'Cơn nghiện' đẩy kinh tế châu Á vào bế tắc và có thể trở thành 'chảo lửa' tại COP26
Trên khắp châu Á, nhiều nước đã công bố những kế hoạch lạc quan về việc ngừng hoạt động các nhà máy điện than, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và hoàn thành các mục tiêu lớn về khí hậu.
Song, tiến triển cực kỳ chậm chạp hoặc thậm chí đi lùi. Một số quốc gia còn tăng tiêu thụ than đá thay cho năng lượng tái tạo trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung điện năng trong tương lai.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (hay COP26) ở Glasgow (Scotland) trong tuần này, tình trạng giá khí đốt tăng vọt hay vấn nạn thiếu điện tại châu Á có thể trở thành trọng tâm chú ý, nêu bật lên sự phụ thuộc dai dẳng của các nước trong khu vực vào than đá.
Hiểm họa "rõ như ban ngày" từ than đá
Các tỉnh khắp miền nam Trung Quốc, nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới, đã phải hứng chịu tình trạng mất điện kéo dài từ đầu tháng 9 do thiếu nguồn cung than. Hàng loạt nhà máy ở các tỉnh công nghiệp như Quảng Đông, Giang Tô và Chiết Giang bị ảnh hưởng nặng nề, sản lượng sụt giảm và giá thành phẩm leo thang vì chi phí đầu vào tăng cao.
Tương tự, Ấn Độ - một thị trường tiêu thụ than hàng đầu khác, cũng rơi vào thảm cảnh khi nguồn cung nhiên liệu hóa thạch bị gián đoạn do lũ lụt nghiêm trọng ở các mỏ khai thác than. Doanh nghiệp chế tạo than trời vì thiếu điện, thiếu than để sản xuất.
Tại một cuộc họp chính phủ đầu tháng 10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ra lệnh ngay lập tức tăng nguồn cung than để sản xuất hơn 66% sản lượng điện trong nước, trước khi Trung Quốc bước vào mùa đông.
Theo Xinhua, mệnh lệnh của ông Lý không chỉ liên quan đến việc tăng sản lượng từ các mỏ đang hoạt động, mà còn từ một số mỏ đã phải ngừng vận hành từ trước đó để tuân thủ các quy định về môi trường và an toàn lao động của Bắc Kinh.
Một điểm đáng lưu ý là, những cuộc khủng hoảng năng lượng nêu trên, chủ yếu được cho là do các nước lệ thuộc quá nhiều vào than đá, lại được giải quyết theo hướng "lấy độc trị độc": sử dụng nhiều than đá hơn.
Bà Isabelle Suarez, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch cho hay: "Tôi nghĩ không sai khi nói châu Á bị chứng nghiện than…
Nhu cầu năng lượng của châu Á tăng với tốc độ chóng mặt, do dân số ngày càng đông, ngày càng có nhiều khu vực được tiếp cận nguồn điện cũng như do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ".
Nikkei dẫn lời các nhà bảo vệ môi trường cho biết, sự phụ thuộc của châu Á vào than đá khiến công chúng bất bình. Thứ nhất, châu Á đang phải vật lộn với những tác động về môi trường và sức khỏe mà hiện tượng Trái đất nóng lên gây ra.
Đơn cử, Ấn Độ là nước có mức ô nhiễm không khí tồi tệ thứ ba thế giới năm 2020, theo IQAir. Ở Philippines, nơi có hơn 50% dân số sống ở ven biển, bờ biển đang bị xói mòn ở mức độ đáng báo động và các rạn san hô biến mất gần như chỉ sau một đêm. Việt Nam thường xuyên hứng chịu bão lớn, mực nước biển dâng cao, xâm nhập mặn,…
Thứ hai, than đá ngày càng kém hiệu quả về mặt kinh tế. Năng lượng tái tạo hiện đã rẻ hơn nhiều so với nhiều loại nhiên liệu hóa thạch khác.
Năm ngoái, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính vào năm 2025, chi phí để sản xuất 1 MWh điện năng từ than là hơn 90 USD, trong khi chi phí từ điện gió chỉ tốn khoảng 63 USD và từ điện mặt trời là 48 USD.
Thứ ba, than đá cũng dễ gặp cú sốc về nguồn cung, minh chứng là việc giá than toàn cầu tăng vọt thời gian gần đây. Hãng tin ABC News của Australia cho biết, do tình trạng khan hiếm, giá than nhiệt tại cảng New South Wales đã chạm mức đỉnh lịch sử là 269 USD/tấn trong tháng 10, xô đổ kỷ lục hơn 200 USD/tấn hồi năm 2008.
Tại sao chưa buông tay than đá?
Dễ thấy từ bỏ than đá có lợi ích nhất định, nhưng châu Á vẫn tiếp tục tiêu thụ than, trong đó Trung Quốc là nước đi đầu. Theo báo cáo Boom and Bust năm 2021, Trung Quốc đã xây dựng thêm 76% nhà máy than mới trên toàn cầu trong năm 2020, tăng so với khoảng 64% của năm 2019.
Trong đề án Quy hoạch điện VIII của Việt Nam, than đá dự kiến đóng góp 28,3 - 31,2% công suất điện của cả nước trong giai đoạn 2026 - 2030. Những người ủng hộ đề xuất này cho rằng than đá là cách nhanh nhất để đảm bảo nguồn điện năng phục vụ hoạt động kinh tế trong nước.
Các chuyên gia đồng thuận rằng châu Á đang bị mắc kẹt với than đá. Nhà phân tích Carlos Fernandez Alvarez của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhấn mạnh: "Châu Á nhất mực trung thành với than đá".
Điều đó đặt ra một câu hỏi hóc búa cho giới chuyên gia: Nếu than đá vừa bẩn vừa đắt, thì tại sao châu Á không chịu từ bỏ? Ông Sudhir Sharma, một chuyên gia khu vực của Chương trình Môi trường LHQ tại Bangkok (Thái Lan), tin rằng nguyên nhân bắt nguồn từ việc các nhà tài trợ không muốn buông tay thứ họ đã quá quen thuộc.
Ông Sharma giải thích: "Than đá đã có từ hàng thế kỷ nay, thậm chí có các hệ thống tài chính riêng. Rất nhiều nhà tài trợ lớn sẵn sàng chi tiền cho than đá, nhưng không ai muốn đầu tư mạnh tay cho năng lượng tái tạo. Các ngân hàng rất sợ rủi ro và miễn cưỡng hành động khi chính phủ các nước không công bố chính sách rõ ràng".
Một lý do khác là than có thể cung cấp lượng lớn điện năng cho người dân trên khắp thế giới. Theo Hiệp hội Than Thế giới (WCA), trong giai đoạn 1990 - 2010, khoảng 1,7 tỷ người đã được lần đầu tiên tiếp xúc với điện, và 93% số này là từ than đá. Hơn nữa, các ngành công nghiệp như luyện thép cũng rất cần than đá, WCA nói thêm.
Chưa kể, việc sản xuất điện tái tạo ở châu Á vẫn còn khá chậm. "Các chính sách ủng hộ năng lượng tái tạo chưa có một khung pháp lý rõ ràng để thu hút lĩnh vực tư nhân tham gia vào", ông Sharma cho hay.
Đốm sáng le lói
Chứng nghiên than của châu Á có thể sẽ khiến khu vực này trở thành chảo lửa tại COP26, song có một số tín hiệu tích cực đang dần xuất hiện, báo hiệu về một sự thay đổi tiềm năng ở châu lục này.
Trung Quốc đang đề ra một mục tiêu tham vọng là trung hòa carbon vào năm 2060. Cam kết này đang nhen nhóm hy vọng về một tương lai sạch hơn. Dù vậy, cuộc khủng hoảng thiếu điện gần đây của đất nước tỷ dân vẫn cho thấy hành trình của Bắc Kinh còn muôn phần khó khăn.
Bà Rosealea Yao, chuyên gia phân tích tại Gavekal Dragonomics (Bắc Kinh) cho hay: "Với thực tế là Trung Quốc phụ thuộc nặng nề vào than đá, quá trình chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng xanh, sạch hơn sẽ rất khó khăn và thách thức".
Tháng 9 năm nay, có một điểm sáng mới xuất hiện. Trước đại hội đồng LHQ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã xác nhận rằng Trung Quốc sẽ không tài trợ cho các nhà máy điện than mới ở nước ngoài.
Ngoài ra, trong 5 năm qua, công suất điện gió và điện mặt trời của châu Á đã chứng kiến mức tăng mạnh nhất trên toàn thế giới. Tiến bộ này có được chủ yếu là nhờ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam.