Công ty sản xuất pho mát biến thành tập đoàn khổng lồ nhờ tài trợ khéo léo, quảng cáo đột phá
Kraft đang là một trong những nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới. Với việc mua lại nhiều thương hiệu và không ngừng mở rộng chủng loại sản phẩm, ngày nay Kraft đã sở hữu nhiều thương hiệu hàng đầu khác như Nabisco (bánh ngọt), Philadelphia (phó mát kem) và Maxwell House (cà phê).
Vậy nhưng, nguyên do khiến cho họ có khả năng tiếp nhận và sở hữu những cái tên quen thuộc này phần lớn chính là nhờ vào thành công của tự thân thương hiệu Kraft.
Khởi đầu với pho mát chế biến sẵn
Thành công của thương hiệu này chủ yếu đến từ những sáng tạo đột phá. Năm 1916, James Lewis Kraft đăng ký bản quyền thương hiệu cho sản phẩm pho mát được chế biến sẵn của ông và đã tạo nên một chủng loại sản phẩm hoàn toàn mới.
Sự tiện lợi được liên hệ với thương hiệu Kraft càng được củng cố hơn nữa khi họ tung ra thị trường loại phó mát lát mỏng chế biến sẵn vào năm 1950.
Những sáng tạo đột phá của Kraft trong sản phẩm đã được hỗ trợ bởi một chiến lược tiếp thị đầy sáng tạo. Năm 1919, họ trở thành công ty sản xuất phó mát đầu tiên phát động một chiến dịch quảng cáo toàn quốc, với những quảng cáo đầu tiên xuất hiện trên các tạp chí phụ nữ ở Mỹ.
Sự sáng tạo trong tài trợ và quảng cáo
Cách tài trợ của Kraft cũng thể hiện một cách sáng tạo. Bằng cách tài trợ, Kraft đã đưa tên của họ vào một trong những chương trình phát thanh thành công nhất trong lịch sử phát thanh Mỹ, chương trình Kraft Music Hall, bắt đầu vào năm 1933 với nghệ sĩ nổi tiếng Bing Cosby làm người dẫn chương trình.
Năm 1958, chương trình Kraft Music Hall chuyển thể sang truyền hình và vẫn liên tục được phát sóng mãi cho đến năm 1971, với người dẫn chương trình là ca sĩ Perry Como.
Kraft cũng là nhà tài trợ cho chương trình truyền hình Kraft Television Theatre. Bắt đầu vào năm 1947, đây là chuỗi kịch nghệ trực tiếp đầu tiên ở Mỹ. Nó cũng là một chương trình có quảng cáo đầu tiên trên truyền hình.
Các quảng cáo xen vào giữa các hồi của vở kịch ngày nay đã là một phần quan trọng của lịch sử quảng cáo. Lúc đó, quảng cáo truyền hình của Kraft chỉ đơn giản thể hiện một đôi tay phụ nữ đang nấu nướng với những sản phẩm của thương hiệu.
Bởi được chiếu cho những khán giả không quen với quảng cáo truyền hình, chương trình quảng cáo này đã trở thành một trong những chiến dịch quảng bá hiệu quả nhất trong lịch sử và đã khởi đầu cho hàng loạt những quảng cáo chớp nhoáng trên màn ảnh truyền hình trong những thập niên 1950 và 1960.
Quảng cáo truyền hình kế tiếp của Kraft cũng mang lại hiệu quả không kém và trở thành một mẫu mực cho việc thắt chặt thương hiệu vào với một chủng loại sản phẩm, ví dụ như câu chủ đề "Nước Mỹ đánh vần chữ phó mát là K-R-A-F-T".
Sáng tạo đột phá thật sự của Kraft không phải là sản phẩm pho mát chế biến sẵn, mà chính là chiến lược quảng cáo và tài trợ đã chứng tỏ: Chúng ta có thể dùng sức mạnh truyền thông để đi vào tâm trí của người tiêu dùng như thế nào.
Kraft không chỉ là những thứ gì đó để nấu nướng, mà còn là một thứ có mối liên hệ với những chương trình truyền hình và phát thanh nổi tiếng nhất và đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống hàng ngày.
Thương hiệu phó mát chế biến sẵn này đã cho thấy rằng tên tuổi của một sản phẩm gia dụng không cần phải được liên hệ với nhà bếp nữa, mà đã có thể thật sự trở thành một phần không thể thiếu trong toàn bộ gia đình.