|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

5 lý do các công ty lớn phải 'xoá sổ' thương hiệu dù mất công gầy dựng trong nhiều năm

15:16 | 31/10/2021
Chia sẻ
Xuyên suốt quá trình phát triển, đổi tên không phải điều hiếm gặp, ngay cả đối với các công ty lớn.

Mới đây, Facebook gây bất ngờ khi công bố đổi tên công ty thành Meta. Đằng sau mỗi lần đổi tên và thay đổi thương hiệu của các công ty luôn ẩn chứa nhiều "thông điệp" về chiến lược trong tương lai gần.

Ở trường hợp của Facebook, việc đổi tên thành Meta cho thấy tham vọng của công ty trong việc xây dựng một metaverse, không gian ảo trong đó người dùng có thể tương tác với nhau. Một số nguồn tin nhận định rằng việc đổi tên cũng có thể giúp Facebook giảm bớt được ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin nội bộ rò rỉ gần đây liên quan đến cách điều hành mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

Trong quá khứ, không ít các công ty lớn cũng đã đổi tên trong quá khứ và theo thống kê, dưới đây là 5 lý do thường gặp nhất đối với việc các công ty đổi tên.

Áp lực xã hội

Tạm biệt Facebook: Đây là 5 lý do các thương hiệu lớn đổi tên - Ảnh 1.

(Ảnh: Visual Capitalist, Việt hoá: Thái Sơn).

Khi thương hiệu bị xã hội nhìn nhận với một quan điểm tiêu cực, họ có thể từ bỏ tên gọi cũ của mình để xây dựng lại một hình ảnh tích cực hơn. Áp lực xã hội chính là lý do các thương hiệu lớn như Total hay Philip Morris đổi tên. Ở trường hợp của Total, đổi tên thành TotalEnergies là một động thái cho thấy công ty này đang mở rộng các sản phẩm của mình từ xăng, dầu sang cả các mảng năng lượng mới như năng lượng tái tạo.

Đôi khi, lý do các công ty đổi tên dường như "nhẹ nhàng" hơn. GMAC (General Motors Acceptance Corporation) không còn muốn tên gọi của mình liên hệ với các khoản vau dưới chuyển và đợt cứu trợ nhiều tỷ USD từ chính phủ Mỹ. Việc đổi tên cũng là một cách cho thấy GMAC đã sẵn sàng để trở thành một "công ty sạch". GMAC chuyển đổi sang tên gọi Ally vào năm 2010.

Nhấn nút Khởi động lại

Tạm biệt Facebook: Đây là 5 lý do các thương hiệu lớn đổi tên - Ảnh 2.

(Ảnh: Visual Capitalist, Việt hoá: Thái Sơn).

Thương hiệu có thể trở nên "lỗi thời" trong quá trình phát triển vì scandal, suy giảm chất lượng hay vì nhiều lý do khác. Khi điều này xảy ra, việc đổi tên có thể là một cách để khách hàng dần quên đi những ấn tượng cũ.

Theo Visual Capitalist, các nhà cung cấp dịch vụ Internet và truyền hình xếp hạng rất thấp trong nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng trong vài năm trở lại đây, đó là lý do vì sao nhiều công ty như Comcast hay Time Warner Cable đổi tên.

Mở rộng dịch vụ, sản phẩm cung cấp

Tạm biệt Facebook: Đây là 5 lý do các thương hiệu lớn đổi tên - Ảnh 3.

(Ảnh: Visual Capitalist, Việt hoá: Thái Sơn).

Sau một giai đoạn phát triển và thay đổi, các công ty có thể nhận thấy tên gọi hiện tại của mình quá hạn chế hoặc không còn thể hiện chính xác những gì công ty mình đang cung cấp.

Cả Apple và Starbucks đều đã đơn giản hoá tên gọi của công ty của mình. Ví dụ, Apple đã bỏ từ "Computer" (máy tính) ra khỏi tên gọi của mình vì hiện nay Apple đang cung cấp đa dạng các thiết bị máy tính và cả các dịch vụ như Apple Music, Apple News hay Apple TV+.

Một trong những đợt thay đổi tên lớn của doanh nghiệp gần đây là Google đổi tên thành Alphabet. Đợt đổi tên cho thấy Google muốn mở rộng dịch vụ của mình ra bên ngoài tìm kiếm trên Internet và quảng cáo.

Thay đổi định hướng ban đầu

Tạm biệt Facebook: Đây là 5 lý do các thương hiệu lớn đổi tên - Ảnh 4.

(Ảnh: Visual Capitalist, Việt hoá: Thái Sơn).

Một lý do phổ biến khiến các thương hiệu đổi tên là thay đổi tên trong giai đoạn đầu của mình. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ra đời như một thử nghiệm và ở thời điểm đó, các nhà sáng lập chưa dành quá nhiều thời gian và công sức để nghĩ ra một tên gọi hấp dẫn. Đó là lý do vì sau khi sản phẩm phát triển và thị trường đón nhận, những tên gọi trong giai đoạn đầu thường được thay đổi.

Nhiều dịch vụ Internet nổi tiếng bạn đang sử dụng có một tên gọi rất khác trong quá khứ. Ví dụ, Google từng sử dụng tên gọi Backrub. Instagram bắt đầu với tên gọi Bourbn và Twitter có tên gọi đầu tiên là Twittr.

Vấn đề bản quyền

Tạm biệt Facebook: Đây là 5 lý do các thương hiệu lớn đổi tên - Ảnh 5.

(Ảnh: Visual Capitalist, Việt hoá: Thái Sơn).

Như nhắc đến phía trên, nhiều công ty bắt đầu như một thử nghiệm hoặc một dự án nhỏ. Vì vậy, việc nghĩ ra một tên gọi "chỉn chu" không nhất thiết là một ưu tiên. Kết quả là không ít công ty gặp phải vấn đề liên quan đến bản quyền.

Picaboo, tiền thân của Snapchat, từng bị yêu cầu đổi tên vào năm 2011 vì tên gọi Picaboo trước đó là tên gọi của một công ty chuyên sản xuất sách ảnh.

Vào năm 1994, World Wildlife Fund (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) và World Wrestling Federation (Hiệp hội Đấu vật Thế giới) đã từng đạt được một thoả thuận rằng World Wrestling Federation sẽ không dừng từ viết tắt (WWF) trên toàn thế giới, trừ trong các cụm từ như "WWF champion".

Cuối cùng, gần như cả hai bên đều không quan đến thoả thuận này. Vấn đề đạt đến đỉnh điểm khi cơ quan quản lý đấu vật đăng ký tên miền wwf.com. Cuối cùng, World Wrestling Federation đổi tên thành WWE (World Wrestling Entertainment) sau khi thua một vụ kiện.

Nam Khánh