ECB giữ nguyên lãi suất, tiếp tục chương trình mua trái phiếu trị giá 1.500 tỉ USD
Theo CNBC, hôm 16/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên các mức lãi suất chủ chốt và Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch (PEPP).
Cụ thể, lãi suất cho các hoạt động tái cấp vốn chính tiếp tục giữ ở mức 0%, lãi suất cho vay qua đêm và lãi suất tiền gửi qua đêm lần lượt ở mức 0,25% và - 0,50%. ECB cho biết lãi suất sẽ duy trì ở mức hiện tại hoặc mức thấp hơn cho đến khi thấy được triển vọng lạm phát hợp lí.
ECB cũng cho biết họ sẽ tiếp tục chương trình PEPP như đã công bố vào tháng 3 để giảm thiểu cú sốc kinh tế từ đại dịch.
Trước đó, vào tháng 6, ECB đã tăng qui mô PEPP thêm 600 tỉ euro lên 1,35 nghìn tỉ euro (1,54 nghìn tỉ USD) và dự kiến triển khai chương trình này đến tháng 6/2021 hoặc đến khi tin rằng khủng hoảng đã kết thúc.
Trong một tuyên bố đi kèm với quyết định hôm thứ 16/7, ngân hàng trung ương cho biết việc mua tài sản theo PEPP sẽ tiếp tục được thực hiện linh hoạt theo thời gian, giữa các loại tài sản và khu vực pháp lí.
Sau quyết định, đồng euro không có nhiều thay đổi so với đồng USD, tỉ giá EUR/USD dao động ở mức khoảng 1,14.
Các dự báo kinh tế mới nhất từ ECB đã chỉ ra mức sụt giảm của GDP của khu vực là 8,7% trong năm nay. Tuy nhiên, IMF đã cảnh báo rằng tỉ lệ này có thể ở mức 10,2%.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ 16/7, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết trong khi các hoạt động đã bắt đầu quay lại, sự phục hồi vẫn đang ở giai đoạn đầu và không đồng đều giữa các ngành và khu vực pháp lí. Điều này đặt ra một triển vọng "không chắc chắn" với nhiều khả năng tiêu cực.
Khi được hỏi về việc liệu PEPP trị giá 1,35 nghìn tỉ euro có thực sự cần thiết hay không, bà Lagarde nhấn mạnh rằng, đến cuối tháng 6, ngân hàng trung ương đã mua hơn 360 tỉ euro trái phiếu và đang thực hiện chậm lại, do thị trường tài chính dần ổn định.
"Hoặc có thể, chúng tôi không nhìn thấy điều đó ngay lúc này. Tuy nhiên, trừ khi không có sự thay đổi bất ngờ đáng kể nào, chúng tôi vẫn giữ lập trường sẽ sử dụng toàn bộ gói PEPP", Chủ tịch ECB nói.
"Rõ ràng, chức năng thứ hai của PEPP mà tôi đã đề cập đó là ổn định chính sách tiền tệ để đối phó với cú sốc do dịch bệnh. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện PEPP và đảm bảo rằng điều đó sẽ giúp chúng ta quay trở lại tốc độ lạm phát như trước khi xảy ra COVID-19", bà Lagarde nói thêm.
Bà Lagarde cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu đồng thuận về gói tài khóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của lập trường chính sách tài khóa tham vọng và sự phối hợp giữa các thành viên.
Các nhà lãnh đạo EU sẽ họp tại Hội đồng châu Âu vào cuối tuần này để đàm phán về đề xuất Quĩ phục hồi EU trị giá 750 tỉ euro.
Anna Stupnytska, chuyên gia kinh tế vĩ mô toàn cầu của Fidelity International cho biết, khi ECB chuyển sang chế độ 'chờ và đánh giá' cho đến hết mùa hè, trọng tâm sẽ chuyển sang Quĩ phục hồi và ngân sách dài hạn.
Hội nghị cuối tuần này có thể chưa đưa ra một thỏa thuận cuối cùng, nhưng bất kì tiến triển nào về các vấn đề gây tranh cãi nhất như quản trị hay điều kiện gõi hỗ trợ sẽ là tín hiệu mạnh mẽ về triển vọng cho sự đột phá trong tương lai gần.
Dữ liệu kinh tế gần đây đã cho thấy sự phục hồi trong hoạt động kinh tế khi nhiều nước châu Âu đã dần dỡ bỏ một số biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, hai thành viên ECB vẫn đưa ra cảnh báo về tốc độ phục hồi kinh tế.
Nhà kinh tế trưởng của ECB, ông Philip Lane, cho biết trong một bài phát biểu vào tháng trước rằng nhu cầu yếu kém, sự hạn chế nguồn cung và các một số biện pháp giãn cách xã hội đang cản trở việc bình thường hóa hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, Klaas Knob, thống đốc ngân hàng trung ương Hà Lan, đã chia sẻ trong diễn đàn trực tuyến vào tháng 6 rằng phải đến tận 2022, hoạt động kinh tế mới có thể đạt được như thời điểm 2019.