|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Fed: Các ngân hàng có thể phải đối mặt với khoản lỗ hơn 700 tỉ USD do COVID-19

22:39 | 10/07/2020
Chia sẻ
Nếu dịch COVID-19 còn kéo dài, Fed cho rằng các ngân hàng sẽ phải đối mặt với khoản lỗ hơn 700 tỉ USD đối với các khoản cho vay của mình, vượt xa con số 465 tỉ USD được dự kiến vào cuộc khủng hoảng năm 2009.

Theo Economist, khi Chính phủ và các nhà tài chính thực hiện thiết kế lại hệ thống tài chính nhằm giúp nó trở nên an toàn hơn sau sự kiện khủng hoảng năm 2007 - 2009, hầu hết họ đều nghĩ rằng một cú sốc tồi tệ về nợ dưới chuẩn sẽ trở thành lịch sử. Nhưng trên thực tế điều đó lại quay trở lại sau một thập kỉ. 

Chính sách phong toả đã dẫn đến một cuộc suy thoái khi các doanh nghiệp và hộ gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề, kéo theo những khoản nợ khó thu hồi.

Liệu rằng các ông lớn trong ngành ngân hàng có thực sự an toàn hơn khi "quá lớn để thất bại" (too-big-to-fail).

Một cuộc điều tra được thực hiện bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy câu trả lời ở nước Mỹ là có. 

Trong một kịch bản bi quan khác khi nền kinh tế phải đối mặt với tình hình dịch bệnh và cách li xã hội kéo dài, Fed cho rằng các ngân hàng sẽ phải đối mặt với khoản lỗ hơn 700 tỉ USD đối với các khoản cho vay của mình. 

Con số này vượt xa mức 465 tỉ USD được dự kiến vào cuộc khủng hoảng năm 2009 khi Fed trải qua cuộc "kiểm tra" đầu tiên. Kịch bản năm nay có ý nghĩa rằng khả năng tổn thất các khoản vay là khoảng 10%, cao hơn ngưỡng 7% đã trải qua trong cuộc khủng hoảng trước đây.

Theo Fed, trong kịch bản kinh tế hình chữ U này, tỉ lệ vốn cốt lõi của hệ thống sẽ giảm từ mức 12% hiện tại xuống còn 8%. Một số ngân hàng có thể phải giới hạn cổ tức mà họ trả cho các cổ đông của mình để củng cố vị thế vốn của họ. Ngày 29/6, Wells Fargo cho biết họ sẽ phải cắt giảm các khoản thanh toán, nhưng đây là một cái giá nhỏ phải trả.

Nếu các ngân hàng vẫn đang hoạt động với mức vốn ít ỏi mà họ có vào cuối năm 2008 thì có lẽ cơn ác mộng đã xảy ra. Theo ước tính của các nhà kinh tế, nếu hệ thống ngân hàng chưa được điều chỉnh đã phải đối diện với kịch bản kinh tế hình chữ U thì tỉ lệ vốn lõi của họ sẽ có khả năng giảm xuống 1,5%, với một số ngân hàng lớn, con số này có thể chạm tới 0, tức là mất khả năng thanh toán kĩ thuật.

Và ngược lại, khi hệ thống ngân hàng có khả năng phục hồi mới có nghĩa là khách hàng và nhà đầu tư đã không vội rút tiền như trong năm 2007-2009. Các ngân hàng được coi là an toàn và họ có nguồn lực để tăng hạn mức tín dụng cho các công ty có nhu cầu.

Một lo lắng khác là hệ thống ngân hàng bên ngoài nước Mỹ kém vững chắc hơn. Hầu hết các ngân hàng châu Âu có tỉ lệ vốn hợp lí nhưng có lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các ngân hàng Mỹ, bởi vì chúng không hiệu quả và phải đối mặt với lãi suất thấp hơn và thị trường phân mảnh. 

Các "thử nghiệm" căng thẳng của Mỹ cho thấy khoảng một phần tư tổng số bộ đệm mà ngân hàng sở hữu đến từ lợi nhuận lành mạnh của họ (có thể bù đắp các khoản nợ xấu), trong khi các ngân hàng tại châu Âu lại không có sự xa xỉ đó. 

Trúc Minh