Cơn ác mộng của CMC sau thời kì phát triển quá nhanh
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa năm 1987, Nguyễn Trung Chính nhận việc ở Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Bước ngoặt đầu tiên của ông đến từ một vụ hỏa hoạn sau đó 2 năm.
Sau khi khắc phục xử lí sự cố, viện trưởng đồng ý thành lập một trung tâm công nghệ trực thuộc viện nhưng tự chủ tài chính. Những thành công đầu tiên của ông Chính đến từ việc bán những sản phẩm mà trung tâm công nghệ lắp ráp.
Khởi nghiệp để đón làn gió đổi mới
Khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa, những chính sách đối với doanh nghiệp tư nhân cũng thoáng hơn. Vì thế, ông Chính cùng những người bạn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn TH&NT, tiền thân của Tập đoàn CMC sau này.
Công ty dần phát triển và tới năm 1998, TH&NT mở siêu thị máy tính Blue Sky. Đây là siêu thị bán lẻ máy tính đầu tiên tại Việt Nam.
Hai năm đầu Blue Sky hoạt động khá suôn sẻ. Song những khó khăn ập đến vào năm 2000. Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) được áp dụng, khiến TH&NT không thể cạnh tranh với những doanh nghiệp lách luật trốn thuế.
Sau đó Blue Sky buộc phải dừng hoạt động và đây là thất bại đầu tay của ông Chính. Thất bại khiến ông học nhiều kinh nghiệm xương máu.
Phát triển quá nóng
Những năm 2006-2007, thị trường chứng khoán bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam và TH&NT cũng theo xu thế đó, tái cấu trúc để trở thành tập đoàn CMC gồm 4 công ty thành viên.
Ngay sau khi tái cấu trúc, CMC như được cởi trói và bắt đầu phát triển siêu nóng. Thậm chí một công ty con sở hữu doanh thu năm lớn hơn cả vốn.
Doanh nhân Nguyễn Trung Chính không lường hết khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ảnh: CMC Telecom
Trong men say chiến thắng, CMC đã không lường hết sức mạnh của cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhiều đối tác phá sản khiến CMC rơi vào tình thế khó khăn. Kinh doanh thua lỗ kèm theo hàng tồn kho tăng lên chóng mặt, thậm chí có lúc lên tới 3.000 tỉ đồng.
Mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn khi CMC lọt vào danh sách những công ty thuộc diện kiểm soát đặc biệt do mức lỗ quá cao. Tập đoàn bắt đầu bộc lộ lỗ hổng quản trị và giá cổ phiếu trên thị trường giảm mạnh. CMC thực sự lâm nguy trong giai đoạn 2010-2012.
Thay đổi hay chết
Những giống tố đến một cách liên tục khiến ông Chính phải nhìn lại bản thân. Từ việc tập trung hướng ngoại để mở rộng quy mô công ty, CMC hướng tới việc phát triển năng lực của tổ chức. Thực tế đã chứng minh đây là một quyết định vô cùng đúng đắn.
Phải mất 2 năm, CMC mới xây dựng xong bộ tài liệu quản trị doanh nghiệp, đầy đủ và chi tiết. Với bộ tài liệu, CMC đã tối đa hóa nguồn lực nội tại. Mô hình quản trị truyền thống phụ thuộc vào lãnh đạo dần nhường chỗ cho mô hình quản trị hiện đại.
Từ phát triển nóng, từ năm 2013 CMC dần chuyển biến theo hướng tăng trưởng vững chắc và đã xử lí thành công những khó khăn tưởng chừng không thể giải quyết.
Hiện nay, CMC đã phát triển thành một hệ thống toàn quốc, phủ sóng 63 tỉnh thành. Doanh thu năm 2018 đạt 6.000 tỉ đồng và lợi nhuận là 300 tỉ đồng.
Những lĩnh vực hoạt động của CMC. Ảnh: cmc.com.vn
"Đấy là thành quả của cả quá trình tái cấu trúc, xây dựng năng lực quản trị doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đầu tư rất mạnh vào công tác đào tạo, trải qua quá trình chuyển đổi số, quản trị dựa trên nền tảng và công nghệ số", ông Chính chia sẻ.
Trong tương lai, CMC cũng đặt ra mục tiêu sẽ trở thành công ty có giá trị tỉ USD và có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước và quốc tế vào năm 2023.
Đây là một bài học hữu ích dành cho các doanh nghiệp rơi vào thế khó khi phát triển quá nóng ở những thời gian đầu. Thay vì cố gắng giải quyết phần ngọn của vấn đề, ông Chính khuyên chủ doanh nghiệp tập trung vào tối đa hóa năng lực nội tại.
"Định hướng đúng đắn sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn", ông khẳng định.