49% người dùng Việt gỡ app TMĐT trên di động, cao nhất khu vực
Dung lượng thị trường thương mại điện tử ở 6 thị trường lớn nhất Đông Nam Á đang tiếp tục tăng trưởng và nhiều khả năng sẽ chạm mốc 172 tỷ USD vào thời điểm năm 2025, theo báo cáo của Google, Temasek, và Bain & Company.
iPrice mới đây đã xuất bản một báo cáo có tên gọi Map of E-commerce Yearend Report 2020 mang đến khá nhiều thông tin về thương mại điện tử ở Đông Nam Á (Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines) đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Điều gì khiến người Đông Nam Á cài và gỡ bỏ ứng dụng mua sắm?
iPrice đã phân tích hơn 12,4 triệu lượt tải về các ứng dụng mua sắm và nhận thấy con số trung bình tăng 2% ở số lượt tải về tự nhiên từ tháng 1 đến tháng 6, trên cả iOS và Android.
Phong toả và các đợt khuyến mại là hai trong số những yếu tố có thể khiến người dùng cài đặt một ứng dụng mua sắm.
Ví dụ, với lệnh phong toả áp dụng ở Indonesia, Malaysia và Singapore, người dùng có xu hướng cài và thử nhiều ứng dụng mua sắm khác nhau trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 năm ngoái.
Khoảng thời gian này cũng ghi nhận nhiều chương trình ưu đãi mua sắm liên quan đến tháng Ramadan (tháng ăn kiêng của người Hồi giáo). Ở Việt Nam, lượng người dùng cài các ứng dụng mua sắm cũng tăng mạnh trong thời điểm tháng 1 và tháng 2 nhờ dịp Tết Nguyên đán.
Các "ông lớn" TMĐT trong khu vực cũng tích cực triển khai các chiến dịch marketing để thu hút sự chú ý của người dùng thông qua các chiến lược như trò chơi hoá (gamification), giao hàng miễn phí và giảm giá.
Hiện tại, 6/10 người dùng Đông Nam Á đang dùng ứng dụng mua sắm trực tuyến dưới dạng kênh mua sắm chính.
Dù vậy, iPrice ghi nhận tỷ lệ gỡ cài đặt tăng cao ở 5 quốc gia trong khu vực trong năm 2020, bao gồm Việt Nam (49%), Indonesia (47%), Malaysia (41%), Thái Lan (37%) và Singapore (36%).
Điều này cho thấy người dùng Đông Nam Á cũng rất kỹ tính trong chọn lựa ứng dụng mua sắm và họ sẵn sàng gỡ bỏ các ứng dụng mà họ không còn nhu cầu sử dụng nữa.
Chi tiêu trung bình tại Đông Nam Á tăng 19%
Mặc dù các trang bán đồ thời gian và đồ điện tử đón lưu lượng truy cập giảm, giá trị giỏ hàng cho các ngành hàng này lại tăng mạnh. Sản phẩm thể thao và hoạt động ngoài trời cũng đón xu hướng tương tự.
Người dùng ở Đông Nam Á chi trung bình 32 USD cho mỗi đơn hàng trong năm 2020, cao hơn 19% so với con số ghi nhận được trong năm 2019. Singapore và Malaysia trong khi đó là hai thị trường có giỏ hàng lớn nhất, lần lượt ở mức 61 USD và 41 USD cho mỗi đơn hàng.
Sàn TMĐT nào có thêm nhiều lưu lượng truy cập nhất?
Vì lệnh phong toả, giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển cũng như những lo lắng liên quan đến bệnh dịch, niềm tin của người dùng vào mảng bán lẻ thương mại điện tử được củng cố mạnh mẽ trong năm 2020.
Lưu lượng truy cập vào các sàn thương mại điện tử ở tất cả các quốc gia đều tăng so với cùng kỳ năm trước đó với xu hướng tăng mạnh mẽ nhất được ghi nhận ở Singapore (35%), theo sau là Philippines (21%), Việt Nam (19%), Malaysia (17%), Thái Lan (15%), và Indonesia (6%).
Dữ liệu cũng cho thấy lưu lượng truy cập và website của các trung tâm thương mại và siêu thị cũng tăng trung bình 52% từ quý 1/2020. Đây là dấu hiệu cho thấy hành vi người dùng đã thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến.
Dù vậy, cũng có một số sàn TMĐT hoặc ngành hàng bị ảnh hưởng trong đại dịch. Ví dụ, các nền tảng cung cấp ngành hàng mỹ phẩm đón nhận mức giảm lưu lượng truy cập 35% trong khoảng thời gian từ quý 1 đến quý 4/2020. Các sàn TMĐT thiên về đồ điện tử và thời giam cũng giảm lưu lượng truy cập trung bình 14% tại 6 quốc gia nói trên.
Mặc dù nhu cầu cho mảng đồ thiết yếu tăng cao, COVID-19 nới rộng khoảng cách giữa ngành hàng này và các ngành hàng phi thiết yếu như thời gian, đồ điện tử, làm đẹp, thể thao và các thiết bị hoạt động ngoài trời.