|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công ty đi trước thời đại, cho 1.500 nhân viên làm tại nhà từ 9 năm trước, giúp CEO trở thành tỷ phú với khối tài sản ròng gần 3 tỷ USD

07:30 | 03/11/2021
Chia sẻ
Đối với doanh nghiệp này, làm tại nhà hay làm tại văn phòng không quan trọng, mục tiêu cuối cùng mà họ hướng đến là kết quả.

Theo Bloomberg, ngay cả trong một thế giới mà các phần mềm phát triển vượt bậc, cái tên GitLab vẫn tạo nên sự nổi bật.

Công ty không có trụ sở chính, đồng thời đều đặn phát hành phiên bản phần mềm mới vào ngày 22 hàng tháng trong hơn 9 năm qua. Đặc biệt, mọi loại sổ sách giấy tờ của công ty với đầy đủ chi tiết được phát hành theo hình thức trực tuyến, miễn phí cho tất cả mọi người đọc và góp ý.

Những điểm đặc biệt này là công việc của CEO GitLab, Sytse "Sid" Sijbrandij, một nhà phát triển web người Hà Lan, người bắt đầu khám phá một công việc kinh doanh dựa trên các công cụ lập trình mã nguồn mở vào năm 2012. Giữa tháng 10, công ty bắt đầu tiến hành IPO tại New York. Giá bán cổ phiếu của công ty dừng ở mức 77 USD/cổ phiếu trong ngày đầu tiên lên sàn.

Giá cổ phiếu đã tăng 35% so với giá IPO trong ngày đầu tiên giao dịch, qua đó nâng giá trị tài sản ròng của CEO lên 2,8 tỷ USD. Sijbrandij sở hữu 18% cổ phần của công ty và đã bán gần 2 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán. Các cổ đông lớn khác bao gồm Khosla Ventures và Iconiq Capital. Người phát ngôn của GitLab từ chối đưa ra bình luận.

Công ty đi trước thời đại, cho 1.500 nhân viên làm tại nhà từ 9 năm trước, giúp CEO trở thành tỷ phú với khối tài sản ròng gần 3 tỷ USD - Ảnh 1.

Ông Sid Sijbrandij, CEO GitLab. (Ảnh: GitLab).

"Sứ mệnh của GitLab là đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể đóng góp. Khi tất cả mọi người đều có thể đóng góp, người dùng cũng trở thành người đóng góp và tốc độ đổi mới của chúng tôi sẽ tăng đáng kể", CEO Sijbrandij chia sẻ trong bản cáo bạch của công ty.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, xu hướng làm việc từ xa bắt đầu nở rộ. Tuy nhiên, GitLab đã đi trước xu hướng này từ rất lâu. Bộ công cụ của GitLab giúp các nhà phát triển lập kế hoạch, xây dựng và bảo mật phần mềm thông qua nền tảng mã nguồn mở.

Tập trung vào triết lý xây dựng phần mềm của DevOps, công ty đã giành được sự tôn trọng của các nhà phát triển. Tính từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021, doanh thu công ty đạt mức 152,2 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ. Một phần nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng này là nhờ xu hướng chuyển dịch hình thức làm việc sang online.

Mặc dù GitLab có trụ sở hợp pháp tại San Francisco, lực lượng lao động lên tới 1.503 thành viên, nhưng tất cả đều làm việc từ xa ngay từ những ngày đầu công ty được thành lập.

Trang web của công ty chỉ ra sự đa dạng về nơi làm việc của nhân viên, từ Wailuku, Hawaii đến Novosibirsk ở Siberia. Sijbrandij nổi lên trong thời kỳ đại dịch như một người ủng hộ hình thức làm việc từ xa.

GitLab's Remote Work Playbook, một phần công thức của công ty được nhiều người ca ngợi trong thời kỳ đại dịch vừa qua, đã cung cấp cái mà doanh nghiệp gọi là "tầm nhìn sâu sắc về việc tạo dựng và phát triển một công ty có nhân viên phân tán nhiều nơi".

Ngay cả câu chuyện về nguồn gốc của GitLab cũng là một điều gì đó tương tự hình thức "làm việc từ xa". Công ty này được thành lập bởi hai kỹ sư phần mềm người Ukraine, Dmitriy Zaporozhets và Valery Sizov, những người đang cố gắng phát triển những công cụ giúp mọi người có thể dễ dàng trong việc tương tác với cộng đồng.

Vào thời điểm phát triển phần mềm, Zaporozhets thậm chí đang ngồi ở ngôi nhà của mình tại Ukraine, nơi thiếu nước sinh hoạt. Sijbrandij tình cờ tìm thấy trang web từ Hà Lan vào năm 2012, nơi anh đang làm việc với tư cách là một nhà phát triển. Ấn tượng với chất lượng của mã nguồn mở, anh ấy đã gia nhập lực lượng với hai kỹ sư người Ukraine và họ bắt đầu cung cấp dịch vụ cho các công ty lớn.

Ba người đã chuyển đến Bay Area cùng một nhóm nhỏ vào năm 2015 để tham gia vào thí nghiệm máy gia tốc Y Combinator. Đây cũng là lần đầu tiên họ được trải nghiệm cảm giác ngồi làm việc nhóm sau nhiều năm. Sijbrandij bị mắc kẹt khi chương trình kết thúc trong khi hầu hết những người khác đã trở về châu Âu.

Phần lớn doanh thu của GitLab đến từ việc bán đăng ký phần mềm cho các tập đoàn, chẳng hạn như UBS Group AG và T-Mobile US Inc. từ một năm trước đó.

"Một số công ty nói về việc tạo dựng môi trường làm việc như một gia đình. Chúng tôi có suy nghĩ khác, và tôi cho rằng quan điểm này không đúng. Tại GitLab, mối quan hệ không phải là mục tiêu cuối cùng. Thay vào đó, mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là kết quả".

Quốc Anh