|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tồn kho hàng ngàn tấn cá

15:02 | 02/08/2019
Chia sẻ
Các cơ sở thu mua hải sản trên địa bàn tỉnh TT-Huế đang đứng ngồi không yên khi hàng ngàn tấn cá vẫn tồn đọng trong kho cấp đông khoảng 2 tháng nay. Theo các cơ sở thu mua, nguyên nhân chủ yếu là do các thương lái Trung Quốc từ chối nhập hàng.
Tồn kho hàng ngàn tấn cá - Ảnh 1.

Hàng ngàn tấn cá đang tồn kho tại các cơ sở thu mua hải sản tại TT Thuận An (H.Phú Vang, TT-Huế).

Hiện nay, các cơ sở đông lạnh tồn kho chủ yếu tập trung tại TT Thuận An (H.Phú Vang, TT-Huế). Đây là những đầu mối lớn và hầu hết đều ký cam kết tiêu thụ cá cho ngư dân ở địa phương và các tỉnh, thành phố lân cận. 

Thế nhưng, hơn 1 tháng trở lại nay, tại Cảng Thuận An (TT Thuận An), các chủ cơ sở thu mua hải sản quy mô lớn đang “bó gối” trước sự im ắng của thị trường.

Cơ sở kho lạnh Chính Thủy mỗi tháng thu mua 300- 400 tấn cá các loại từ tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân địa phương và các tỉnh lân cận. Cá của cơ sở này không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn được các doanh nghiệp các tỉnh, thành phố lân cận thu mua để xuất khẩu sang nước ngoài. 

Những năm trước, mỗi tháng 2/3 số cá thu mua được thị trường tiêu thụ nhưng năm nay, gần 500 tấn cá vẫn còn tồn kho, chưa có ai hỏi mua khiến cơ sở này khó khăn chồng chất.

“Cơ sở chúng tôi thu mua tất cả các loại cá, đặc biệt là những loại cá xuất khẩu như, ngừ, thu, hố... Tuy nhiên, chưa tiêu thụ được, tất cả các kho cấp đông chứa cá của cơ sở đã đầy, nếu thu mua thêm không biết để ở đâu. 

Cá sau khi thu mua, cấp đông phần lớn được chúng tôi bán lại cho các doanh nghiệp hấp, sấy ở Quảng Trị, Quảng Bình nhưng năm nay rất ít doanh nghiệp hỏi mua. 

Bí đầu ra, nên phải bán lẻ ở trong tỉnh với giá rẻ, nhưng số cá bán được rất ít”- bà Nguyễn Thị Thủy, chủ cơ sở kho lạnh Chính Thủy cho biết. Cũng theo bà Thủy, do cá khó tiêu thụ khiến họ phải cắt giảm sản lượng thu mua, ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân.

Ông Trần Văn Châu - chủ cơ sở kho lạnh Tám Thế cho biết: “Cơ sở tôi có cam kết tiêu thụ hải sản cho nhiều tàu cá ở địa phương. Hiện nay, giá cá nục đang rớt mạnh nhưng tôi vẫn cam kết với ngư dân tiêu thụ sản phẩm với giá 9 ngàn đồng/kg. Việc bí đầu ra khiến chúng tôi rất khó khăn”. 

Cơ sở kho lạnh của ông Châu cũng đang tồn đọng hơn 600 tấn cá các loại. “Chúng tôi đang tồn đọng hàng trăm tấn cá nên số tiền “chết” hiện rất lớn. Ngoài ra, tiền chi phí để bảo quản cá hàng tháng cũng không hề nhỏ. Việc cá tồn kho không chỉ khó khăn cho cơ sở thu mua mà ngư dân cũng chịu thiệt thòi khi giá cá bị giảm”. 

Không chỉ cơ sở ông Châu mà nhiều cơ sở thu mua hải sản khác cũng đang gặp khó khăn khi bí đầu ra.

Ngư dân Nguyễn Văn Khế (47 tuổi, trú TT Thuận An, H.Phú Vang) lo lắng: “Do thị trường không ăn nên mấy chuyến biển vừa rồi, cá đều giảm từ 3-5 ngàn đồng/kg. Mấy chuyến biển liên tiếp, các tàu đều lỗ chi phí dầu, đá. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì ngư dân sẽ còn gặp nhiều khó khăn và tàu thuyền trước nguy cơ nằm bờ”.

Tồn kho hàng ngàn tấn cá - Ảnh 2.

1.100 tấn cá hấp khô đóng gói không xuất khẩu được

Theo P.V Báo Công an TP Đà Nẵng thường trú tại Quảng Trị, ít nhất 1.100 tấn cá hấp khô đóng gói không xuất khẩu được, đang tồn kho tại địa phương. Những ngày qua, chính quyền, sở ngành vào cuộc đã giúp bà con “giải cứu” được một phần, nhưng số lượng hàng tồn kho vẫn còn rất lớn. 

Cá hấp khô của tỉnh Quảng Trị chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, phía Trung Quốc bất ngờ thay đổi phương thức nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc sản phẩm, yêu cầu phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm khiến tiểu thương xoay không kịp. 

Hiện nay, chính quyền địa phương và các các cơ quan chức năng đã vào cuộc, khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ bà con hoàn thiện các thủ tục cần thiết. 

Ngư dân và thương lái hy vọng, sau khi đáp ứng mọi yêu cầu, cánh cửa thị trường xuất khẩu lại rộng mở, vì lâu nay bà con đã làm ăn uy tín, hàng hóa xuất khẩu cũng được người tiêu dùng ưa chuộng.Nhiều lò cá hấp khô tại Cửa Việt và Gio Việt đang gặp nhiều khó khăn.

Lý giải việc cá rớt giá, khó tiêu thụ, bà Nguyễn Thị Thủy cho hay, thông thường sau khi thu mua, sản phẩm của cơ sở bà và những cơ sở khác sẽ được hấp, sấy chuyển sang thị trường Trung Quốc, Philippines. 

Tuy nhiên, gần 2 tháng nay, các thương lái không nhập sản phẩm và ép giá khiến giá cá không bằng phân nửa so với thời điểm cùng kỳ. “Bây giờ, liên lạc với các mối hàng truyền thống đều nhận sự lắc đầu từ họ. 

Lúc trước, nếu có 10 bạn hàng thì bây giờ 9 người đã không nhận nhập hàng. Lý do họ đưa ra là cá không thể tiêu thụ nên mình cũng đành chịu”, bà Thủy nói.

Theo tìm hiểu, các cơ sở đông lạnh trên địa bàn tỉnh thường liên kết với các doanh nghiệp chế biến tại các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Sản phẩm sau khi sơ chế được vận chuyển theo đường tiểu ngạch, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. 

Tuy nhiên, gần đây, việc Trung Quốc lấy lý do chính sách nhập khẩu được siết chặt, đòi giấy chứng nhận nguồn gốc và an toàn thực phẩm hàng nhập khẩu khiến cá của ngư dân tại các tỉnh miền Trung bị ứ đọng trong kho.

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh TT-Huế cho biết: Cá không bán được, chắc chắn thị trường tiêu thụ đang bị thu hẹp và phụ thuộc. 

Do vậy, ngoài các đầu mối truyền thống, các chủ cơ sở cần tìm hiểu và liên kết với các đầu mối khác để giải quyết khâu thị trường. Sức tiêu thụ cũng tùy theo nhu cầu nên thời gian tới, giá cá có thể biến động”.


H.Lan

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.