Còn nhiều khó khăn trong tích tụ ruộng đất nông nghiệp
Tích tụ ruộng đất để nâng chuỗi giá trị nông lâm thủy sản |
Ruộng đất manh mún
Theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, đại diện đến từ Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn, thực trạng đất nông nghiệp Việt Nam rất manh mún và nhỏ lẻ, trung bình chỉ gần 0,07 ha/người, thấp hơn nhiều so với con số này là 0,27 ha/người ở Thái Lan. Thông tin này được chia sẻ tại Hội thảo Tham vấn các rào cản trong phát triển thị trường đất nông nghiệp Việt Nam.
Hội thảo Tham vấn các rào cản trong phát triển thị trường đất nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đức Quỳnh |
Đồng thời, đất nông nghiệp Việt Nam phân tán nhiều mảnh.
“Mặc dù Việt Nam đã thực hiện tích tụ ruộng đất nhiều năm qua nhưng quá trình này diễn ra rất chậm. Hiện nay có tới hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp có diện tích dưới 0,5ha. Trong khi đó tại Thái Lan, 1,4 triệu mảnh ruộng quy mô trên 22 ha. Tại Trung Quốc, 8,82% diện tích có quy mô trên 3 ha/mảnh, 0,1% diện tích có quy mô 70 ha/mảnh”, bà Nhàn chia sẻ.
Ông Ngô Mạnh Ngọc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao tỉnh Hà Nam cho biết tại địa bàn tỉnh vẫn còn xuất hiện tình trạng một số đối tượng tích tụ ruộng đất nhằm mục đích đầu cơ. Trong khi đó, một số hộ muốn phát triển nông nghiệp lại không có đất.
Ông Ngô Mạnh Ngọc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao tỉnh Hà Nam. Ảnh: Đức Quỳnh |
Ông Ngọc cho biết thêm năm 2001, tỉnh đã chỉ đạo dồn điền, đổi thửa để khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất nhưng kết quả đạt được chưa theo mong muốn. Sau khi dồn đổi, trung bình mỗi hội 3,6 - 4,7 thửa. Đến năm 2013, cơ bản các địa phương đã thực hiện xong dồn đổi ruộng đất, bình quân mỗi hộ còn 1,2 - 1,7 thửa/hộ.
Ông Võ Văn Minh, Phó Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, cho hay đất nông nghiệp ở địa bàn tỉnh cũng khá manh mún. Số liệu thống kê đất đai năm 2018 cho thấy diện tích đất nông nghiệp 8.000 mét vuông/hộ. Số hộ sử dụng đất dưới 3 ha chiếm 95%. Số hộ có từ 30 ha trở lên chỉ chiếm 0,01%.
Ông Minh cho biết, trong gần 10 năm, tỉ lệ tăng trong tích tụ ruộng đất còn rất thấp, việc tích tụ có tác động bởi yếu tố sản xuất, và thị trường là chính, chưa có các chính sách đặc thù tác động trực tiếp lên quá trình tích tụ đất đai. Luật Đất đai sửa hạn mức nhượng quyền lên 10 lần (30 ha) nhưng thực tế mức tích tụ trên 30 ha chiếm con số quá nhỏ.
Người dân có ít đất, sản xuất không hiệu quả nhưng không muốn chuyển nhượng hẳn quyền sử dụng do chưa ổn định trong chuyển đổi nghề, nông nghiệp vẫn là nguồn sống tối thiểu cho người già.
Chính quyền đứng ra thuê đất của nông dân
Ông Ngô Mạnh Ngọc cho hay, kinh nghiệm của tỉnh Hà Nam là chính quyền cấp huyện, cấp xã đứng ra thuê đất của dân (20 năm), sau đó cấp tỉnh kí hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại đúng thời gian thuê đất và giá thuê đất của dân. Nông dân vẫn vẫn giữ giấy quyền sử dụng đất. Sau đó, tỉnh đứng ra cho doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất. Mọi vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng, tỉnh đứng ra giải quyết và đảm bảo các điều kiện hợp đồng.
Ngân sách tỉnh ứng ra để trả tiền thuê đất cho các hộ dân trong thời gian thuê đất 20 năm, sau đó doanh nghiệp trả tiền thuê đất 10 năm đầu ngay sau khi kí hợp đồng, sau 10 năm nộp trả tiền thuê đất còn lại.
Ông Ngọc cho hay hiện nay có khoảng 210 ha đất nông nghiệp được cho thuê theo mô hình này với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như VinEco, Vinaseed…Trong đó, khu Xuân Khê - Nhân Bình chiếm 180 ha, khu Nhân Khang là 21,6ha, khu Phủ Lý là 22,5 ha. Khi doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp cao đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thu hút các hộ tập trung đất đai để sản xuất nông sản sạch, làm vệ tinh liên kết với các doanh nghiệp.