|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Con số bí ẩn làm đảo ngược hoàn toàn cán cân thương mại Mỹ - Trung

11:13 | 09/06/2019
Chia sẻ
Các thống kê thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thường thấy đã bỏ qua một con số quan trọng lên tới hàng trăm tỉ USD, có khả năng thay đổi cục diện thương mại giữa hai siêu cường kinh tế.

Mỗi lần nói đến quan hệ thương mại Mỹ và Trung Quốc, những con số được nhắc đến nhiều nhất là giá trị xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại giữa hai nước.

Từ hàng chục năm qua, nước Mỹ luôn có thâm hụt thương mại với Trung Quốc, con số cụ thể phụ thuộc vào nguồn số liệu từ nước nào.

Chẳng hạn phía Mỹ cho rằng năm 2018, Mỹ thâm hụt 420 tỉ USD với Trung Quốc. Trong khi đó số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho rằng nước này chỉ có thặng dư 323 tỉ USD với Mỹ.

Đầu tháng 6 này, Bộ Thương mại Trung Quốc lại công bố một báo cáo cho thấy chênh lệch thương mại Mỹ - Trung – sau khi điều chỉnh một số yếu tố - chỉ là 153 tỉ USD, bằng hơn 1/3 con số mà Mỹ tính toán.

Bộ Thương mại Trung Quốc còn khẳng định, mặc dù con số thâm hụt hay thặng dư là khá lớn nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều được hưởng lợi trong mối quan hệ này, "nếu không thì sự hợp tác về kinh tế và thương mại giữa hai nước chẳng thể kéo dài tới tận ngày nay".

Con số bí ẩn làm đảo ngược hoàn toàn cán cân thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Số liệu cán cân thương mại của Mỹ và Trung Quốc có sự chênh lệch lớn. Nguồn: Cục thống kê dân số Mỹ, Tổng cục hải quan Trung Quốc.

Tuy nhiên, tất cả những con số trên mới chỉ thể hiện được một phần quan hệ thương mại giữa hai nước. Phần còn lại – câu chuyện chưa kể, con số không được nhắc tới - có thể làm thay đổi quan điểm của nhiều người về mối quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế thế giới.

Con số đó chính là Doanh thu của các công ty Mỹ ở nước ngoài, nằm sâu trong hàng núi số liệu do chính phủ Mỹ công bố.

345 tỉ USD bị bỏ quên

Năm 2016 – năm gần đây nhất mà chính phủ Mỹ công bố báo cáo, các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ thuê 14,3 triệu lao động ở nước ngoài, chiếm 33,7% tổng số lao động của các tập đoàn này. Tổng doanh thu của các tập đoàn Mỹ tại nước ngoài là 5.781 tỉ USD.

Riêng tại Trung Quốc, các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ thuê 1,75 triệu lao động, và đạt tổng doanh thu 345,3 tỉ USD. 

Nói cách khác, các doanh nghiệp Mỹ sản xuất và bán khối hàng hóa dịch vụ trị giá 345,3 tỉ USD tại Trung Quốc. Đây là doanh thu của các công ty kiểu như Starbuck, General Motors, McDonald's ... do đã thành lập chi nhánh và công ty con tại Trung Quốc để bán hàng hóa, dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng.

Năm 2016:

Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc của doanh nghiệp Mỹ: 116 tỉ USD

Doanh thu của doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc: 345 tỉ USD

Cùng năm này, các tập đoàn Trung Quốc hoạt động tại Mỹ chỉ thuê mướn 598.000 lao động và đạt tổng doanh thu 34,5 tỉ USD.

Như vậy, năm 2016, các công ty Mỹ tại Trung Quốc đạt doanh thu lớn hơn các công ty Trung Quốc tại Mỹ khoảng 310 tỉ USD. 

Điều đáng nói là những con số này không được tính đến trong các báo cáo về xuất nhập khẩu hay cán cân thương mại của Mỹ. Tổng thống Donald Trump cũng chưa một lần nhắc tới số liệu này trong các lập luận ủng hộ đánh thuế Trung Quốc của mình.

Con số bí ẩn làm đảo ngược hoàn toàn cán cân thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 3.

Các quốc gia nơi doanh nghiệp Mỹ hoạt động và đạt doanh thu trên 300 tỉ USD trong năm 2016. Số liệu: Bộ Thương mại Mỹ.

Những con số 345 tỉ USD và 310 tỉ USD lớn cỡ nào?

Theo số liệu chính thức do Mỹ công bố, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc năm 2016 là 347 tỉ USD. Còn theo số liệu chính thức do Trung Quốc công bố, thâm hụt thương mại của Trung Quốc với Mỹ năm 2016 là 256 tỉ USD.

Nếu tính cả chênh lệch doanh thu 310 tỉ USD nói trên thì Mỹ chỉ thâm hụt thương mại rất thấp với Trung Quốc hoặc thậm chí là còn có thặng dư.

345 tỉ USD doanh thu của công ty Mỹ tại Trung Quốc còn lớn gấp nhiều lần tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, vốn chưa năm nào quá 130 tỉ USD.

Con số bí ẩn làm đảo ngược hoàn toàn cán cân thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 4.

Giá trị xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chưa năm nào vượt quá 130 tỉ USD. Số liệu: Cục thống kê dân số Mỹ.

Một chuyên gia của ngân hàng Bank of America trao đổi với hãng tin CNBC ước tính doanh thu của tập đoàn Mỹ hoạt động tại Trung Quốc năm 2018 có thể đạt 380 tỉ USD.

Tác động không ngờ tới của cuộc chiến thương mại

Có nhiều lí do khiến một tập đoàn đa quốc gia muốn thành lập chi nhánh, công ty con ở nước ngoài thay vì chỉ xuất khẩu đơn thuần.

Thứ nhất, thành lập công ty con ở nước ngoài giúp thu hẹp khoảng cách với người tiêu dùng, nhanh chóng nắm bắt xu thế thị trường và rút ngắn chuỗi cung ứng.

Thứ hai, nếu nước ngoài có chi phí nhân công và nguyên vật liệu thấp hơn nước quê nhà (như trường hợp Trung Quốc và Mỹ), doanh nghiệp còn có thể giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thứ ba, thành lập doanh nghiệp tại nước ngoài giúp hạn chế rủi ro biến động tỷ giá tiền tệ, tránh thay đổi trong chính sách thuế quan giữa hai nước.

Trớ trêu thay, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại khiến cho Trung Quốc đánh thuế trả đũa lại khiến cho các doanh nghiệp nội địa Mỹ thiệt hại. 

Trong khi đó các doanh nghiệp Mỹ hoạt động Trung Quốc và bán hàng cho người tiêu dùng Trung Quốc lại không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan này. 

Nói cách khác, cuộc chiến thuế quan hiện nay có thể khuyến khích doanh nghiệp Mỹ thành lập công ty con tại Trung Quốc để sản xuất và tiêu thụ tại đây thay vì sản xuất tại Mỹ rồi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Khi một doanh nghiệp Mỹ - đặc biệt là một tập đoàn lớn - ra nước ngoài làm ăn, thường sẽ có nhiều doanh nghiệp khác tiếp bước theo sau, chẳng hạn như những hãng luật, những công ty cung cấp dịch vụ thuế, kế toán, ... Lâu dần tại nước đó hình thành một "hệ sinh thái" các doanh nghiệp Mỹ hoạt động bổ trợ cho nhau, dựa vào nhau mà sống.

Song Ngọc