|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Làn sóng ngân hàng ảo trước sự cạnh tranh của các công ty fintech

19:50 | 09/05/2019
Chia sẻ
Theo thông tin từ Cục quản lý tiền tệ Singapore (MAS), đảo quốc sư tử này đang thảo luận và nghiên cứu khả năng cho phép ứng dụng Ngân hàng ảo hoạt động tại quốc gia này.
Làn sóng ngân hàng ảo trước sự cạnh tranh của các công ty fintech - Ảnh 1.

Singapore nghiên cứu khả năng ứng dụng Ngân Hàng Kỹ Thuật Số

"MAS đang trong quá trình nghiên cứu và xem xét chấp thuận cho phép các ngân hàng thuần kỹ thuật số với nguồn gốc phi ngân hàng hoạt động", Cục quản lý tiền tệ cho biết trong một email phản hồi các câu hỏi từ Bloomberg.

"Chúng tôi đang thảo luận với các đối tác liên quan, nhằm xác định những giá trị thực tế mà ngân hàng công nghệ có thể mang đến trong bức tranh ngân hàng tại Singapore, cũng như hiểu được những mối nguy cơ tiềm ẩn, để sẵn sàng phương án quản lý và kiểm soát."

Những đánh giá của MAS đến trong bối cảnh các nhà quản lý tiền tệ trên thế giới đang vật lộn với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các fintech, những ảnh hưởng của các công nghệ này đến ngành ngân hàng. 

Cũng trong đầu năm nay, Hồng Kông đã bắt đầu cấp giấy phép cho ngân hàng ảo hoạt động, như một cách để tăng sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng, đẩy mạnh cạnh tranh với các nền kinh tế khác trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ.

Trong số các công ty được cấp phép, ba công ty đã hợp tác với các tổ chức tài chính như Standard Chartered Plc, BOC Hong Kong Holdings Ltd. và ZhongAn Online P&C. Công ty công nghệ tài chính WeLab Holdings Ltd. cũng nằm trong số các công ty được chính phủ Hồng Kông cấp phép. Những công ty mới này đang nhắm đến miếng bánh thị phần béo bở vốn đang bị chi phối bởi HSBC Holdings Plc, tập đoàn có thị phần hàng đầu về bán lẻ, cho vay doanh nghiệp, thế chấp và tín dụng.

Trong tuyên bố mới đây, MAS cho biết số hóa không phải là mới đối với ngành ngân hàng của Singapore và lưu ý rằng, các ngân hàng địa phương đã được phép theo đuổi, phát triển các mô hình kinh doanh kỹ thuật số kể từ năm 2000. Chẳng hạn như DBS Group Holdings Ltd., Overseas-Chinese Bank và United Overseas Bank, tất cả đều có chiến lược kỹ thuật số và cạnh tranh với các công ty fintech trong nước, cũng như các mạng lưới chi nhánh địa phương của HSBC, Citigroup Inc. và các ngân hàng nước ngoài khác.

CEO của Tập đoàn DBS, ông Piuish Gupta, đánh giá thấp mối đe dọa và tác động từ các ngân hàng số đến các ngân hàng địa phương trong buổi phỏng vấn với tờ Bloomberg News.

"Tôi cho rằng, chuyện này chỉ đơn giản là cấp thêm một vài giấy phép ngân hàng.", ông chia sẻ trong buổi phỏng vấn với Bloomberg.

Nới lỏng luật hoạt động cho các ngân hàng ảo?

Gupta cũng cho biết, ông chỉ thấy có một vấn đề ở Singapore, là nếu các ngân hàng ảo được phép hoạt động theo các điều luật nhẹ nhàng hơn so với các ngân hàng đương nhiệm, ví dụ như mức vốn mà họ bắt buộc phải nắm giữ.

"Khó khăn thực sự sẽ đến nếu như các cơ quan quản lý tạo ra một sân chơi không công bằng và để các ngân hàng ảo mới tiến vào thị trường ngân hàng theo các điều khoản khác nhau", ông cho biết. Nhưng ông cũng cho biế,t hầu hết cơ quan quản lý cũng không mặn mà đối với viễn cảnh đó.

OCBC, ngân hàng lớn thứ hai của Singapore theo ước tính giá trị tài sản, cho biết quốc gia này không thể tránh khỏi viễn cảnh các ngân hàng số sẽ muốn hoạt động tại Singapore. "Tuy nhiên, mô hình hoạt động của các ngân hàng như vậy không thể phù hợp và đáp ứng mọi quy mô của thị trường, bất kể môi trường hoạt động, đặc biệt là đối với một quốc gia nhỏ và mức tài chính cao như Singapore", Giám đốc điều hành OCBC Samuel Tsien phản hồi email cho Bloomberg.

"Mặc dù vẫn còn quá sớm để suy đoán về các đánh giá của MAS, nhưng chúng tôi vẫn rất hoan nghênh bất kỳ chủ trương nào từ MAS, sẽ hỗ trợ cạnh tranh lành mạnh và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng", phát ngôn viên của HSBC cho biết.

Cẩm Tiên