Cuộc chiến giành giật shop bán hàng khắc nghiệt của Shopee với Lazada
Các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Đông Nam Á đang tham gia một cuộc thi "kéo co" để giành nhiều nhà bán hàng hơn về phía mình.
Trong cuộc đua này, Shopee, sàn TMĐT của Sea, đang dành nhiều lợi thế. Dù vậy, một số chiến lược giành giật nhà bán hàng của sàn TMĐT này lại khiến các đối thủ phải nóng mặt do bị đặt vào thế bất lợi, TechInAsia đưa tin.
Tại một cuộc họp do Hiệp hội TMĐT Indonesia tổ chức năm ngoái, một đối thủ của Shopee đã tố sàn TMĐT này có những hành vi phi cạnh tranh.
Thực tế, việc giành giật các hợp đồng, thoả thuận độc quyền với các nhà bán hàng không phải chuyện hiếm gặp ở sân chơi TMĐT. Dựa trên các điều khoản hợp đồng và tin nhắn trao đổi qua WhatsApp mà TechInAsia có, các đối thủ như Tokopedia hay Lazada cũng cũng đưa ra các nội dung "ưu tiên" nhằm hạn chế nhà bán hàng xuất hiện trên các nền tảng khác trong một khoảng thời gian nhất định.
Dù vậy, có nguồn tin nói Shopee đã đi xa hơn bằng cách yêu cầu các nhà bán hàng đóng cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử khác.
"Shopee đang tài trợ voucher 459 USD cho một số nhà bán hàng được lựa chọn. Điều kiện duy nhất là đóng cửa hàng Lazada trong dịp 9/9", một tin nhắn WhatsApp mà Shopee gửi tới một nhà bán hàng hồi năm ngoái, trước thềm một sự kiện mua sắm lớn.
Trong một số tài liệu, Shopee cũng được cho là đã đưa ra các khoản phạt vi phạm điều kiện hợp đồng độc quyền, trong đó các nhà bán hàng có thể bị thu hồi phúc lợi, không được giao hàng miễn phí, hoàn tiền giao hàng, không ưu tiên hiển thị hàng hoá hoặc thậm chí là cấm hoạt động marketing.
Dù vậy, nguồn tin của TechInAsia nói rằng các hợp đồng hiện tại của Shopee với các nhà bán hàng, tại tất cả các thị trường, không còn các điều khoản phạt.
Những thoả thuận như trên rõ ràng đang đẩy các nhà bán hàng nhỏ vào thế khó: hoặc là hợp tác độc quyền với Shopee và hưởng lợi từ chính sách hoàn tiền giao hàng hào phóng, hoặc hy vọng tình hình kinh doanh của họ sẽ tốt hơn khi mở cửa hàng trên nhiều sàn TMĐT khác nhau.
Dĩ nhiên, các nhà bán hàng cũng không muốn rời đi bởi họ có thể mất doanh số bán hàng sang cho đối thủ vốn đang được hưởng lợi từ những chính sách của sàn TMĐT thuộc Sea.
Về phần mình, Shopee từ chối đưa ra bình luận.
Leo lên vị trí dẫn đầu
Sinh sau đẻ muộn hơn khá nhiều so với Lazada, Shopee nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 mảng TMĐT Đông Nam Á. Dĩ nhiên, đây là kết quả của việc rót tiền không tiếc cho marketing. Chi phí marketing của Shopee đã vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2020. Năm ngoái, Shopee vươn lên thành cái tên dẫn đầu về số lượng truy cập website ở Đông Nam Á.
Trong một mảng đầy cạnh tranh, các công ty tham gia đều phải tìm nhiều cách để gia tăng thị phần.
Ví dụ, Amazon, công ty sở hữu 50% thị phần bán lẻ trực tuyến ở Mỹ, từng bị cáo buộc áp dụng các hành vi phi cạnh tranh bởi các nhà điều hành Châu Âu dù chỉ có 30% thị phần tại đây.
Trong khi đó, tuần trước, Alibaba bị áp khoản phạt lên tới 2,8 tỷ USD vì lạm dụng vị thế thống trị của mình trên thị trường Trung Quốc trong suốt nhiều năm.
Ở thời điểm hiện tại, các thoả thuận độc quyền đang phổ biến nhất ở ba thị trường lớn là Indonesia, Malaysia và Việt Nam, nhân sự của sàn TMĐT chia sẻ.
Một nhà bán hàng ở Việt Nam nói rằng các hợp đồng nhà bán hàng "ưu tiên" rất phổ biến tại đây. Bản thân người này nói rằng Shopee đã tiếp cận để đặt vấn đề, anh từ chối tham gia để tránh quá lệ thuộc vào một nền tảng duy nhất.
Ông Jacob Chee, người sáng lập công ty hỗ trợ TMĐT Atsell, cho biết ông không gặp trường hợp này với những nhà bán hàng ông từng tương tác ở Singapore.
Cho đến thời điểm hiện tại, chiến lược miễn hoặc hoàn phí giao hàng của Shopee rất hấp dẫn với các nhà bán hàng. Vì thế, nhiều nhà bán hàng vẫn sẵn sàng chọn tham gia chương trình độc quyền của sàn TMĐT này.
Mặc dù những thoả thuận độc quyền hoàn toàn không mang tính chất bắt buộc, nhiều người nói cho rằng Shopee đặt nhiều áp lực theo các cách khác nhau. "Có hàng nghìn nhà bán hàng nghĩ rằng họ không thể bán hàng trên các sàn khác vì mất trợ giá", một nhân sự công ty TMĐT nhận định.
Trong nhiều trường hợp, các nhà bán hàng chọn tham gia chương trình của Shopee để được hưởng các lợi ít như lưu lượng truy cập tăng, tỷ lệ hiển thị cao hơn và được tham gia các chiến dịch bán hàng.
Độc quyền hay không độc quyền?
Độc quyền ở mảng TMĐT được thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau và các thoả thuận có thể chính thức hoặc phi chính thức. Một chuyên gia ngành nói rằng mặc dù nhiều thoả thuận chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định hoặc áp dụng cho một chiến lược nhất định, có những thoả thuận có thể áp dụng trong tới 1 năm.
Dù vậy, các hợp đồng độc quyền có rủi ro vấp phải quy định về lạm dụng vị thế thống trị trên thị trường theo nhiều luật quốc gia Đông Nam Á, theo ông Shen Yi Thio, Đối tác điều hành ở TSMP Law Corporation.
"Về bề mặt, các chương trình giảm giá hay chính sách hoa hồng được áp dụng khi đạt được một mức độ kinh doanh nào đó đối với một công ty có vị trí thống trị trên thị trường không phải thoả thuận độc quyền, nhưng thực tế là có", ông Thio nhận định.
Các nhà bán hàng vừa và nhỏ tiếp tục là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất với những cạnh tranh trên sàn TMĐT, nhất là khi đối mặt với các vấn đề pháp lý. Dù vậy, các nhà bán hàng đang tìm cách khắc phục vấn đề.
Nhiều nhà bán hàng vẫn có thể tiếp tục hoạt động trên nhiều sàn TMĐT khác nhau sử dụng các tên gọi khác nhau, tài khoản ngân hàng khác nhau và đăng ký với định danh khác nhau.