|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Còn nhiều khó khăn phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp

19:41 | 11/04/2024
Chia sẻ
Các doanh nghiệp cho biết vẫn còn một số khó khăn trong phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp. Cụ thể, điều kiện thời tiết, cơ chế về điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp, khu công nghiệp chưa rõ ràng, doanh nghiệp lúng túng vì chưa được đưa vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh.

 Tại Diễn đàn: "Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp", Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) hiện tại khoảng 30 -50% doanh nghiệp tùy theo vùng, miền đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Điều này thuận phù hợp chủ trương của Nhà nước: giảm năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết Net-Zero vào năm 2050. 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VITAS cũng cho biết, còn một số khó khăn. Cụ thể, điều kiện thời tiết, cơ chế về điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp, khu công nghiệp chưa rõ ràng, doanh nghiệp lúng túng vì chưa được đưa vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh.

 Diễn đàn: "Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp" (Ảnh: H.Mĩ)

“Nếu với cơ chế hiện nay doanh nghiệp muốn cũng không làm được. Khoảng trống pháp lý sau Quyết định 13/QĐ-TTg về giá điện cũng gây khó cho doanh nghiệp”, ông Cẩm chia sẻ. 

Đồng thời nhấn mạnh hiện chưa có khung pháp lý cho phát triển và điều tiết điện mặt trời mái nhà. Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII mới chỉ tập trung phát triển nguồn điện gió, năng lượng mới. Điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 chỉ theo hình thức tự sản tự tiêu.

Do đó, ông Cẩm cho rằng, rất cần các cơ quan đưa ra những quy định dưới Luật để giải thích rất rõ doanh nghiệp mới triển khai được. Ví dụ như định nghĩa xác định về “tự sản tự tiêu” trong khu công nghiệp, chủ thể trong các khu công nghiệp để sử dụng điện mặt trời áp mái đó… Cùng với đó, hiện khi điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ dư thừa điện tại các dự án điện mặt trời mái nhà cũng gây khó cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là vấn đề xử lý các tấm pin, đây là cũng vấn đề xử lý rác thải, làm sao tái chế được để tránh là gánh nặng cho môi trường. Do đó, Phó Chủ tịch VITAS kiến nghị Nhà nước sớm ban hành chính sách tổng thể và hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư, lắp đặt, an toàn điện, PCCC cho DN, khu công nghiệp thống nhất trong cả nước. 

Sớm có quy định cụ thể cơ chế điều tiết, mua bán, sử dụng điện mái nhà trong các khu công nghiệp, khu kinh tế

Sớm ban hành chính sách thay thế cho cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn. Ví dụ trong khu công nghiệp có cơ chế cho doanh nghiệp trong cùng khu công nghiệp mua bán điện…

Chia sẻ tại phiên thảo luận, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, lượng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tăng nhanh, số lượng khu công nghiệp và doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp có xu hướng ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng năng lượng trong khu công nghiệp tăng lên. 

Với các doanh nghiệp sản xuất, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm chi phí năng lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong bối cảnh thị trường quốc tế tăng cường các quy định, cơ chế về giảm phát thải, bao gồm lượng phát thải gián tiếp từ điện năng tiêu thụ.

Ông Việt thông tin, khảo sát Khu Công nghiệp Deep C (Hải Phòng) và TEPCO (DN Nhật Bản), hoạt động kinh doanh chính là bán điện trong khu công nghiệp. Hiện tại, khu công nghiệp đang triển khai 3 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 3MW. Tính đến năm 2023, các dự án này tạo ra 5800 MWh điện. Với sản lượng điện này đã làm giảm khoảng được 10 tỷ đồng (giảm 1%). Tính riêng điện mặt trời mái nhà đã tiết kiệm được 6,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông Việt cho biết thêm, nếu các khu công nghiệp mua trực tiếp từ các nhà đầu tư điện mặt trời hoặc tự đầu tư điện mặt trời tái tạo sẽ giảm 15% so với mua trực tiếp giá bán lẻ của EVN.

Các khu công nghiệp tại Hải Phòng nói riêng và khu công nghiệp tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển điện mặt trời mái nhà trên các mái nhà xưởng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng muốn dùng điện từ nguồn năng lượng tái tạo vì muốn đạt được chứng chỉ xanh khi xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Việt chỉ ra, một trong những rào cản khiến các doanh nghiệp lưỡng lự do vẫn chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để khuyến khích, thúc đẩy điện mặt trời mái nhà nói chung.  Bên cạnh đó, những rào cản về thủ tục, quy trình xin giấy phép đầu tư…, cơ chế chính sách trong việc hướng dẫn trình tự thủ tục chưa rõ, chỉ đưa ra quy định chung chung.

Bà Trần Tố Loan – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ cho biết, trước đây, khi thu hút các nhà đầu tư, khu công nghiệp Nam Đình Vũ thường sẽ giới thiệu về những thế mạnh của khu công nghiệp. Đơn cử như ưu đãi thuế của khu vực Đình Vũ - Cát Hải, ưu đãi về giá thuê đất...

Tuy nhiên, vài năm gần đây thì chúng tôi nói về năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo. Đặc biệt là các khu công nghiệp có nguồn năng lượng đó hay không, có đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư hay không. Cụ thể, trong 1 năm trở lại đây, vấn đề được quan tâm nhiều hơn là có điện không, có đáp ứng đủ cho các nhà sản xuất và đảm bảo cho họ ổn định sản xuất hay không.

Mặc dù các yếu tố về tài chính đã được giải quyết khi bắt đầu xây dựng một khu công nghiệp bền vững, tuy nhiên, theo bà Loan, khu công nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, chính sách và cơ chế, khiến sự chuyển đổi diễn ra rất chậm so với tiến độ khu công nghiệp mong muốn.

“Phát triển khu công nghiệp bền vững là không chỉ nói đến năng lượng xanh hơn sạch hơn, mà phải nói đến yếu tố là sử dụng hiệu quả hơn. Nếu chỉ nói đến tự sản tự tiêu trong các khu công nghiệp đơn thuần nghĩa là đang lãng phí nguồn năng lượng” – bà Loan nói.

Riêng vấn đề tự sản tự tiêu đã gặp rất nhiều khó khăn, không có cơ chế mua bán điện ở trong khu công nghiệp khiến vấn đề triển khai trong khu công nghiệp rất khó.

 

H.Mĩ