Vì sao Facebook đổi tên công ty?
Facebook mới đây chính thức đổi tên thành Meta trong bối cảnh công ty này phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng và thắt chặt quản lý của các cơ quan điều hành, theo Financial Times.
Chia sẻ tại sự kiện Facebook Connect, hội thảo thường niên về thực tế ảo và thực tế mô phỏng thường niên của Facebook, Mark Zuckerberg, CEO Facebook, nói rằng Facebook "là một thương hiệu mạng xã hội biểu tượng nhưng thương hiệu này hiện đã không thể bao quát mọi thứ chúng tôi làm".
Ông nói thêm rằng "từ nay, chúng tôi sẽ là một công ty metaverse đầu tiên, chứ không phải Facebook đầu tiên". Metaverse là "không gian ảo" mà Facebook đang ấp ủ xây dựng. Mặc dù công ty đổi tên thành Meta, các nền tảng và thương hiệu độc lập đang tồn tại, bao gồm Facebook, WhatsApp, Messenger, Instagram và Oculus, sẽ không thay đổi.
Việc đổi tên sang Meta của Facebook rõ ràng thể hiện tham vọng của Facebook trong việc đầu tư vào mảng thực tế ảo và thực tế mô phỏng. Hiện tại, Facebook cùng Apple và Google đang cạnh tranh lẫn nhau để nỗ lực xây dựng nền tảng máy tính tiếp theo.
Hồi tháng 7, Mark Zuckerberg lần đầu chia sẻ tầm nhìn tương lai của mình trong việc xây dựng metaverse, "không gian ảo" có thể truy cập được thông qua nhiều thiết bị. Trong môi trường này, người dùng có thể mua sắm, chơi trò chơi và trao đổi trong một không gian ảo chung.
Theo Bloomberg, việc tập trung vào metaverse mang lại cho Facebook nhiều lợi thế. Một trong số đó là việc đi đầu ở một lĩnh vực mà nhiều hãng công nghệ tin là "cách tương tác trực tuyến tiếp theo" của người dùng.
Bên cạnh đó, metaverse cũng giúp Facebook giảm bớt sự phụ thuộc vào các hệ điều hành hay thiết bị của các đối thủ như Facebook và Google. Ban đầu, điện thoại thông minh có thể là cách truy cập metaverse phổ biến nhất. Tuy nhiên, trong dài hạn, thiết bị tối ưu sẽ là các thiết bị đeo thực tế ảo hay thực tế mô phỏng.
Dù vậy, việc biến Facebook thành một công ty metaverse sẽ là cuộc chơi rất dài hạn do liên quan đến thay đổi hành vi người dùng. Hiện tại, Facebook và các ứng dụng "anh em" của nó vẫn là một mảng kinh doanh khổng lồ khi mang về doanh thu trên 86 tỷ USD mỗi năm và phục vụ hơn 3,5 tỷ người trên toàn cầu.
Bên cạnh mục đích sản phẩm, việc đổi tên của Facebook cũng có thể có một lý do khác. Trong vài tuần gần đây, Facebook đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng hình ảnh lớn nhất trong lịch sử của mình. Các nhà làm luật và công chúng cũng chỉ trích Instagram về việc làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dùng trẻ. Bên cạnh đó, Facebook cũng đối mặt với những hoài nghi về vai trò của nó trong việc lan truyền thông tin sai lệch, độc lại.
Cuộc khủng hoảng leo lên đỉnh điểm khi bà Frances Haugen, một cựu nhân sự Facebook, tiết lộ nhiều tài liệu nội bộ cho thấy Facebook nắm rõ những tác động tiêu cực mà mình đang gây ra.
Vì lý do này, The New York Times nhận định việc Facebook đổi tên còn có thể mang ý nghĩa "ra dấu hiệu" cho thấy công ty đang thay đổi cấu trúc nội bộ. Bên cạnh đó, đây cũng có thể là cách để Facebook hạn chế những ảnh hưởng từ "danh tiếng xấu xí" của mình trong vài tuần trở lại đây.
"Dù Mark Zuckerberg đặt tên công ty là gì, nó vẫn là "công ty Zuckerberg" cho tới khi ông từ bổ một phần quyền lực và sử dụng cấu trúc quản lý doanh nghiệp theo chức năng", bà Jennifer Grygiel, giáo sư kiêm nhà nghiên cứu mạng xã hội tại Đại học Syracuse, chia sẻ.
Trong suốt nhiều tháng, Facebook đã công bố nhiều thông tin liên quan đến metaverse và có nhiều động thái liên quan đến nói. Năm ngoái, hãng này ra mắt thiết bị đeo thực tế ảo mới nhất mang tên Oculus Quest 2.
Đến tháng 8 năm nay, Facebook giới thiệu dịch vụ thực tế ảo Horizon Workrooms cho phép người dùng họp ảo thông qua kính thực tế ảo. Với dịch vụ này, người dùng sẽ có trải nghiệm giống như họp trực tiếp.
Một tháng sau đó, Facebook giới thiệu một dòng kính thông minh có thể quay video hợp tác cùng Ray-Ban. Tất cả các sản phẩm này đều nằm trong hệ sinh thái metaverse.
Ông Andrew Bosworth, giám đốc công nghệ Facebook, thừa nhận metaverse cần những đột phá lớn về công nghệ để có thể được hiện thực hoá. Facebook hiện đang phát triển các thiết bị phần cứng về thực tế ảo, thực tế mô phỏng để có thể cho ra thị trường các thiết bị nhỏ, rẻ hơn và mang lại trải nghiệm hoàn thiện hơn.
Về phần mình, Mark Zuckerberg nói việc tạo ra metaverse cần sự tham gia của nhiều công ty công nghệ, các nguyên tắc quản trị mới và nhiều yếu tố khác khó có được trong ngắn hạn. Dù vậy, ông cho rằng một số lĩnh vực mà metaverse có thể ứng dụng như game, thể dục thể thao và làm việc.
Thành bại của metaverse cũng phụ thuộc vào thu hút các bên thứ ba phát triển ứng dụng và chương trình cho metaverse. "Chúng tôi kiên định với metaverse. Đây là chương tiếp theo trong hành trình của chúng tôi", người đứng đầu Facebook nhấn mạnh.