|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

COVID-19 và Tổng thống Trump có thể thay đổi vị thế USD ra sao? [Phần 2]

05:33 | 21/07/2020
Chia sẻ
Tín hiệu tích cực hơn từ việc phản ứng với đại dịch COVID-19 là một trong những yếu tố thúc đẩy giá trị của đồng euro trên thế giới, nhưng khả năng để thay thế được đồng USD vẫn còn khá xa.
COVID-19 và Tổng thống Trump có thể thay đổi vị thế USD ra sao? [Phần 2] - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Reddit.com).

Sự chú ý chuyển sang đồng euro

Trong khi đó, đồng euro có vẻ ngày càng hấp dẫn đối với một số nhà đầu tư. Cho đến nay, đồng Euro đã tăng khoảng 2% so với đồng USD mặc dù châu Âu cũng đang chứng kiến suy thoái kinh tế.

Theo ông Rochester, dữ liệu cho thấy quá trình phục hồi ở nước Mỹ đã bị gián đoạn khi nước này tiếp tục phải đương đầu với sự bùng phát mới của đại dịch. Trong khi ở châu Âu, nơi các biện pháp đóng cửa được áp dụng sớm hơn, các hoạt động đã và dần đang được cải thiện.

Có nhiều ý kiến cho rằng các quốc gia châu Âu có thể thông qua gói phục hồi kinh tế mới trong tháng 7 này. Đồng nghĩa với việc sẽ có thêm 750 tỉ euro (tương đương 825 tỉ USD) được bơm vào thị trường tài chính, thông qua ngân sách giai đoạn 2021 - 2027.

"Đây có thể là một bước tiến lớn trong việc điều phối chính sách tài khóa trong khu vực và quan trọng hơn, đây sẽ là một nguồn nợ mới bằng đồng euro được đánh giá cao cho các nhà đầu tư toàn cầu", Chiến lược gia Zach Pandl của Goldman Sachs nhận định.

Ông Pandl nói rằng ông hi vọng đồng euro sẽ dần tăng giá so với đồng USD thế nhưng điều ngược lại vẫn có thể xảy ra. "Tin tức gần đây về khu vực châu Âu đã mở ra một tín hiệu khả quan", ông cho biết.

Nước Mỹ tự hào có một danh sách dài các công ty blue-chip khó có thể loại khỏi danh mục của các nhà đầu tư. Thế nhưng các tài sản của châu Âu cũng dần trở nên vô cùng tiềm năng khi tình hình của khu vực đang có những diễn biến tích cực. Cầu của đồng euro có thể tăng lên trong thời gian tới.

Một cuộc khảo sát của Bank of America với các nhà quản lí quĩ được công bố hôm 14/7 cho thấy có hơn 40% những người được khảo sát cho biết họ muốn nắm giữ nhiều euro hơn.

Rất ít lựa chọn thay thế đồng USD trong thời điểm hiện tại

Đồng USD được hưởng lợi từ việc là tiền tệ được lựa chọn cho nhiều giao dịch toàn cầu, bao gồm cả giao dịch các mặt hàng như dầu mỏ. Nó chiếm 62% dự trữ tiền tệ của thế giới và tham gia vào 88% của tất cả các giao dịch tiền tệ toàn cầu. Số liệu này chỉ ra một thực tế rằng rất khó để tìm ra được một đồng tiền khác thay thế USD trong ngắn hạn hay trung hạn.

Theo bà Jane Foley, Giám đốc Chiến lược tiền tệ tại Rabobank: "Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang ở thời điểm mà đồng USD sẽ mất đi sức hấp dẫn".

Lí do được bà Jane đưa ra là bởi USD có xu hướng mạnh lên khi triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi, đặc biệt là các vấn đề nổi cộm gần đây ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã thúc đẩy nhu cầu nắm giữ USD nhiều hơn.

"Nhưng theo thời gian, mối lo ngại về nợ công của Mỹ đi kèm với sự gắn kết lớn hơn ở các quốc gia châu Âu có thể bắt đầu làm suy yếu đồng USD", ngân hàng Nomura nhận định. Ngân hàng này dự báo đồng USD có thể mất tới 20% giá trị trong năm năm tới.

Xu hướng mất giá này có thể chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn bởi các yếu tố địa chính trị. Nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, ngân hàng Nomura cho rằng xu thế đảo ngược toàn cầu hóa sẽ càng làm suy yếu đồng USD và thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn đồng tiền khác trong các giao dịch quốc tế.

Giới chuyên gia cho rằng lập trường của chính sách "Nước Mỹ trước tiên" có thể gây tổn hại cho đồng USD trong thời gian dài. Một nghiên cứu được công bố bởi Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ năm 2017 cho thấy nhu cầu ngoại tệ đối với đồng USD có thể giảm nếu quốc gia này không đảm bảo được an ninh cho các đồng minh, dẫn đến việc họ có thể chuyển sang dự trữ nhiều hơn đồng euro, đồng yen và đồng nhân dân tệ.

Bà Jane Foley cũng chỉ ra rằng Nga và Trung Quốc đang ngày càng tránh sử dụng đồng USD thực hiện các thỏa thuận, giao dịch dầu thô. Các quan chức hàng đầu của EU cũng đã bắt đầu vận động để sử dụng đồng euro nhiều hơn sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Các công ty vẫn đang hoạt động ở Iran lo ngại chính quyền Trump sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt ngăn khả năng tiếp cận của họ với đồng USD.

Cùng với đó, sự gia tăng của các loại tiền kĩ thuật số cũng có thể "ăn mòn" sức mạnh của đồng USD. Facebook vẫn đang triển khai dự án đồng Libra, trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đang thử nghiệm phiên bản kĩ thuật số của đồng nhân dân tệ.

Mặc dù rào cản pháp lí cho việc sử dụng đồng tiền số vẫn còn rất lớn do lo ngại về gian lận và tội phạm tài chính nhưng ngân hàng Nomura cho biết họ đặc biệt chú ý tới các nỗ lực mạnh mẽ ở Trung Quốc khi nước này vẫn luôn mong muốn tăng cường sự hiện diện của đồng nhân dân tệ trên toàn cầu.

Lê Huy