Chủ tịch Tập Cận Bình: 'Khi cần thiết, chúng tôi sẽ phản đòn, nhưng Bắc Kinh đang tích cực hợp tác để chấm dứt chiến tranh thương mại'
Chủ tịch Tập Cận Bình muốn hướng tới thỏa thuận trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn muốn thỏa thuận thương mại
"Trung Quốc không bắt đầu cuộc chiến thương mại và đây cũng không phải điều chúng tôi muốn", Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại một cuộc họp với các vị khách quốc tế tại Bắc Kinh hôm 22/11, trong đó có cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.
"Khi cần thiết, chúng tôi sẽ phản đòn, nhưng Bắc Kinh đang tích cực hợp tác để chấm dứt chiến tranh thương mại", ông Tập nhấn mạnh.
Chỉ vài ngày trước, Tổng thống Trump cho hay Trung Quốc "không thực hiện yêu cầu như phía Mỹ mong muốn" trong đàm phán, khi mà có nhiều nghi ngờ về khả năng hai bên soạn thảo xong một thỏa thuận hoàn chỉnh.
Hôm 20/11, nhà đàm phán trưởng của phía Trung Quốc - Phó Thủ tướng Lưu Hạc, chia sẻ ông "lạc quan thận trọng" về việc đạt được thỏa thuận giai đoạn một với Mỹ.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc đưa ra bình luận trên trong một bài phát biểu tại Bắc Kinh hôm 20/11, trước thềm Diễn đàn Kinh tế Mới của Bloomberg. Một số vị khách đã gặp ông Tập Cận Bình hôm 22/11 cũng có mặt tại Bắc Kinh để tham gia diễn đàn này.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã trò chuyện cùng hơn 10 cựu quan chức Mỹ, chẳng hạn như ông Hank Paulson - cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, và ông Gary Cohn - cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng. Chủ tịch Bloomberg LP (công ty mẹ của trang tin Bloomberg), ông Peter Grauer cũng tham dự cuộc gặp.
Kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố về thỏa thuận giai đoạn một một tháng trước, thị trường đã lên xuống liên tục sau loạt bình luận từ cả hai phía, ban đầu cho thấy tiến bộ nhưng sau đó lại bế tắc.
Rào cản mới nhất cho các cuộc đàm phán xuất hiện sau bình luận của ông Lưu Hạc, khi mà Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật ủng hộ phong trào biểu tình ở Hong Kong (với tỉ lệ 417 phiếu thuận - 1 phiếu chống).
Trước đó, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật và một nguồn tin thân cận cho biết ông Trump có kế hoạch kí ban hành dự luật này.
Trung Quốc bảo vệ chủ quyền tài chính
Hôm 22/11, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng làm sáng tỏ thêm về kế hoạch mở cửa thị trường tài chính của Trung Quốc. Ông cho hay các cải cách đang diễn ra sẽ không dừng lại, tuy nhiên Bắc Kinh cần phải cẩn thận và cũng sẽ đảm bảo vấn đề chủ quyền tài chính của phía họ.
"Chúng tôi đang làm việc để hiện thực hóa giấc mơ hồi sinh đất nước Trung Quốc", ông nói. "Đây không phải là giấc mơ về quyền bá chủ trên thế giới, cũng không phải là để thay thế các cường quốc khác. Chúng tôi chỉ cố gắng để khôi phục vị thế và vai trò của đất nước trên thế giới thay vì quay về thời kì nửa thuộc địa, nửa phong kiến trong quá khứ".
Trong năm nay, Trung Quốc đã tăng tốc độ mở cửa thị trường tài chính trị giá 40 nghìn tỉ USD và trong năm tới sẽ tiếp tục cho phép các công ty chứng khoán nước ngoài nắm quyền sở hữu toàn bộ liên doanh mà họ có tại đất nước tỉ dân.
Các quan chức tại Bắc Kinh đang tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài để hỗ trợ tăng trưởng, khi mà một phần tăng trưởng đang bị tổn hại do cuộc cải cách hoạt động cho vay tại các ngân hàng trong nước sau nhiều năm tăng trưởng nóng.
Các giám đốc cấp cao tại nhiều ngân hàng lớn như Goldman Sachs cũng tham gia diễn đàn của Bloomberg. Họ cho hay đang chuẩn bị rót vốn đầu tư lớn và mở rộng ở Trung Quốc để giành lấy một phần trong miếng bánh lợi nhuận hàng năm 9 tỉ USD của thị trường tài chính nước này.