Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc 'lạc quan thận trọng', nhiều chuyên gia lo thỏa thuận thương mại có thể dây dưa sang năm 2020
Khi được hỏi về tình trạng của thỏa thuận thương mại hôm 20/11, Tổng thống Trump cho hay: "Tôi không nghĩ Bắc Kinh sẽ thực hiện yêu cầu mà tôi mong muốn". (Ảnh: Reuters)
Vào đầu tháng 10, Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố thỏa thuận thương mại sơ bộ có thể mất tới 5 tuần chuẩn bị để hai nhà lãnh đạo đặt bút kí.
Hơn 5 tuần sau tuyên bố trên, thỏa thuận còn chưa thành hình và các cuộc đàm phán dường như đang trở nên phức tạp hơn, các chuyên gia thương mại và nguồn tin thân cận chia sẻ với Reuters trong tuần này.
Khi được hỏi về tình trạng của thỏa thuận thương mại hôm 20/11, Tổng thống Trump cho hay: "Tôi không nghĩ Bắc Kinh sẽ thực hiện yêu cầu mà tôi mong muốn".
Ông Trump và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhận thấy gỡ bỏ thuế mà không giải quyết các vấn đề cốt lõi về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ thì thỏa thuận sẽ không được xem là có lợi cho Mỹ.
Bloomberg dẫn nguồn thạo tin có tham gia một sự kiện tối 20/11 cho biết Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng có mặt và nói ông "lạc quan thận trọng" về thỏa thuận giai đoạn một.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc còn nói riêng với một trong những người tham dự rằng ông "bối rối" trước yêu cầu của phía Mỹ, nhưng tin chắc rằng giai đoạn đầu của thỏa thuận có thể hoàn thành được.
Các quan chức Bắc Kinh nhận định Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump có thể kí thỏa thuận vào đầu tháng 12.
Một số chuyên gia cho biết thế giới nên theo dõi ngày 15/12, thời điểm thuế quan đối với 156 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực, áp dụng lên nhiều mặt hàng quà tặng cho lễ Giáng sinh như đồ điện tử và đồ trang trí.
"Nếu đàm phán thực sự diễn ra tốt đẹp, đợt thuế quan trên sẽ tạm hoãn", ông Christian Whiton, thành viên cấp cao về chiến lược và thương mại tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia, đồng thời là cựu cố vấn của chính quyền Tổng thống Trump và cựu Tổng thống George W. Bush, cho hay.
"Nếu đàm phán không suôn sẻ, Mỹ sẽ áp thuế và khiến cuộc chiến thương mại kéo dài sang tận năm sau", ông Whiton nói.
Trong một email công bố chiều hôm 20/11, phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere cho biết: "Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và hai bên đã đạt được một số tiến bộ mới về nội dung thỏa thuận giai đoạn một".
Việc trấn áp phong trào biểu tình ở Hong Kong cũng có thể làm phức tạp hóa quá trình hoàn thiện thỏa thuận.
Vấn đề Hong Kong rõ ràng là một nhân tố tiêu cực trong cuộc đàm phán, theo nhận xét của ông Zhang Yansheng, nhà nghiên cứu trưởng tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc.
Theo ông, thỏa thuận thương mại giai đoạn một có thể kí trong năm nay nếu không có sự xáo trộn nào.
Tối hôm 19/11, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật liên quan đến Hong Kong, trong đó lên án hành động của Trung Quốc và cam kết hỗ trợ cho người dân Hong Kong. Dự luật đã ngay lập tức nhận về thái độ chỉ trích từ Bắc Kinh.
"Hành động trấn áp phong trào biểu tình bạo lực tại Hong Kong làm giảm khả năng hoàn thiện thỏa thuận thương mại", ông Whiton cho hay.
Các cuộc đàm phán còn trở nên phức tạp hơn bởi các cuộc xung đột trong Nhà Trắng về hướng tiếp cận tốt nhất với Trung Quốc và thực tế là ông Trump có thể phủ quyết bất kì thỏa thuận nào ngay phút chót.
Chia sẻ với Reuters, một số chuyên gia Trung Quốc lẫn chuyên gia thương mại vẫn bày tỏ thái độ lạc quan rằng một thỏa thuận thương mại có thể xuất hiện trong vài tuần tới và ông Trump hôm 20/11 cho biết nhóm đàm phán của ông đang tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc.
Cuộc điện đàm giữa ông Mnuchin, ông Lighthizer và ông Lưu Hạc hôm 16/11 được hãng tin Tân Hoa Xã mô tả là "mang tính xây dựng". Đồng thời, chính phủ Mỹ cũng đã bắt đầu cấp giấy phép để một số doanh nghiệp có thể cung ứng hàng hóa cho Huawei Technologies.
Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc hiện nay cũng cho biết họ khá bi quan về thỏa thuận thương mại.
"Chẳng mấy người Trung Quốc tin rằng Washington và Bắc Kinh có thể đạt thỏa thuận sớm", ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu của nhà nước Trung Quốc, đăng tải trên Twitter hôm 20/11.
Ông Hồ Tích Tiến kết luận: "Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận với Mỹ nhưng đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, đó là khi cuộc chiến thương mại tiếp tục kéo dài".