|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tích tụ ruộng đất không được làm nghèo hóa người dân

15:38 | 14/04/2017
Chia sẻ
Tại Hội nghị giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp sáng nay (14/4), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc tích tụ đất nông nghiệp phải trên cơ sở không làm nghèo hóa người dân, không được làm người dân mất việc.
tich tu ruong dat khong duoc lam ngheo hoa nguoi dan
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Quy mô đất nông nghiệp hộ gia đình Việt Nam rất thấp

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mô hình kinh tế hộ gia đình với việc quản lý sử dụng đất nhỏ, lẻ, manh mún khó phù hợp với điều kiện phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn, năng suất cao, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Do đó, yêu cầu tập trung, tích tụ ruộng đất để đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ, chuyên canh, hiện đại hóa, công nghiệp hóa khu vực nông nghiệp là yêu cầu cấp bách. Hiện nay đã có nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai bước đầu có hiệu quả.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, quy mô diện tích đất bình quân của hộ nông nghiệp của Việt Nam rất thấp, chỉ vào khoảng 0,46 ha và trung bình được chia thành 2,83 mảnh. Quy mô này thấp hơn Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác ở châu Á. Thực tế cho thấy quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm. Đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, qua ba năm thực hiện, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cản trở quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Ví dụ như quy định hạn mức giao đất (không quá 3ha đất trồng cây hàng năm ở Đông Nam bộ, ĐBSCL, không quá 2ha ở các tỉnh còn lại)...chưa khuyến khích được tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Việc chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp còn bị hạn chế. Việc tiếp cận đất nông nghiệp của các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Đất đai. Cụ thể xem xét nới lỏng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, bổ sung thêm loại đất phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong phân loại đất nông nghiệp. Bỏ quy định giới hạn việc chỉ được phép chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng phường, xã, thị trấn. Quy định rõ ràng về 2 trường hợp góp vốn chuyển quyền sử dụng đất và góp vốn không chuyển quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai 2013.

Hai quan điểm về hạn điền

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, vẫn còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

Ý kiến thứ nhất cho rằng việc mở rộng hơn hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân so với quy định hiện hành của pháp luật, tuy nhiên chưa nên bỏ quy định hạn mức nhận này.

Trong khi đó, ý kiến thứ 2 cho rằng, không quy định hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (bao gồm cả hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và không trực tiếp sản xuất nông nghiệp).

Cùng với việc bỏ quy định này thì phải ban hành đồng bộ chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp để kiểm soát tình trạng đầu cơ, tình trạng bao chiếm đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nếu thực hiện bỏ hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các tác động của chính sách này về khía cạnh xã hội. Đặc biệt là vấn đề bảo vệ lợi ích của người nông dân.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh vấn đề hạn điền, nhiều giải pháp khác để tích tụ, tập trung đất đai khác đang được triển khai như nghiên cứu, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của từng mô hình tích tụ, tập trung đất đai đã có hiện nay để có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển cho phù hợp (hiện nay có 4 mô hình ở các địa phương).

Ngoài ra, hoàn thiện cơ chế hoạt động cho thị trường quyền sử dụng đất như là minh bạch và hiện đại hóa thông tin thị trường, nghiên cứu để sớm ban hành chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần nghiên cứu thiết lập cơ chế tạo quỹ đất để phục vụ cho phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Trước mắt, nghiên cứu xây dựng ngân hàng đất đai trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm phát triển quỹ đất đã được thành lập tại các địa phương có thể thành đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia khác để hình thành Ngân hàng đất đai.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần phân tích kỹ tác động của việc tập trung, tích tục đất đai đến xã hội, nông nghiệp, môi trường trong đó phân tích thật kỹ việc tích tụ đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân. Ở đây phải làm sao đảm bảo lợi ích nhà nước, các chủ thể tham gia phát triển, đặc biệt là lợi ích của người dân, tích tụ ruộng đất không làm nghèo hóa người dân, không làm dân mất việc làm, đời sống khó khăn hơn.

Nguyễn Hoài