|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các kho tổng như Củ Chi SOC của Shopee vận hành phức tạp, đầy rủi ro nhưng tại sao các ông lớn TMĐT Amazon, Coupang,... vẫn phải bỏ tiền duy trì?

07:37 | 29/10/2021
Chia sẻ
Nhiều khách hàng phản ánh rằng đơn hàng bị tắc nghẽn dài ngày tại kho Củ Chi SOC của Shopee. Điều này đặt ra câu hỏi liệu các kho hoàn tất đơn hàng như thế này có hiệu quả hay không mà Shopee hay những ông lớn như Amazon và Coupang vẫn duy trì chúng.

Đơn hàng giao chậm tại kho Củ Chi SOC của Shopee

Theo ghi nhận của người viết, từ khoảng tháng 5 năm nay, khá nhiều đơn hàng tập trung về kho Củ Chi SOC của Shopee bị giao chậm. Độ trễ kéo dài từ vài ngày cho đến hơn nửa tháng.

Các đơn hàng được vận chuyển bởi Shopee Epxress - dịch vụ logistics "cây nhà lá vườn" của Shopee, và một số đơn vị khác. Trên các diễn đàn mua hàng Shopee, người dùng liên tục phản ánh về tình trạng chậm trễ giao hàng nêu trên.

Thậm chí, có một số khách hàng cho biết xu hướng này thực chất đã chớm xuất hiện từ khoảng đầu quý II năm nay, tức trước khi làn sóng COVID mới bùng phát tại TP HCM và các tỉnh phía nam.

Đơn cử như trường hợp của tài khoản so2huyen*****, shipper đã đến nhà cung ứng để nhận hàng từ ngày 10/6 và mất 5 ngày để chuyển gói hàng đến kho Củ Chi SOC. Tuy nhiên, sau rất nhiều ngày chờ đợi, đơn hàng đã quá hạn giao vẫn kẹt lại Củ Chi SOC.

Một vị khách khác có địa chỉ tại Đà Nẵng cũng bày tỏ thái độ tức giận trong một nhóm Facebook vì đơn hàng bị kẹt tại kho Củ Chi SOC trong hơn 10 ngày và chưa biết khi nào đơn được giao đi.

Phản hồi các bình luận này, một số chủ shop cho hay nhiều đơn hàng đã bị "ngâm" tại kho ban đầu và tiếp tục bị kẹt tại kho Củ Chi SOC là điểm tập kết hàng cuối cùng trước khi đến tay khách hàng.

Các kho hoàn tất đơn hàng như Củ Chi SOC của Shopee đầy rủi ro nhưng tại sao các ông lớn như Amazon vẫn duy trì chúng?  - Ảnh 1.

Bình luận của một tài khoản trên diễn đàn VOZ. (Ảnh: Chụp màn hình).

Cũng theo quan sát của người viết, một số khách hàng của Shopee còn bày tỏ mong muốn chuyển sang mua hàng ở các trang thương mại đối thủ vì tốc độ giao hàng tại các sàn thương mại điện tử này vẫn tương đối trơn tru.

Tháng 9 năm ngoái, Shopee đã triển khai kho Củ Chi SOC, kho hàng lớn thứ ba của sàn này tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP HCM). Theo tờ Thanh niên, kho Củ Chi SOC có diện tích lớn nhất so với hai kho trước đó ở TP HCM và Hà Nội.

Tại thời điểm đó, ông Đinh Liêm Khiết, Giám đốc kho vận của Shopee từng chia sẻ: "Nếu không tính toán sâu sát và tổ chức kỹ lưỡng từ khâu đầu vào đến đầu ra, thời gian giao hàng cho khách rất dễ bị kéo dài".

Qua hàng loạt phản ánh từ khách hàng của Shopee, tình trạng tồn đọng đơn hàng tại kho Củ Chi SOC đặt ra một câu hỏi mới về hiệu quả của các kho hoàn tất đơn hàng như thế này.

Các kho "hoàn tất đơn hàng" tương tự tại Amazon, Coupang

Trên thế giới, các ông lớn thương mại điện tử như Amazon hay Coupang – công ty được mệnh danh là "Amazon của Hàn Quốc" cũng áp dụng mô hình kho hoàn tất đơn đơn hàng tương tự Củ Chi SOC của Shopee tại Việt Nam.

Rõ ràng, khi người tiêu dùng mua hàng từ các sàn thương mại điện tử, ai cũng mong muốn gói hàng nhanh chóng được giao đến nhà. Cũng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của khách hàng, các sàn thương mại điện tử đã triển khai kho hoàn tất đơn hàng và ngày càng mở rộng hệ thống kho.

Các kho hoàn tất đơn hàng như Củ Chi SOC của Shopee đầy rủi ro nhưng tại sao các ông lớn như Amazon vẫn duy trì chúng?  - Ảnh 3.

Kho Củ Chi SOC của Shopee. (Ảnh: Thanh niên).

Theo trang aboutamazon, gã khổng lồ ngành thương mại điện tử của tỷ phú Jeff Bezos hiện vận hành hơn 175 kho "hoàn tất đơn hàng" trên toàn thế giới, tổng diện tích gần 1.400 ha. Phần lớn các kho tập trung tại Bắc Mỹ và châu Âu.

Đầu năm nay, sau khi xác nhận mục tiêu IPO tại Mỹ, Coupang cho biết họ sẽ nâng cấp dịch vụ để vận chuyển hàng hóa đến cho khách hàng trong cùng một ngày. Trong một báo cáo, Coupang chia sẻ sàn này đang vận hành khoảng 10 kho hoàn tất đơn hàng và có kế hoạch xây dựng thêm 7 kho mới.

Các kho hoàn tất đơn hàng thường được tổ chức theo quy mô phức tạp và vận hành với tốc độ cao. Ngoài tìm đúng sản phẩm, các kho này có thể thực hiện thêm các chức năng khác như lắp ráp, kết hợp đơn hàng, đóng gói, dán nhãn và chuyển cho đơn vị vận chuyển, theo Trường Hàng không và Logistics Việt Nam (VILAS).

Dù vậy, mô hình này vẫn đối mặt với không ít thách thức về thời gian giao hàng, giới hạn địa điểm kho hàng, hệ thống phần mềm quản lý hàng hóa, trục trặc khi xoay vòng tồn kho… Khi hoạt động kinh doanh càng phát triển, rủi ro đối với các sàn thương mại điện tử càng lớn vì kiểm soát mọi khâu tại kho hoàn tất đơn hàng sẽ khó khăn hơn.

Chưa kể, việc sử dụng các đơn vị giao hàng "nhà trồng" như Shopee Express của Shopee cũng có thể gây ảnh hưởng, vì số lượng đơn hàng giao cho các đơn vị này có nguy cơ bị quá tải, dẫn đến giao hàng trễ, hư hỏng hàng,...

Sự cần thiết của kho hoàn tất đơn hàng

Tuy nhiên, các sàn thương mại điện tử lớn vẫn sử dụng kho hoàn tất đơn hàng vì nhiều lợi ích khác nhau, đơn cử như tăng mức độ tiếp cận khách hàng, hạ chi phí vận chuyển, chia đều rủi ro trong trường hợp khẩn cấp và nâng cao nhận diện thương hiệu.

Năm ngoái, ước tính có hơn 2 tỷ khách hàng mua sắm trực tuyến trên toàn cầu, tương đương gần 25% dân số thế giới. Với các kho hàng rải rác tại nhiều địa điểm, sàn thương mại điện tử có thể tiếp cận thêm một lượng khách hàng mới.

Các kho hoàn tất đơn hàng như Củ Chi SOC của Shopee đầy rủi ro nhưng tại sao các ông lớn như Amazon vẫn duy trì chúng?  - Ảnh 4.

Một kho hoàn tất đơn hàng của Amazon tại Italy. (Ảnh: Getty Images).

Yếu tố quan trọng hơn hết để một công ty thương mại điện tử triển khai kho hoàn tất đơn hàng là để giảm chi phí vận chuyển hàng. Các doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử có thể hạ phí ship nếu gom nhiều đơn hàng để vận chuyển cùng lúc và phí ship rẻ hơn cũng là động lực để người tiêu dùng tìm đến một sàn thương mại điện tử nhất định.

Việc chia hàng tồn kho ra nhiều kho hoàn tất đơn hàng còn giúp chia sẻ rủi ro cho sàn thương mại điện tử trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như thiên tai, cháy nổ,…từ đó giảm nguy cơ giao hàng chậm trễ.

Giữa tháng 6 năm nay, một ngọn lửa đã bùng lên tại nhà kho của Coupang ở thành phố Incheon, cách thủ đô Seoul khoảng 80 km về phía nam, khiến toàn bộ hàng hóa bị cháy rụi và một lính cứu hỏa thiệt mạng, Nikkei Asia đưa tin.

Đáng chú ý là sau vụ việc, Coupang không chỉ bị thiệt hại về hàng hóa mà còn phải đối mặt với làn sóng tẩy chay nghiêm trọng khi công chúng Hàn Quốc cho rằng ông lớn thương mại điện tử này tìm cách tránh né trách nhiệm trong vụ cháy.

Với những lợi ích như trên, nhiều khả năng là trong tương lai, các sàn thương mại điện tử sẽ tiếp tục áp dụng mô hình kho hoàn tất đơn hàng để mở rộng quy mô. Song, họ chắc chắn phải lưu ý cải thiện logistics và tốc độ giao hàng để không gặp phải tình huống của Shopee ở Việt Nam.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.