Công ty tài chính Ant Financial của Jack Ma muốn chen chân trong hoạt động ngân hàng số tại Singapore
Ảnh: Xinhua
"Chúng tôi đang tích cực cân nhắc cơ hội đó", Ant Financial (có trụ sở tại Hàng Châu, Trung Quốc) phản hồi câu hỏi của Bloomberg.
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) sẽ cấp 5 giấy phép ngân hàng số cho các tổ chức phi ngân hàng nhằm mở cửa lĩnh vực này cho các đối thủ cạnh tranh mới.
Nếu nhận được cấp phép, thành công này sẽ giúp Ant Financial - công ty tài chính trực tuyến lớn nhất Trung Quốc cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống như DBS Group Holdings và Oversea-Chinese Banking Corp (OCBC) trên thị trường ngân hàng số đang ngày càng phát triển tại Đông Nam Á.
Ant Financial không tiết lộ công ty sẽ xin cấp giấy phép bán lẻ hay bán buôn, tuy nhiên Bloomberg nhận định họ sẽ dễ dàng đáp ứng điều kiện cần thiết cho giấy phép bán buôn hơn.
Singapore đang nỗ lực mở cửa ngành ngân hàng cho các công ty công nghệ như động thái Hong Kong từng thực hiện trước đó. Cụ thể, vào đầu năm nay cơ quan chuyên trách của Hong Kong đã cấp phép cho Ant Financial và các đối thủ Trung Quốc khác như Tencent Holdings hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng số.
Ông James Lloyd, Giám đốc phụ trách mảng fintech khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty tư vấn EY, nhận định: "Việc nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc được cấp giấy phép ngân hàng số tại Hong Kong thời gian gần đây cho thấy bước tiến chính thức của các đối thủ như vậy vào hệ thống tài chính quốc tế".
"Dường như Singapore sẽ nối gót Hong Kong trong lĩnh vực này", ông Lloyd nói, đồng thời còn lưu ý rằng các công ty tài chính nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội hoạt động với tư cách là một ngân hàng số bán buôn hơn là ngân hàng bán lẻ.
Có hai nhóm giấy phép cho ngân hàng số tại Singapore
Bloomberg từng đưa tin MAS, tức ngân hàng trung ương Singapore, đã tuyên bố sẽ cấp tối đa hai giấy phép ngân hàng số đầy đủ dịch vụ, và ba giấy phép ngân hàng số bán buôn. Các ngân hàng được cấp phép sẽ chỉ có hoạt động trong không gian ảo.
Theo đó, hai giấy phép thuộc nhóm đầu tiên cho phép công ty tài chính phục vụ tất cả đối tượng khách hàng nhưng buộc phải có 1,5 tỉ SGD (tương đương 1,1 tỉ USD) vốn cũng như phải chịu sự kiểm soát của chính quyền địa phương.
Còn ba giấy phép thuộc nhóm sau dành cho ngân hàng bán buôn, khi đó các công ty nước ngoài có thể dễ dàng hoạt động trong không gian ảo và chỉ yêu cầu ngưỡng vốn là 100 triệu SGD.
OCBC, ngân hàng cho vay lớn thứ hai Đông Nam Á, đã đồng ý hợp tác cùng công ty cho vay ngang hàng Validus Capital và công ty đầu tư mạo hiểm của Tamesek Holdings để xin giấy phép bán buôn trước thời hạn chốt đơn vào cuối năm nay.
Trong khi đó, DBS - ngân hàng cho vay lớn nhất Singapore, lại không bày tỏ dự định xin cấp phép.
Thị trường cho vay ảo của khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng gấp 4 lần lên 110 tỉ USD vào năm 2025, theo báo cáo chung của Bain & Co., Google và Temasek.
Trước đó, đơn vị Ant SME Services của Ant Financial đã nhận được giấy phép từ Cơ quan Tiền tệ Hong Kong vào tháng 5 vừa qua để vận hành một ngân hàng số trên lãnh thổ Trung Quốc.
Còn tính đến tháng 6/2019, ví Alipay của Ant Financial và các đối tác ví điện tử nội địa có khoảng 900 triệu người dùng hoạt động tại Trung Quốc và 1,2 tỉ người dùng trên toàn cầu.