|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Quy hoạch điện VIII sẽ giảm mạnh nhiệt điện than bù lại tăng nhanh tỷ lệ khí LNG và năng lượng tái tạo

10:25 | 28/10/2021
Chia sẻ
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năng 2045 nhiệt điện than sẽ giảm xuống còn 15 - 19%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) chiếm 20 - 21%; thuỷ điện lớn, vừa và thủy điện tích năng chiếm 9 -11%; nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) chiếm 26 - 28% và nhập khẩu khoảng 3,1%.

Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, Bộ Công Thương vừa chính thức trình Chính phủ Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) với một số nội dung nổi bật.

Đến năm 2045, tỷ lệ nhiệt điện than giảm còn 15-19%

Quy hoạch điện VIII dự kiến tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt khoảng 130.400-143.800 MW. 

Trong đó, nhiệt điện than chiếm 28,3 - 31,2%, nhiệt điện khí (tính cả LNG) chiếm 21,1-22,3%; thuỷ điện lớn, vừa và thủy điện tích năng chiếm 17,7-19,5%; nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, điện sinh khổi) chiếm 24,3 - 25,7%, nhập khẩu điện chiếm 3-4%. 

Đến năm 2045, dự kiến tổng công suất đặt của nguồn điện đạt từ  khoảng 262.000 - 329.610 MW.

Trong đó, nhiệt điện than chiếm 15,4 - 19,4%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) chiếm 20,6-21,2%; thuỷ điện lớn, vừa và thủy điện tích năng chiếm  9,1-11,1%; nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) chiếm 26,5-28,4%; nhập khẩu khoảng 3,1%. Tỷ lệ nhiệt điện than giảm mạnh từ 29% năm 2020 xuống còn khoảng 15-19% vào năm 2045.

Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, đây là sự khác biệt giữa Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) và Quy hoạch điện VIII, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của nước ta cũng như xu thế phát triển năng lượng của thế giới.

Về thủy điện, đây vốn là nguồn năng lượng có điều kiện vận hành linh hoạt, phù hợp với chế độ phủ đỉnh biểu đồ phụ tải, nhất là trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện có điện mặt trời và điện gió ngày càng tăng. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ nguồn thủy điện đang giảm dần vì các dự án thuỷ điện lớn cơ bản đã khai thác và đưa vào vận hành. Khả năng khai thác các công trình thủy điện còn lại hầu hết là những dự án có công suất nhỏ và đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng, hoặc đang xây dựng. 

Báo cáo rà soát tiến độ thực hiện của các dự án thủy điện giai đoạn 2020-2025 cho thấy, hệ thống có thể bổ sung thêm khoảng 1.840 MW thủy điện vừa và lớn (bao gồm cả các dự án mở rộng, như: Hòa Bình mở rộng thêm 2 tổ máy với tổng công suất 480 MW, Ialy mở rộng thêm 2 tổ máy với tổng công suất 360 MW và Trị An mở rộng thêm 2 tổ máy với tổng công suất 200 MW).

Các dự án thủy điện nhỏ có khả năng phát triển thêm khoảng 2.700 MW trong giai đoạn từ nay đến 2030. Do đó, đến năm 2045, tỷ lệ thủy điện dự báo chỉ còn chiếm 9% trong cơ cấu nguồn của hệ thống điện.

Cẩn trọng với cơ cấu nguồn từ khí LNG

Quy hoạch điện VIII định hướng phát triển các nguồn dùng nhiên liệu truyền thống chuyển sang khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với quy mô rất lớn từ 0% năm 2020 lên xấp xỉ từ 12.550-17.100 MW năm 2030, chiếm gần 10% - 12% tổng quy mô nguồn năm 2030, tăng dần đến 43.000MW, chiếm từ 15%-17% tổng quy mô nguồn vào năm 2045.

Thực tế cho thấy, nguồn cung từ khí LNG chủ yếu là nhập khẩu và có thể sẽ gặp phải những khó khăn tương tự việc phát triển nguồn nhiệt điện than trong giai đoạn vừa qua.

Do đó, định hướng phát triển các nhà máy điện sử dụng khí LNG cần tính toán trên cơ sở khả năng nhập khẩu LNG và đồng bộ với xây dựng hạ tầng cung cấp LNG (kho cảng, hệ thống lưu trữ, tái hóa, đường ống, ...) trên phạm vi cả nước nhằm tối ưu trong đầu tư, tiết kiệm chi phí xây dựng, nhất là hệ thống kho cảng và lưu trữ.

Đáng chú ý, giá nhiên liệu LNG nhập khẩu luôn là yếu tố bất định, có nhiều biến động trong thời gian qua cũng như giai đoạn sắp tới, dẫn đến các vấn đề về giá, cơ chế giá, hình thức đầu tư… là các rủi ro có thể dẫn đến việc phát triển các nguồn điện sử dụng nhiên liệu LNG không cao như định hướng, gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng nói chung và an ninh cung cấp điện nói riêng. 

Giải bài toán về năng lượng tái tạo

Theo Quy hoạch điện VIII, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) so với tổng công suất đặt toàn quốc trong năm 2020 là 24,4%, đến 2030 là 24,3-25,7% và đến năm 2045 là 26,5-28,4%%.

Tỷ trọng nguồn NLTT đã được ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. 

Tuy nhiên, khi thực hiện cần phân bổ kịch bản phát triển NLTT tối ưu theo khu vực và thời gian thực hiện, trong đó cần ưu tiên phát triển NLTT tại các khu vực lưới điện đáp ứng yêu cầu giải tỏa công suất, đặc biệt khu vực phía bắc (giai đoạn 2021-2030).

Đồng thời giảm khối lượng đầu tư nguồn NLTT giai đoạn 2021-2025 và chuyển sang thực hiện giai đoạn 2026-2030 để đảm bảo tính khả thi thực hiện và ưu tiên thực hiện các nguồn điện có đặc tính điều chỉnh công suất linh hoạt.

Như Huỳnh