Công ty từng tăng trưởng nhanh nhất nước Mỹ nộp đơn xin phá sản
Loot Crate là công ty cung cấp các sản phẩm lấy cảm hứng từ game và phim dưới hình thức đăng kí theo gói. Một trong những chủ đầu tư của Loot Crate chính là quỹ mạo hiểm của diễn viên đóng "Iron Man", ông Robert Downey Jr.
Tốc độ tăng trưởng từng đạt hơn 66%
Ra đời năm 2012 bởi Chris Davis và Matthew Arevalo, Loot Crate từng tạo ra tiếng vang lớn trên thị trường. Chỉ 4 năm sau đó, Loot Crate lọt nhóm đầu trong danh sách 5.000 công ty tăng trưởng nhanh nhất nước Mỹ.
Hôm 13/8 Loot Crate đã nộp đơn xin phá sản sau khi không thể trả khoản nợ 30 triệu USD, theo INC. Ngoài ra, công ty đã nhận 20 triệu USD mà khách hàng đã thanh toán nhưng chưa giao hàng.
Trong tình cảnh đó, công ty buộc phải "bán mình" cho Money Chest LLC- doanh nghiệp sẽ hỗ trợ 10 triệu USD để giải quyết thủ tục phá sản. Nhà đồng sáng lập Chris Davis và giám đốc tài chính Eric Chan chưa bình luận về vụ việc.
Quỹ đầu tư của Robert Downey Jr nắm 10% cổ phần của Loot Crate. Ảnh: Grist
Năm 2015, Loot Crate đạt mức doanh thu 116 triệu USD, đạt mức tăng trưởng 66,789% chỉ sau 3 năm hoạt động. Đây là một con số hết sức ấn tượng.
Hiện tại, quỹ đầu tư Upfront là một trong những chủ sở hữu lớn của công ty với 10% cổ phần. Quỹ đầu tư Downey của Robert Downey Jr cũng nắm gần 10% cổ phần. Tỉ lệ cổ phần của hai nhà đồng sáng lập Davis và Matthew Arevalo lần lượt là 51% và 21%.
Hiện tại, Loot Crate có 60 nhân viên toàn thời gian, sau khi đã phải giảm nhân sự liên tục trong nhiều tháng qua.
Không phải trường hợp duy nhất
Chris Davis thừa nhận công ty phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua khó khăn về cấu trúc vốn cũng như các vấn đề về pháp lí trong vòng 18 tháng qua.
"Tôi hoàn toàn hài lòng vì công ty đã có những tiến bộ trong thời gian đó, nhưng chúng tôi lại gặp khăn về mặt thanh khoản", Davis nói. Ông khẳng định công việc của các nhân viên bán hàng vẫn sẽ tiếp tục tới khi các thủ tục hoàn tất.
Một số sản phẩm lấy cảm hứng từ game và phim của Loot Crate. Ảnh: Lootcrate.com
Loot Crate không phải là trường hợp duy nhất từng dẫn đầu danh sách những công ty tăng trưởng nhanh nhất nước Mỹ nộp đơn xin phá sản.
Nhà sản xuất máy tính bảng Fuhu từng giành vinh dự tương tự trong hai năm 2013, 2014 cũng trước khi nộp đơn phá sản vào năm 2015. Thời điểm ấy, doanh thu năm của công ty chưa đạt tới con số 196 triệu USD.
Mattel, tập đoàn sản xuất đồ chơi nổi tiếng ở Mỹ, đã mua lại Fuhu chỉ với giá 21,5 triệu USD năm 2016.
Giới quan sát kì vọng Loot Crate sẽ hoàn thành các đơn hàng mà khách đã thanh toán trong 45 ngày. Theo luật, Loot Crate sẽ tái cấu trúc sau khi hoàn tất các đơn hàng. Bằng cách này, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội bảo vệ tài sản của họ.