|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

COVID-19 và Tổng thống Trump có thể thay đổi vị thế USD ra sao? [Phần 1]

22:38 | 20/07/2020
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng đồng USD đang dần giảm vị thế, trong khi đồng euro có vẻ ngày càng hấp dẫn đối với một số nhà đầu tư.

Theo đưa tin từ CNN, khi đại dịch COVID-19 đạt đỉnh điểm vào tháng 3 năm nay, xu hướng nắm giữ USD, tài sản trú ẩn an toàn của thế giới, tăng lên một cách mạnh mẽ.

Nhưng khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ và quốc gia này phải chiến đấu với những đợt bùng phát mới, nỗ lực phục hồi kinh tế đã khiến đồng bạc xanh vấp ngã. Một số chuyên gia Phố Wall đang cảnh báo rằng đồng USD thể giảm hơn nữa một phần bởi cách xử lí khủng hoảng và các chính sách cô lập của Tổng thống Donald Trump.

"Chúng tôi dự đoán đồng USD Mỹ sẽ tiếp tục giảm vị thế và suy yếu trong dài hạn", theo công ty tài chính Nomura (Nhật Bản).

Đồng USD, biểu tượng cho vị thế toàn cầu của Mỹ, vẫn là đơn vị tiền tệ chính được lựa chọn cho các nhà đầu tư, những người sử dụng nó để thực hiện hầu hết các giao dịch trên thế giới. 

Đây cũng là loại tiền dự trữ hàng đầu thế giới, được chính phủ, ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính lớn nắm giữ với số lượng lớn. Những nhà đầu cơ USD và những người theo chủ nghĩa hoài nghi đều cho rằng hiện tại không có một đơn vị tiền tệ nào có thể thay thế cho USD.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang trở nên ít lạc quan hơn về triển vọng của đồng USD. Nợ công nước Mỹ ngày càng tăng và cam kết của ông Trump đối với các chính sách "nước Mỹ trước tiên" đã làm tăng thêm rủi ro. Vị thế của Mỹ suy giảm trên trường quốc tế có thể là cơ hội cho các đồng minh tăng cường nắm giữ các loại tiền tệ đứng đầu khác.

Trong khi đó, các công ty quản lí tài sản như BlackRock (BLK) đang khuyến khích khách hàng xem xét các cơ hội đầu tư ở châu Âu, nơi các quốc gia dường như có cách xử lí tốt hơn đối với các nguy cơ về sức khỏe và kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Điều này có thể làm tổn thương giá trị của đồng USD trong những tháng tới, mặc dù để có sự thay đổi đáng kể trong chế độ tiền tệ toàn cầu có thể mất nhiều thập kỉ.

Triển vọng kém khả quan cho đồng USD

Nhiều người nhận định triển vọng kinh tế đang xấu đi ở Mỹ, nơi số trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận đã tăng lên gần 3,4 triệu người.

Khi số ca nhiễm của Mỹ vượt khỏi tầm kiểm soát, nhiều bang đã phải thắt chặt các biện pháp cách li. Tại California, nơi tự hào là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, Thị trưởng Gavin Newsom hôm 13/7 đã cho đóng các nhà hàng, rạp chiếu phim, vườn thú, bảo tàng và quán bar trong nhà. Ít nhất 27 bang hiện đã tạm hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp an toàn.

"Nước Mỹ đã mở cửa trở lại quá sớm, như bạn có thể thấy", theo chiến lược gia Jordan Rochester của Nomura. Ông cũng cho rằng đồng USD sẽ suy yếu trong trung hạn do phản ứng của đất nước này đối với dịch bệnh. Theo quan điểm được chia sẻ bởi một số tổ chức tài chính lớn nhất của Mỹ, thất nghiệp tại đất nước này được kì vọng sẽ tiếp tục gia tăng.

Tình hình kinh tế hiện nay cho thấy lãi suất của Mỹ sẽ vẫn tiếp tục được giữ ở gần mức 0 trong một thời gian nữa và điều này gây lo ngại cho giá trị của đồng USD. Một mối lo khác đến từ việc thâm hụt tài chính của nước Mỹ đang ngày càng "phình to" với nợ liên bang dự kiến sẽ đạt 101% GDP trong năm nay.

Chính phủ Mỹ đang tăng cường vay mượn để tài trợ cho các chương trình kích thích, thúc đẩy nền kinh tế. Bộ Tài chính cho biết thâm hụt ngân sách trong tháng 6 đã tăng lên 864 tỉ USD. Điều này đi đôi với thâm hụt tài khoản vãng lai khá lớn, nghĩa là Mỹ chi nhiều hơn cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư ra nước ngoài hơn là mang lại.

Đồng thời, các nền kinh tế phát triển khác đang vay mượn nhiều hơn. Nhưng ở Mỹ, chính phủ đang phát hành nợ nhiều hơn con số mà Fed đang mua vào. Điều đó có nghĩa là có quá nhiều Trái phiếu kho bạc Mỹ hơn trên thị trường, đe dọa giá trị của đồng USD, ông Rochester nói.

Đọc tiếp: COVID-19 và Tổng thống Trump có thể thay đổi vị thế USD ra sao? [Phần 2] về sức hút của đồng euro và khả năng thay thế đồng USD của các đồng tiền

Lê Huy