|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tích tụ ruộng đất phải theo quy luật thị trường

08:20 | 30/05/2017
Chia sẻ
Không nên cản trở tích tụ ruộng đất vì nó đang diễn ra tự nhiên.

Tích tụ ruộng đất nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là một hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, tích tụ đất đai phải đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia, đặc biệt là lợi ích của người dân và không làm nghèo hóa người dân.

Đó là quan điểm của nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia tại hội thảo “Tích tụ ruộng đất: Được và mất?” do Tổng hội NN&PTNT Việt Nam phối hợp với tạp chí Nông Thôn Việt tổ chức ngày 29-5 ở TP.HCM.

Thu nhập tăng lên

Chia sẻ tại hội thảo, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, nhận định tích tụ ruộng đất là yếu tố cần thiết để DN làm nông nghiệp có thể tổ chức được sản xuất quy mô lớn, giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng được thương hiệu, tính toán được thị trường.

Ông Thòn nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi là đẩy mạnh tích tụ ruộng đất nhưng hãy để cho thị trường điều tiết. Thực tế cho thấy không đẩy mạnh tích tụ ruộng đất thì nông nghiệp khó mà phát triển được, nên chúng ta phải chấp nhận một sự mất mát nào đó. Tuy nhiên, Nhà nước phải có chính sách cụ thể, hiệu quả và hợp lý. Ví dụ nếu người dân không còn mảnh đất để đi về thì trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng cho người dân cuộc sống tốt hơn”.

Đồng tình, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho rằng: “Không nên cản trở tích tụ ruộng đất vì nó đang diễn ra tự nhiên. Song nếu có chính sách giao đất, gia tăng lợi ích thì nên giao cho những người canh tác chứ không phải giao cho những đối tượng lợi dụng gom đất nhằm mục đích đầu cơ, trục lợi. Đặc biệt, cần quản lý chặt quy hoạch để không bị lợi dụng gây thiệt hại cho nông dân” - ông Huy nói.

tich tu ruong dat phai theo quy luat thi truong 22588
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An, cho biết phải nhờ người thân đứng tên mới có diện tích đất làm nông nghiệp quy mô lớn. Trong ảnh: Trang trại trồng chuối xuất khẩu sang Nhật Bản của ông Huy ở Long An. (Nguồn: Pháp luật TPHCM)

Chủ tịch HĐQT Minh Hưng Group Lâm Đạo Hưng kể đơn vị ông đã mua đất của nông dân để làm nhà máy, qua đó giúp bà con có việc làm với thu nhập cao hơn trồng lúa. Cụ thể, trước đây thu nhập của bà con chỉ 2-3 triệu đồng/tháng, nay nông dân làm ở DN của ông có mức lương 6-10 triệu đồng/tháng.

Từ kinh nghiệm của đơn vị mình, ông Hưng cho rằng cần bỏ hạn điền, tạo điều kiện cho DN tích tụ ruộng đất theo quy luật thị trường. Bởi ở các nước trên thế giới, một DN sở hữu hàng chục ngàn hecta đất là chuyện rất bình thường. Vấn đề quan trọng là Nhà nước có cơ chế quản lý, giúp DN làm ăn đàng hoàng.

Không cưỡng ép

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh tích tụ hay tập trung đất đai cuối cùng là nhằm bảo đảm quyền tự do tài sản. Chỉ có quyền tự do tài sản thì DN mới mạnh dạn đầu tư, bởi nếu mua mà không có lợi họ sẽ không mua. Đó là triết lý cơ bản.

Do vậy hãy để quyền sở hữu ruộng đất được chuyển nhượng theo đúng quy định, theo giá đất của thị trường quyết định. Không nên áp đặt bằng chính sách, quy định mà Nhà nước chỉ đứng ra bảo vệ quyền tự do sở hữu tài sản.

Tuy vậy, TS Dũng lưu ý nếu bằng cách nào đó, một số người tìm cách thâu tóm đất, như vậy nông dân không còn đất để canh tác. Khi nông dân không có đất, không chỗ bám víu thì hệ quả của nó về an ninh kinh tế, chính trị là rất lớn.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, đề xuất một số giải pháp cho bài toán đất đai hiện nay. Thứ nhất là chấp nhận một bộ phận nông dân sẽ bị mất đất và bộ phận đó sẽ được bổ sung vào thị trường lao động. Một bộ phận thoát ly để trở thành người làm thuê là điều khó tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là làm sao để bộ phận này rời đất một cách chủ động chứ không bị cưỡng ép.

Thứ hai, tất cả động thái tích tụ và tập trung đều nên thực hiện bằng chính sách phù hợp.

Thứ ba là về mặt chính sách, nếu khuyến khích thì khuyến khích tập trung đất, còn nên để tích tụ đất tự nhiên và tách biệt với tập trung. “Tôi xin lấy ví dụ các trang trại Bắc Âu có 70% diện tích là thuê của nông dân, DN chỉ sở hữu khoảng 30%. Nếu thực hiện theo cách này sẽ khuyến khích nông dân chấp nhận làm thuê trên mảnh đất của mình. Bởi lẽ họ sẽ có thu nhập, về già họ sẽ còn lấy được tiền bảo hiểm và tiền thuê đất để trang trải cuộc sống” - ông Lịch dẫn chứng.

Cuối cùng, theo ông Lịch, vai trò quan trọng nhất của Nhà nước là tổ chức hệ thống phân phối để làm sao giảm chi phí sản xuất, tính đầu ra cho hàng nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nhận định chắc chắn không cách nào nông nghiệp phát triển được nếu không đẩy mạnh tích tụ ruộng đất. Ông Trung lưu ý: “Cái mất nếu tích tụ đất là một bộ phận nông dân mất đất, thiếu việc làm. Khả năng rất có thể xảy ra là có một bộ phận nhỏ DN lợi dụng chủ trương tích tụ để đầu cơ không chính đáng, gắn với cán bộ chính quyền xin dự án, từ đất nông nghiệp sang đất thương mại, làm nông nghiệp nửa chừng, thua lỗ thì điều chỉnh quy hoạch chuyển sang phân lô bán đất nền. Nhà nước cần quản lý chặt chẽ để không xảy ra tình trạng này”.

Không gian sinh tồn cho nông dân

Sở dĩ các chính sách tích tụ, tập trung đất đai đôi khi còn chưa được người dân ủng hộ là bởi nó xâm phạm đến không gian sinh tồn của họ. Tôi cho rằng đất đai gồm có hai yếu tố quan trọng, thứ nhất là yếu tố kinh tế và thứ hai là yếu tố xã hội - chính là không gian môi trường sinh sống. Chúng ta không thể lấy hiệu quả sử dụng đất để đánh giá giá trị của mảnh đất, vì mỗi góc nhìn sẽ đánh giá giá trị sử dụng của mảnh đất khác nhau. Ví dụ người làm nông nghiệp sẽ đánh giá khác với người làm công nghiệp, càng khác với người coi mảnh đất là nơi sinh sống của cả gia đình.

Do đó chính sách ruộng đất phải gắn với chính sách xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nghề... Nếu không làm như vậy sẽ gặp phải sự chống đối.

Ông PHAN CHÁNH DƯỠNG, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Mở rộng hạn điền

Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong quý III năm nay, các bộ phải trình đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền.

Quang Huy