump còn thể hiện rằng ông sẽ không chấp nhận một thỏa thuận "hòa" với Trung Quốc mà chỉ chấp nhận những điều kiện có lợi cho Mỹ.

Các quan chức Mỹ có vẻ ngày càng bi quan về triển vọng sớm đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc. 

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đánh giá việc đợi đến sau bầu cử mới đạt thỏa thuận sẽ giúp Trump có thêm đòn bẩy đàm phán nếu ông tái đắc cử.

"Khi ông ấy tái đắc cử thì sẽ không còn yếu tố nào có thể gây ảnh hưởng đến lập trường đàm phán của chúng tôi", Ross nói.

Ross nói rằng thỏa thuận giai đoạn một mà Trump đã "nhá hàng" vào tháng 10 có lợi cho Mỹ nhưng còn nhiều chi tiết chưa ngã ngũ như Trung Quốc sẽ mua những nông sản nào từ Mỹ và thỏa thuận sẽ được thực thi như thế nào. 

Bộ trưởng cho biết nếu không có đột phá thì kế hoạch Mỹ đánh thuế với 160 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 15/12 sẽ diễn ra.

"Chúng ta không có bước đột phá cho đến khi mọi thứ giấy trắng mực đen rõ ràng", ông nói.

Phương Vũ

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.