|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Thiệt hại trăm tỷ USD mỗi năm do đất nông nghiệp bị định giá thấp'

16:02 | 28/03/2017
Chia sẻ
Đất nông nghiệp đang được định giá bằng 1/10 giá thị trường, được UBND các tỉnh quyết định bằng mệnh lệnh. Điều này khiến nông dân không thể mang đất đi thế chấp vay vốn, thị trường vốn cũng thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
thiet hai tram ty usd moi nam do dat nong nghiep bi dinh gia thap
Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017. (Ảnh: T.Hoàng).

'Đất nông nghiệp chỉ là Nhà nước cho nông dân mượn'

Đây là phát biểu của TS Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017 được tổ chức sáng nay (28/3) tại Hà Nội.

Thể chế về đất đai nông nghiệp của Việt Nam đang cản trở chính quá trình sản xuất của nông dân và nền nông nghiệp. Theo phân tích của TS Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp, 1 ha lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có giá trị thực từ 1 - 2 tỷ đồng, nhưng khi định giá tín dụng, người nông dân chỉ có thể thế chấp vay được 200 – 300 triệu. Bởi giá đất nông nghiệp đang được quy định hành chính từ UBND tỉnh, chỉ bằng 1/10 giá trị thực tế.

Với cách định giá như vậy, đất nông nghiệp không vốn hóa được, không trở thành tài sản có giá trị đối với người nông dân. Theo ông Thịnh, thị trường vốn cũng có thể mất đi hàng trăm tỷ USD mỗi năm, trong khi đây đất đai là tài sản hết sức quan trọng không chỉ riêng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khi đó, theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR việc hỗ trợ tín dụng cho người nông dân cũng bị ảnh hưởng. Tiếp cận tín dụng nông nghiệp hoàn toàn khác với các ngành khác như bất động sản công nghiệp, sản xuất chế biến vì các đơn vị đều có nhà xưởng để thế chấp.

Kể cả khi có gói 100.000 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp, việc tiếp cận các khoản vay dành cho các hộ nhỏ lẽ cũng gặp khó khăn bởi vướng thế chấp. Nếu không có các công cụ tài chính mới rất dễ chỉ các đại doanh nghiệp, cơ sở chế biến nhận tiếp cận được với nguồn vốn này. TS Thành cho rằng lúc này cần vai trò của hội trong việc chứng thực các khoản vay cùng giúp nhau đảm bảo khoản tín dụng. Đây là việc cần khai thác để các khoản vay đến được tay người nông dân và người nông dân khai thác được.

Đồng tình, TS Đặng Quang Vinh, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định cản trở lớn đối với nông nghiệp là quyền tài sản đất đai vẫn còn hạn chế. Việt Nam không coi đất nông nghiệp là tài sản, đất nông nghiệp chỉ là đất nhà nước cho người nông dân mượn để làm ăn. "Hạn điền không phải vấn đề quan trọng nhất, hiện nay, rất nhiều hộ nông dân đã đạt tới giá trị của hạn điền với hàng ngàn ha sản xuất tuy nhiên sản xuất vẫn gặp khó khăn khi người dân không có quyền tự quyết với đất đai", TS Vinh chia sẻ.

Tích tụ không cần quá vội

Tích tụ ruộng đất là quá trình tất yếu trong thời gian tới. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Việt Nam không còn lợi thế về lao động giá rẻ như hiện nay, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ khan hiếm, không phù hợp với mô hình sản xuất nhỏ lẻ nữa.

Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, quá trình tích tu ruộng đất cần bảo vệ quyền tài sản của khi chuyển đổi đất nông nghiệp sang các đất khác, người dân phải ký thuê lại đất sản xuất để canh tác. Tích tụ ruộng đất phải hết sức chú ý quyền của người nông dân. Vị chuyên gia lấy ví dụ ở Đài Loan khi tích tụ ruộng đất, người dân phải được quyền đồng sở hữu. Còn ở Việt Nam nông dân khi bán đất được một cục tiền, như vậy họ sẽ không có đất để sản xuất nguy cơ đất dồn vào tay đại gia rất cao.

TS Andrew Wells Dang, Chuyên gia cao cấp, tổ chức Oxfam Việt Nam cũng cho rằng hạn điền không phải là vấn đề quan trọng nhất. "Đôi khi làm lớn chưa chắc đã tốt hơn làm nhỏ. Bởi nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu đi lên từ hộ gia đình, căn cơ nền sản xuất của Việt Nam là sản xuất nhỏ", vị chuyên gia phân tích. Ông cho rằng, cần tích tụ ruộng đất ở mức thích hợp cho sản xuất nhưng không phải làm bằng mọi giá.

Cùng quan điểm trên, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng nền tảng nông thôn Việt Nam là sản xuất nhỏ nên cần kết hợp sản xuất hàng hóa và cả tự cung tự cấp nữa, không thể chỉ dựa vào doanh nghiệp lớn được. Điều cần thiết là phát triển hệ thông trung gian liên kết giữa người nông dân và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ, để thay đổi ngành nông nghiệp chỉ dựa vào tích tụ ruộng đất, thay đổi chính sách hạn điền chưa đủ mà còn phải bắt đầu từ người nông dân.

"Ở Mỹ phải có trình độ mới sản xuất được nông nghiệp, trong khi Việt Nam đây là nghề cha truyền con nối, sản xuất theo thói quen. Nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp nghèo nàn, trình độ không cao khó áp dụng công nghệ cao bởi chính con em nông dân đi học cũng ít về làm nông nghiệp", TS Võ Tòng Xuân cho hay.

Thái Hoàng